Giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ ở Hải Phòng
Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020, công tác cán bộ ở TP. Hải Phòng được triển khai thực hiện khá đồng bộ, toàn diện, đúng quan điểm, mục tiêu chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác đánh giá cán bộ có bước đổi mới về nội dung và phương pháp; quy hoạch cán bộ triển khai bài bản; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được chú trọng; quản lý, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ có bước chuyển biến tiến bộ; chính sách đối với cán bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Tuy nhiên, các khâu trong công tác cán bộ vẫn còn khuyết điểm, hạn chế: Khâu đánh giá cán bộ còn yếu, hiệu quả thấp do chậm rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn cán bộ; chưa thực sự lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá. Quy hoạch cán bộ chưa thực hiện tốt phương châm “động” và “mở”, biểu hiện khép kín, cục bộ còn khá nặng nề. Luân chuyển cán bộ triển khai chưa chủ động, còn nhầm lẫn giữa luân chuyển với điều động, bố trí cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn dàn trải; nhìn chung chưa thực sự gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ…

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa tập trung đầu tư, thiếu quyết tâm đổi mới trong công tác cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ chưa được cấp ủy đảng coi trọng đúng mức. Chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. Nhiều vấn đề mới liên quan, tác động đến quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ chậm được nghiên cứu, giải quyết kịp thời, hiệu quả.            

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Thành phố, Thành ủy Hải Phòng xác định thực hiện tốt giải pháp chủ yếu sau:

1. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đối với công tác cán bộ

Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Rà soát, bổ sung các quy định, quy chế nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Cải tiến quy trình công tác cán bộ theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu. Chú trọng việc chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể về quản lý đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

2. Xây dựng tiêu chí đánh giá, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ

Trong hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, cùng với tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, cần chú trọng, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Xây dựng quy trình đánh giá cán bộ theo hướng đổi mới, mở rộng dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp có thẩm quyền và người đứng đầu. Tiến hành theo các bước phù hợp đối với việc đánh giá cán bộ theo định kỳ hàng năm; đánh giá cán bộ trước khi hết nhiệm kỳ; đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng của, quy hoạch, điều động luân chuyển...

Đánh giá cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh cán bộ đảm nhiệm, đặc biệt là căn cứ vào mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải gắn trách nhiệm cá nhân với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị.

3. Thực hiện phương châm "động" và "mở" trong xây dựng quy hoạch cán bộ; mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch

Mỗi chức danh cán bộ chuẩn bị ít nhất 3 cán bộ để quy hoạch, mỗi cán bộ có thể được quy hoạch từ 2  đến 3 chức danh và đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi ở từng chức danh; có tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ thích hợp; kiên quyết khắc phục tình trạng nhiều cán bộ có cùng độ tuổi trong 1 chức danh quy hoạch nhằm đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Chú trọng tính khả thi của quy hoạch, thực hiện quản lý cán bộ trong quy hoạch như đối với cán bộ cấp ủy quản lý; căn cứ quy hoạch cán bộ, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ một cách có hiệu quả. Quan tâm quy hoạch tạo nguồn cán bộ có năng lực, triển vọng phát triển, cán bộ trẻ có thành tích xuất sắc, cán bộ xuất thân từ công nhân, gia đình có công với cách mạng, cán bộ nữ, cán bộ khoa học kỹ thuật.

4. Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ

Xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ, trong đó quy định rõ mục tiêu, quan điểm, phạm vi, đối tượng, độ tuổi, thời gian luân chuyển, chế độ chính sách, quy trình luân chuyển, định hướng sắp xếp sau luân chuyển... Thống nhất nhận thức về công tác luân chuyển cán bộ, trước hết là luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, chỉ thực hiện luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn khi thực sự cần thiết.

Quy định thời gian luân chuyển nói chung từ 3 năm đến dưới 5 năm, sau khi hết hạn luân chuyển phải tiến hành đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và khả năng của cán bộ để tiến hành bố trí, sắp xếp sau luân chuyển. Độ tuổi khi luân chuyển nói chung từ 45 tuổi trở xuống, số ít có độ tuổi dưới 50. Quy định một số chính sách, chế độ đối với cán bộ luân chuyển.

5. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo mục tiêu, quy hoạch và tiêu chuẩn cán bộ

Đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Khuyến khích cán bộ tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực công tác. Xây dựng quy định học tập bắt buộc đối với cán bộ, quy chế quản lý, sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng, quy chế quản lý bồi dưỡng, học tập ở nước ngoài.

Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn các chức danh cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch đào tạo, tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Hằng năm bố trí từ 1-1,5% trong tổng chi ngân sách thành phố cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Huy động các nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

6. Đổi mới phương pháp, cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử và bố trí, sử dụng cán bộ.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; đồng thời căn cứ tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ, năng lực cán bộ và kết quả đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền. Cán bộ được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm nhất thiết phải trong quy hoạch chức danh đó hoặc chức danh tương đương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ theo quy định.

Tiếp tục thực hiện thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Thí điểm thi tuyển chức danh cấp phó sở, ngành; cấp trưởng và phó đơn vị sự nghiệp và trưởng, phó phòng cấp sở.

Xây dựng quy chế để thực hiện bầu cử, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo theo hướng cấp trường giới thiệu cấp phó để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và giới thiệu nhân sự thay thế khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức, cấp ủy viên phụ trách địa phương, đơn vị và cơ quan tổ chức của cấp ủy Đảng các cấp trong việc phát hiện, giới thiệu nhân tố mới, có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch; đồng thời chịu trách nhiệm về người được mình giới thiệu trước cấp ủy có thẩm quyền.

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo yêu cầu tăng cường chất lượng, tính giảm biên chế, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý, các ngạch, bậc công chức trong từng cơ quan đơn vị; khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ.

7. Thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ cán bộ

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ đối với cán bộ được cử đi học để khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ; xây dựng cơ chế thu hút, sử dụng cán bộ có tài năng.

Tạo môi trường để cán bộ làm việc phát huy khả năng, tài năng; chính sách đối với cán bộ được luân chuyển, chế độ nhà công vụ; chính sách đối với cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn.

Đi đôi với khuyến khích lợi ích vật chất, nghiên cứu các hình thức thích hợp để tôn vinh và động viên tinh thần đối với cán bộ.

8. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ.

Xây dựng tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục cải tiến phương pháp làm việc theo hướng chuyên sâu, rõ trách nhiệm cá nhân, khuyến khích cán bộ nghiên cứu, đề xuất, phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bội làm công tác tổ chức và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức.

Tiếp tục ra soát, đánh giá và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cơ quan làm công tác tổ chức ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó kiện toàn, sắp xếp, bổ sung cán bộ có chất lượng, nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động, nhất là công tác tham mưu, hướng dẫn và kiểm tra.

Nguyễn Thạch Sơn
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất