Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy (khóa IX) về công tác dân tộc chỉ rõ: “Xây dựng tiêu chuẩn công chức làm công tác dân tộc. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Tuyển chọn, tăng cường cán bộ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt về cơ quan làm công tác dân tộc ở các cấp”(2). Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc không những thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, mà còn tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức vừa làm việc trên các lĩnh vực theo nguyên tắc thị trường vừa phải biết quyết định các vấn đề trên cơ sở hệ thống quyền lực mà nhân dân giao cho. Đào tạo và bồi dưỡng theo nguyên tắc chức nghiệp hay chế độ việc làm đều nhằm kiến tạo đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có năng lực, biết giải quyết có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Do đó, việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân tộc cho cán công chức làm công tác dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân tộc, nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Trong những năm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành và thực hiện nhiều quyết định về đào tạo, bồi dưỡng: Quyết định 86/QĐ-UBDT ngày 25-4-2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc giai đoạn 2012-2020; Quyết định 155/QĐ-UBDT ngày 3-4-2013 qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cán bộ Dân tộc; Quyết định số 343/QĐ-UBDT ngày 29-6-2015 ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Ủy ban dân tộc… Được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nên đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đã áp dụng các kiến thức vào công việc, góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện đời sống của nhân dân. Theo đó, “tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh trong vùng dân tộc và miền núi đạt từ 8 - 10%, một số địa phương có mức tăng trưởng cao trên 10%; hệ thống công trình hạ tầng tiếp tục được tăng cường; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc, miền núi có chuyển biến tích cực, giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Vùng dân tộc thiểu số đạt và vượt kế hoạch về giảm tỷ lệ hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%). Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Các địa phương đã chủ động nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và giải quyết các vụ việc nổi cộm phát sinh ngay từ cơ sở, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”(3).
Đổi mới mạnh mẽ “nội dung chương trình là “xương cốt” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đây là vấn đề quyết định đến đặc thù, yêu cầu của việc đào tạo, bồi dưỡng, là cái quyết định đến chất lượng của sản phẩm đào tạo, là cái có đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn khách quan về công tác dân tộc của đất nước hay không”(4). Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực công tác dân tộc là “đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý ở vùng dân tộc và miền núi còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực tổ chức, chỉ đạo thực hiện; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm”(5). Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế và đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cần thực hiện mộ số các giải pháp sau:
1. Phân tích nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của cán bộ công chức, viên chức
Đây là nội dung hàng đầu, bởi việc xác định nhu cầu đào quyết định công chức tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng nào cho phù hợp để bảo đảm sau khóa học họ thực hiện công việc tốt hơn. Đồng thời, việc phân tích phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của từng vùng, miền, địa phương.
2. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
Xây dựng kế hoạch đào tạo phải căn cứ vào thực trạng tình hình, nhu cầu đào tạo và mục tiêu cần đạt và phương tiện, phương thức thực hiện. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải xác định được nội dung các khóa học, tài liệu đào tạo, giảng viên, học viên, thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất, kinh phí, đánh giá và công tác tổ chức quản lý khóa học.
3. Thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng
Tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý, bảo đảm sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Vấn đề này cần phải có đội ngũ những người giảng dạy, hướng dẫn có tri thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cao, hiểu biết thực tế phong tục tập quán, tâm lý văn hóa, ngôn ngữ, điều kiện sống và công tác của cán bộ, công chức làm công tác dân tộc. Đặc biệt là phải có tâm huyết, tận tụyvới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân tộc. Để giảng dạy có hiệu quả, người giảng viên cần có giáo án bài giảng khoa học, kết cấu hợp lý, lượng kiến thức đưa ra phù hợp với đối tượng, các ví dụ dẫn chứng phải sát với thực tiễn người học đang sống và công tác. Giảm kiến thức hàn lâm, lý thuyết, duy danh… tăng các bài tập tình huống, song vẫn bảo đảm kiến thức cơ bản và hiệu quả. Thông qua phương pháp, kỹ năng, tri thức chuyên môn, thực tiễn của người dạy học để chuyển tải nội dung, kiến thức cơ bản phù hợp với trình độ văn hóa, ngôn ngữ của học viên.
4. Thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng
Việc tổ chức thực hiện chương trình cần xác định những hoạt động cụ thể trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Phân công, phối hợp với các đơn vị có liên quan để có hiệu quả tốt nhất.Tính toán chi phí phù hợp để có kết quả cao. Để thực hiện chương trình cần cụ thể kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thành các công việc: ra quyết định tổ chức khóa học, triệu tập học viên, in ấn tài liệu, mời giảng viên, tổ chức chọn địa điểm, điều phối chương trình, theo dõi các hoạt động giảng dạy, chi phí thanh toán, đánh giá, báo cáo sơ, tổng kết và thanh quyết toán.
5. Đánh giá chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Đánh giá việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng là việc làm cần thiết nhằm trả lời lời các câu hỏi: Việc đổi mới về đào tạo, bồi dưỡng có đạt mục tiêu không? Nội dung có phù hợp không? Chương trình có phù hợp không? Giảng viên có đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng không? Thái độ của học viên khi tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng như thế nào? Công tác tổ chức có tốt không? Học viên học được những gì và họ áp dụng được những điều đã học vào thực tế công việc không? Và hiệu quả của việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc (chuyên trách và không chuyên trách) là trang bị những kiến thức cho người học, để sau khi học xong họ có thể áp dụng vào vị trí và điều kiện công tác. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy với công việc, có trình độ quản lý tốt đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện chương trình cải cách một bước nền hành chính nhà nước nói chung và công tác dân tộc nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Phạm Thị Kim Cương, Lê Thanh Bình
Trường Cán bộ dân tộc, Ủy ban Dân tộc
-----------------
Tài liệu tham khảo:
(1). Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.77.
(2). Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Hà Nội, năm 2003.
(3) Ủy ban Dân tộc: Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2014 và triển khai nhiệm năm 2015, Hà Nội, tháng 1 năm 2015.
(4). TS. Phan Văn Hùng: Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc: Đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc, Hà Nội, 2006. tr.64.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành trung ương khóa IX. NXB, Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2003, tr.34.