Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ ở Hậu Giang
Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Tạp chí Xây dựng Đảng tại Hậu Giang
Tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở chia tách địa giới hành chính từ tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ từ 1-1-2004. Đến nay, toàn tỉnh có 11 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, (7 đảng bộ huyện, thị, thành và 4 đảng bộ ngành tỉnh), có 456 TCCSĐ với tổng số 23.230 đảng viên (đảng viên nữ 5.806 đồng chí). Diện tích tự nhiên 160.770 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 85,63%. Dân số­­ khoảng 799.114 người.

Thời điểm mới thành lập, nguồn nhân lực của Hậu Giang thiếu về số lượng và yếu về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài gần 1.000 cán bộ, công chức từ Cần Thơ điều động về Hậu Giang cơ bản đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phần lớn cán bộ còn lại được bổ sung từ các địa phương nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế. Lực lượng sinh viên mới ra trường được tiếp nhận về còn thiếu  kinh nghiệm thực tiễn. Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, cơ quan làm việc tạm mượn, thuê mướn; đời sống cán bộ, công chức, viên chức thu nhập chủ yếu dựa vào tiền lương, việc ăn, nghỉ, đi lại còn nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa các nghị quyết bằng Chỉ thị số 09-CT/TU về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Kế hoạch 15-KH/TU về công tác luân chuyển và điều động cán bộ. Đặc biệt, là Đề án “Xây dựng Đảng giai đoạn 2006-2010” của tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt đến lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; các huyện, thị, thành và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đạt 100%; đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phương pháp, quy trình và phương châm của công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ; vận dụng tốt các quy định, quy chế với nhiều hình thức, công khai, dân chủ từ trong chi bộ đảng đến các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, tôn trọng vai trò của người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ. Trên cơ sở đó, các cấp ủy lựa chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, có triển vọng phát triển đưa vào quy hoạch cán bộ và xây dựng kế hoạch luân chuyển giúp cán bộ có được kinh nghiệm trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ.

Về công tác quy hoạch cán bộ, Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp ủy thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 ( khóa VIII), Nghị quyết số 42 (khóa IX) của Bộ Chính trị. Qua đó, các cấp ủy và tổ chức đảng đã có chuyển biến về nhận thức, chú ý hơn đến việc chỉ đạo thực hiện, quan tâm đổi mới nội dung và cách làm tạo thế chủ động cho việc bố trí nhân sự, đặc biệt trong công tác quy hoạch cán bộ phục vụ đại hội Đảng của 2 nhiệm kỳ trong tỉnh. Cụ thể:
Nhiệm kỳ 2005-2010, kết quả quy hoạch: BCH đảng bộ xã, phường, thị trấn là 1.373 đồng chí, đạt 1,5 lần so với cấp uỷ đương nhiệm (trong đó, nữ 119, chiếm 8,66%); cấp ủy viên dân tộc 0,8 đồng chí, chiếm 0,58%. Tuổi đời bình quân  49,7 (so với cấp uỷ đường nhiệm là 50,7). Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: trung cấp có 183, chiếm 13,32%, cao đẳng 29, chiếm 2,11%, đại học có 390, chiếm 28,4%; Lý luận chính trị: sơ cấp có 267, chiếm 19,44, trung cấp 606, chiếm 44,13%, cao cấp và cử nhân 265, chiếm 19,3%.
BCH đảng bộ huyện, thị, thành là 435 đồng chí, hệ số đạt 2 lần so với ban chấp hành đương nhiệm (trong đó, nữ 54, chiếm 12,4 %). Tuổi đời bình quân 41,06 (so với cấp uỷ đương nhiệm là 44,3). Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: trung cấp 43, chiếm 11,7%, đại học 219, chiếm 50,3%; sau đại học có 2, chiếm 0,5%; lý luận chính trị: sơ cấp có 50, chiếm 11,5%; trung cấp 175, chiếm 40,2%, cao cấp và cử nhân 210, chiếm 48,2%.
Quy hoạch lãnh đạo trưởng, phó các sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể tỉnh là 313 đồng chí (trong đó, nữ có 35, chiếm 11,2%). Tuổi đời bình quân 40,7. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: đại học có 270, chiếm 86,3%; sau đại học có 5, chiếm 1,6%. Về lý luận chính trị: trung cấp có 23, chiếm 7,3%; cao cấp và cử nhân có 290, chiếm 92,7%.
Cấp tỉnh là 71 đồng chí, hệ số đạt 2 lần so với BCH đương nhiệm, trong đó nữ có 8, chiếm 11,3%. Tuổi đời bình quân đến năm 2010 là 48,9 (nhiệm kỳ đương nhiệm là 52,02). Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: đại học có 46, chiếm 64,7%; sau đại học có 5, chiếm 7,04%. Về lý luận chính trị: trung cấp có 5, chiếm 7,04%; cao cấp và cử nhân có 66, chiếm 92,95%.

Nhiệm kỳ 2010-2015, quy hoạch BCH đảng bộ xã, phường, thị trấn là 1.424 đồng chí, đạt 1,56 lần so với cấp uỷ đương nhiệm, trong đó nữ 119, chiếm 8,35%; dân tộc có 06, chiếm 0,42%. Tuổi đời bình quân là 41,5 (so với cấp uỷ đương nhiệm là 41,67).
BCH đảng bộ huyện, thị, thành là 530 đồng chí, hệ số đạt 1,97 lần so với ban chấp hành đương nhiệm; nữ 52, chiếm 9,81%. Tuổi bình quân là 43,81 (so với cấp uỷ đương nhiệm là 46,19.
Quy hoạch lãnh đạo trưởng, phó các sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể tỉnh là 230 đồng chí, trong đó nữ có 27, chiếm 11,73%. Tuổi đời bình quân 49,24. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: trung cấp có 11, chiếm 4,78%; cao đẳng có 01, chiếm 0,43%; đại học có 160, chiếm 69,57%; sau đại học có 19, chiếm 8,26%. Về lý luận chính trị: trung cấp có 45, chiếm 19,57%; cao cấp và cử nhân có 153, chiếm 66,53%.
Cấp tỉnh là 99 đồng chí, hệ số đạt 2,02 lần so với BCH đương nhiệm; trong đó nữ có 04, chiếm 4,04%. Tuổi đời bình quân đến năm 2010 là 51,55 (nhiệm kỳ đương nhiệm là 52,02).


Nhìn chung, trong quá trình xây dựng quy hoạch các cấp ủy đảng đã rà soát, đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạnh; thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng quy hoạch, phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn từ nhiều kênh thông tin; phương pháp, cách làm có đổi mới, tiến bộ; dân chủ, công khai và được mở rộng; lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; đảm bảo phương châm “động” và “mở”; cơ cấu có tính kế thừa và phát triển của quy hoạch. Số lượng nguồn đưa vào quy hoạch đạt hệ số từ 1,5 đến 2 lần so với cấp uỷ đương nhiệm, mỗi chức danh quy hoạch từ 02 đến 03 đồng chí, mỗi đồng chí quy hoạch từ 02 đến 03 chức danh. Đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức...để xây dựng quy hoạch cán bộ và chuẩn bị nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn phục vụ tốt cho việc xây dụng đề án nhân sự trước khi diễn ra đại hội đảng các cấp.

Bên cạnh những ưu điểm, quy hoạch cán bộ thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm: một số nơi chưa thực hiện đúng theo tinh thần của Trung ương; nhầm lẫn giữa quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự nên lúng túng về cách làm; nhận thức, cách làm và kết quả quy hoạch khác nhau. Việc định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch hằng năm chưa kịp thời, còn lúng túng và khép kín trong nội bộ ngành, đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở; tỷ lệ nữ, trẻ, người dân tộc chưa đạt yêu cầu, tuổi đời bình quân còn cao so với qui định. Ở một số địa phương chất lượng cán bộ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

Về công tác luân chuyển cán bộ: Xuất phát từ yêu cầu thực tế của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 18-6-2008 về luân chuyển và điều động cán bộ. Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và dự nguồn trong quy hoạch ở các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh, huyện, thị về tham gia lãnh đạo cấp dưới; luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh và huyện, thị này sang huyện, thị khác hoặc từ xã, phường, thị trấn này sang xã, phường, thị trấn khác. Đến nay đã luân chuyển 198 đồng chí (trong đó, cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành tỉnh về huyện tham gia cấp ủy, giữ chức vụ phó bí thư huyện uỷ 3 đồng chí; huyện về tỉnh giữ chức vụ trưởng phòng 2; huyện luân chuyển về làm bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn 42; xã, phường, thị trấn về huyện, thị, thành 72; ngành về xã, phường, thị trấn 40; xã, phường, thị trấn này sang xã, phường, thị trấn khác 29) và điều động, bổ nhiệm theo kế hoạch là 277.

Chế độ, chính sách đối với cán bộ được luân chuyển đã được chú ý hơn. Ngoài chính sách chung, UBND tỉnh cấp kinh phí xây dựng nhà công vụ cho các huyện, thị từ 02 đến 03 căn; xã, phường, thị trấn cách xa trung tâm huyện, thị 01 căn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển về cơ sở. Đối với cán bộ luân chuyển đến huyện, thị cách xa trung tâm tỉnh từ 40 km trở lên được trợ cấp 1 lần là 10 triệu đồng/người; các huyện, thị còn lại 6 triệu đồng/người (trừ huyện mà tỉnh đóng trên địa bàn). Các đồng chí trưởng, phó ngành tỉnh, bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND huyện, thị được luân chuyển có xe đưa đón 1 lượt đi - về/tuần; các trường hợp còn lại được khoán tiền xăng 500.000 đồng/người/tháng, trừ những trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp điều động hoặc thanh toán tiền tàu, xe theo vé. Riêng đối với cán bộ nữ luân chuyển ngoài các khoản trợ cấp trên còn được trợ cấp thêm 500.000 đồng/tháng.

Nhìn chung, cán bộ luân chuyển được rèn luyện thêm về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và đào tạo, bồi dưỡng, thử thách trong thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng để tạo nguồn cho quy hoạch nhiệm kỳ tới; kết quả, các cán bộ luân chuyển phát huy tốt năng lực sở trường, hiệu quả công việc, tác động tích cực đến chất lượng đội ngũ cán bộ tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác luân chuyển vẫn còn nhiều khó khăn như: môi trường làm việc, sinh hoạt của cán bộ được luân chuyển mới mẻ nên phải có thời gian làm quen, tiếp cận; khi có kinh nghiệm và quen môi trường, quen công việc thì cũng hết thời gian luân chuyển, do đó bản thân cán bộ đó chưa phát huy hết kiến thức, kinh nghiệm để mang lại hiệu quả trong công tác tại đơn vị, địa phương.

Thời gian tới, Tỉnh uỷ Hậu Giang xác định thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp ủy đảng, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quy hoạch cán bộ, dân chủ, sâu sát và công tâm trong công tác quy hoạch. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với  phát huy trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Hai là, mỗi cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy phải có tư duy, tầm nhìn xa trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, phải chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả và chất lượng của công tác quy hoạch cán bộ, xem đây là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tập thể và cá nhân lãnh đạo mỗi cơ quan, đơn vị.

Ba là, ban tổ chức các cấp là cơ quan tham mưu cho cấp uỷ thật sự công tâm, khách quan, dân chủ, đúng nguyên tắc, quy trình; phải chủ động đề xuất và đổi mới cách làm phù hợp nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ và làm tốt chính sách cán bộ.

Bốn là, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng khép kín trong quy hoạch cán bộ, là bước chuẩn bị để chủ động trong công tác luân chuyển, bố trí cán bộ.

Năm là, quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu. Đối với cán bộ trẻ trong diện quy hoạch nhất thiết phải được đào tạo toàn diện, đào tạo chính qui tại các học viện, trường Trung ương. Mở các lớp tạo nguồn tại địa phương lấy đối tượng là những cán bộ trẻ có thành tích xuất sắc, sinh viên giỏi, con em gia đình có công cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ nhằm tạo nguồn cán bộ lâu dài.

Sáu là, xây dựng quy chế và kiên trì đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch; bố trí, đề bạt cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch, đào tạo. Các cấp ủy cần phối hợp với các cơ sở đào tạo để theo dõi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của cán bộ, bổ sung hồ sơ để làm căn cứ đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Mỗi khóa học có thể chọn một vài trường hợp có kết quả học tập, rèn luyện đặc biệt xuất sắc đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét đề bạt, bổ nhiệm ngay sau khi tốt nghiệp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất