Chuyển biến tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Điện Biên
Lớp bồi dưỡng chính trị khóa II năm 2014 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mường Chà (Điện Biên).


"Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành khảo sát đánh giá tình hình hoạt động các chi bộ đảng để xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2010-2015".

Tỉnh ủy đã chỉ đạo chặt chẽ việc kiện toàn, sắp xếp hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tỉnh đến huyện theo hướng tập trung, thống nhất. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, cải tiến việc biên soạn giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện bảo đảm tốt nhiệm vụ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho lãnh đạo của cấp ủy, bí thư, quản lý điều hành UBND và chủ tịch UBND.

Tỉnh quy định chế độ học tập bắt buộc nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, và tư tưởng. Cùng với rèn luyện và hoạt động thực tiễn, lấy kết quả học tập, chuẩn hóa là một tiêu chuẩn để xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Trung tâm đào tạo  như Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với các trường đại học, học viện liên kết mở nhiều lớp đào tạo chuyên môn và  lý luận chính trị hệ vừa học vừa làm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ, đảm bảo chuẩn hóa theo quy định. Tỉnh đã cử 432 cán bộ đi đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 3 lớp cao cấp lý luận chính trị tại chức cho 337 học viên; trên 1.200 cán bộ cấp phòng, ban của huyện, của sở, chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn được đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh; trên 1.000 cán bộ được bồi dưỡng cặp nhật kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, nghiệp vụ các đoàn thể... Hằng năm, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở 15 - 20 lớp, mỗi lớp 40 - 50 học viên là chi ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản để bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ xây dựng đảng, quản lý nhà nước, công tác vận động quần chúng của các đoàn thể, nhiệm vụ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản, đại biểu HĐND...

Theo đó, năm 2014 và những năm tiếp theo Tỉnh sẽ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng trên 17 ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức chính trị, chuyên môn, kỹ năng quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và đào tạo chuyên môn sau đại học theo nhu cầu phát triển ngành và lĩnh vực của tỉnh. Điển hình trong việc chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là các đảng bộ: Công an Tỉnh, Tủa Chùa, Điện Biên, Dân chính Đảng, TP. Điện Biên Phủ, Mường Lay, Tuần Giáo... Tiêu biểu cho các đơn vị làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng là: Trường Chính trị Tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên Tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật... Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: Mường Lay, Mường Ảng, Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông...

Luân chuyển mạnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ   

Tỉnh ủy Điện Biên xác định luân chuyển cán bộ là "khâu đột phá", có tính chiến lược góp phần đổi mới sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Mục đích của luân chuyển nhằm tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, thử thách, trải nghiệm thực tế; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương, cơ sở; thông qua luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, hiểu thực tiễn, giúp cán bộ trưởng thành nhanh và toàn diện hơn, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài. Vì vậy, Tỉnh uỷ Điện Biên đã bố trí cán bộ luân chuyển hợp lý, tăng cường những nơi cấp bách, cơ sở nông thôn, địa bàn, đơn vị có nhiều khó khăn.



Từ năm 2000 đến nay, Huyện ủy Điện Biên Đông đã luân chuyển hơn 60 cán bộ cấp huyện về công tác tại xã, thị trấn và ngược lại.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, việc luân chuyển cán bộ ở Điện Biên đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo được nhiều chuyển biến trong công tác chỉ đạo, điều hành ở địa phương, cơ sở nơi có cán bộ luân chuyển đến. Cấp tỉnh: 26 cán bộ luân chuyển từ tỉnh về huyện và từ huyện về tỉnh; cấp huyện: 32 cán bộ cấp phòng về cơ sở xã, phường, thị trấn, 13 cán bộ cấp xã về công tác tại phòng ban cấp  huyện; từ ngành sang ngành, từ huyện sang huyện là 20 cán bộ.

Hầu hết cán bộ được luân chuyển đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, biết phát huy trí tuệ của tập thể, cùng tập thể cấp ủy, chính quyền nơi đến lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến tình hình ở địa phương, đơn vị, cơ sở. Điểm nổi bật là trong giải quyết công việc, cán bộ luân chuyển đã lựa chọn những vấn đề bức xúc từ cuộc sống đặt ra, những việc trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo và kiên quyết trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, cán bộ luân chuyển đã tạo được uy tín đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đến. 

Điển hình trong công tác luân chuyển cán bộ là các đảng bộ: Biên phòng Tỉnh, Công an Tỉnh, Quân sự Tỉnh, TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Lay. Nhiều cán bộ luân chuyển về cơ sở đã trưởng thành, khẳng định mình trong hoạt động thực tiễn như Đỗ Thành Công, Lê Minh Điệp (TP. Điện Biên Phủ), Pờ Hùng Sang (Mường Nhé) Tô Bá Tuân, Đỗ Xuân Khải (Tủa Chùa), Giàng A Dế (Tuần Giáo);  Lầu A Vàng (Mường Ảng); Lê Văn Kha (Điện Biên Đông); Nguyễn Ngọc Sơn, Sùng A Dũng (Nậm Pồ), Hoàng Triệu Quang ( BĐBP)...    

Những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ của Điện Biên chứng tỏ đây là chủ trương, định hướng đúng trong công tác cán bộ của Đảng bộ Tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để từ đó rèn luyện cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững đã và đang là một hướng đi đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Điện Biên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất