Tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận
Đại biểu bầu BCH Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2011-2016
Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số và chuyên gia trên các lĩnh vực.
Xác định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp ủy huyện, thành phố thuộc Tỉnh đã tăng cường các biện pháp tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số của Tỉnh có bước trưởng thành về số lượng và chất lượng, tích cực tham gia vào việc hoạch định chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương. Phần đông cán bộ thể hiện tốt ý thức trách nhiệm, tinh thần cầu tiến, chịu khó học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực: trình độ được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện nay, cấp ủy tỉnh cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đạt 3,77%, cán bộ nữ 7,55%, cán bộ dân tộc thiểu số 5,66%, cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, trên đại học 94,3%. Đối với cấp ủy huyện: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 8,5%, cán bộ nữ 12%, cán bộ dân tộc thiểu số 7,1%, trình độ chuyên môn đại học, trên đại học 82,2%. Ở cấp ủy cơ sở: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 19,73%, cán bộ nữ 16,75%, cán bộ dân tộc thiểu số 13,08%, trình độ chuyên môn đại học 60,1%.

Trong HĐND tỉnh: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 10%, cán bộ nữ 26%, cán bộ dân tộc thiểu số 14%, trình độ chuyên môn đại học, trên đại học 96%. HĐND cấp huyện: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 19,64%, cán bộ nữ 25,45%, cán bộ dân tộc thiểu số 18,3%, trình độ chuyên môn đại học, trên đại học 80,36%. HĐND cấp xã: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 31,38%, cán bộ nữ 23,78%, cán bộ dân tộc thiểu số 25,73%, trình độ chuyên môn đại học 15,49%.

Cán bộ lãnh đạo diện Tỉnh ủy quản lý: trẻ dưới 40 tuổi đạt 5,71%; cán bộ nữ 11,07%; cán bộ dân tộc thiểu số 5,35%; trình độ chuyên môn đại học, trên đại học 93,9%. Cán bộ thuộc diện các sở, ban, ngành, huyện, thành ủy quản lý: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 9,7%; cán bộ nữ 19,83%; cán bộ dân tộc thiểu số 6,13%; trình độ chuyên môn đại học, sau đại học 77,75%. Cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn: cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đạt 20,3%; cán bộ nữ 13,7%; cán bộ dân tộc thiểu số 26,3%; trình độ chuyên môn đại học 26%.

Nhìn chung, công tác tạo nguồn, đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, thực hiện ngày càng đi vào nền nếp, quy trình bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công tâm… Nhờ đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từng bước được trẻ hóa, chất lượng các mặt nâng lên. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND và các cơ quan lãnh đạo chính quyền, mặt trận, đoàn thể tăng hơn so với trước. Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số sau khi bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, năng động trong quản lý, điều hành, đáp ứng tốt yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ mới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thì số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, cơ quan lãnh đạo các cấp nhìn chung còn thấp, chất lượng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên, là do công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp uỷ nhận thức chưa sâu sắc về chiến lược cán bộ, nên việc quy hoạch tạo nguồn gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số đạt chất lượng chưa cao; một số nơi chưa mạnh dạn đổi mới trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, chưa thật sự quan tâm đưa cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào dự nguồn quy hoạch. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở một số đơn vị chưa thực hiện tốt; một số nơi còn xem nặng yếu tố kinh nghiệm khi nhận xét, đánh giá cán bộ trẻ; chưa mạnh dạn giao việc, thử thách để cán bộ trẻ, cán bộ nữ thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Bên cạnh đó, bản thân một bộ phận cán bộ tuy được đào tạo, nhưng kiến thức, tư duy, năng lực công tác còn nhiều hạn chế, phương pháp làm việc thiếu khoa học, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, ý chí khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên ở mức độ thấp.


Để góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong thời gian tới, Ban Tổ chức tỉnh ủy Ninh Thuận đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng phải coi xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đồng thời,  xác định rõ trách nhiệm của tập thể, từng cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Mỗi đồng chí cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ trẻ. Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ, quan tâm lựa chọn đưa vào quy hoạch những nhân tố trẻ, nữ, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ này phát huy khả năng, sở trường, được cống hiến và trưởng thành. Mỗi nhiệm kỳ phấn đấu tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, HĐND, các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ...

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số của cấp, ngành, địa phương và xem đó là một trong những tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đưa nội dung lãnh đạo công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng để gắn trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả công tác tạo, các ngành, địa phương phải chú trọng làm tốt ngay từ khâu tuyển chọn. Trong tuyển chọn phải chú ý đến lực lượng trẻ, nữ có trình độ đại học, trên đại học, là con em gia đình có công cách mạng, dân tộc thiểu số. Mỗi ngành, địa phương phải chủ động xây dựng chính sách thu hút đủ sức hấp dẫn và tạo môi trường làm việc thuận lợi để giữ chân và thu hút trí thức trẻ. Quan tâm lựa chọn và đào tạo chuyên môn sau đại học (kể cả trong nước và nước ngoài) đối với số cán bộ, công chức trẻ, sinh viên, học sinh có thành tích học tập xuất sắc để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao phục vụ công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ, công tác giảng dạy...

Thứ tư, để tạo nguồn cán bộ nữ, trước hết các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm làm tốt công tác phụ nữ, chăm lo xóa mù chữ, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn và đào tạo nghề cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ được tiếp cận với khoa học-kỹ thuật, tham gia nghiên cứu, công tác, cống hiến và trưởng thành, chú trọng đến đối tượng phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần có chính sách đặc thù trong công tác đào tạo, sử dụng cán bộ nữ (về tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng...). Đồng thời để làm tốt, có hiệu quả công tác tạo nguồn cán bộ nữ, cần phát huy tốt vai trò của các hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc tuyên truyền  giáo dục, rèn luyện, động viên kịp thời để cán bộ nữ vượt khó vươn lên trong học tập và công tác. Tổ chức nhiều phong trào phụ nữ để thông qua đó phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị các cấp.

Thứ năm, đối với công tác tạo nguồn cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở cần tăng cường động viên, khuyến khích tạo điều kiện để con em người dân tộc địa phương tham gia các lớp văn hóa, qua đó tuyển chọn cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách ưu đãi, thu hút các em trở về công tác tại địa phương, bố trí các chức danh ở các ngành, đoàn thể ở cơ sở và tiếp tục cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Trong quá trình công tác, tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kịp thời động viên sự nhiệt tình, hăng hái để cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó xem xét kết nạp đảng viên, tạo nguồn cán bộ tại chỗ, lâu dài cho cơ sở.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất