Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở cực bắc Tây Nguyên. Tổng số cán bộ, công chức là nữ công tác ở các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp của tỉnh gần 9 nghìn người (bằng 56,84% tổng số cán bộ, công chức). Trong đó, cán bộ, công chức nữ là người dân tộc thiểu số chiếm 12,50%.
Những năm qua công tác cán bộ nữ luôn được Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo sâu sát, nhờ đó chất lượng, tỷ lệ đội ngũ cán bộ nữ được nâng lên. Đội ngũ cán bộ nữ đạt nhiều tiến bộ trong lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tận tâm, tận lực với công việc, có ý thức khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đúng mức công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, tỷ lệ bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và đội ngũ cán bộ nữ. Năng lực tham mưu, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ nữ còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số ít cán bộ nữ thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện vươn lên trong công tác, nhất là ở cơ sở.
Nhận thức rõ vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và thực trạng công tác cán bộ nữ của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình số 35-CTr/TU ngày 27-8-2007 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ, xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ, các ngành và cán bộ, đảng viên về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ.
Chương trình đề ra 5 giải pháp thực hiện công tác cán bộ nữ của tỉnh, gồm:
Một là, tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ đảng trong lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong tổng thể quy hoạch cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ nữ và cán bộ làm công tác phụ nữ, nhất là cán bộ nữ ở cơ sở. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.
Ba là, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng từ 30% trở lên. Chú ý chọn cử đi đào tạo cán bộ nữ người dân tộc thiểu số; có kế hoạch tạo nguồn cán bộ nữ trong thực tiễn. Phổ cập tin học cho cán bộ nữ các cấp.
Bốn là, thực hiện tốt chính sách nhằm phát triển cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý, cán bộ trong nghiên cứu khoa học. Có chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ; chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, công tác ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ nữ đi học có con nhỏ. Chăm lo bồi dưỡng phát triển tài năng nữ.
Năm là, quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cấp ủy và các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tạo nguồn cán bộ nữ của ngành mình, cấp mình. Không phê duyệt quy hoạch cán bộ nếu địa phương, cơ quan, đơn vị không đảm bảo tỷ lệ nữ. Chú trọng bố trí, phân công công tác để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Từ những giải pháp phù hợp và công tác chỉ đạo triển khai chặt chẽ, sau 5 năm thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 1.630 lượt cán bộ, công chức nữ, bằng 11,36%. Trong đó đào chuyên môn nghiệp vụ trên đại học đạt 31%, đào tạo đại học, cao đẳng 48,69%; trung cấp 36,31%. Đã đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu bầu giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt 24,21%. Trong đó, giữ các chức danh lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh gần 27 %; giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy hơn 22%. Tổng số lượt cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo thuộc diện sở, ban, ngành và cấp huyện quản lý 21%. Số lượt cán bộ nữ được phân công, giới thiệu bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã là 13,2%. Tỷ lệ cán bộ nữ giới thiệu bầu vào cấp ủy, đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp tăng. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 chiếm tỷ lệ 17,53%; trong đó, cấp uỷ tỉnh 14,55%; cấp uỷ huyện 17,37% (tăng 2,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp uỷ 21,56% (tăng 6,52% so với nhiệm kỳ trước). Nữ tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chiếm 33,3%; đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, chiếm 27,71%...
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ đều vững vàng về tư tưởng chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, năng động trong công việc, phát huy được vai trò trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả công tác; sắp xếp hài hòa công việc gia đình với xã hội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Từ thực tiễn công tác cán bộ nữ của các cấp uỷ đảng tại tỉnh Kon Tum, rút ra một số kinh nghiệm:
Phải quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ, chú trọng cán bộ nữ dân tộc thiểu số. Kiên quyết không phê duyệt quy hoạch đối với những địa phương, cơ quan, đơn vị không có nguồn quy hoạch là cán bộ nữ hoặc tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch có số lượng thấp so với quy định.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ nữ. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện công tác cán bộ nữ.
Để tiếp tục triển khai đạt hiệu quả hơn công tác cán bộ nữ, phấn đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30%; nữ tham gia đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% trở lên. Tỉnh ủy Kon Tum xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vai trò quan trọng của công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
2- Triển khai đánh giá cán bộ hàng năm đúng quy định làm cơ sở phục vụ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, gắn với đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức để cán bộ nữ vừa có điều kiện tham gia học tập vừa chăm lo cho gia đình.
3- Tiếp tục thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, tạo môi trường để cán bộ nữ được rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách trong thực tiễn, giúp cán bộ trưởng thành nhanh và toàn diện hơn. Mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nhất là các chức danh lãnh đạo, quản lý.
4- Tiếp tục nghiên cứu rà soát, điều chỉnh các quy định, chính sách về công tác cán bộ nữ phù hợp tình hình hiện nay, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách thỏa đáng để đội ngũ cán bộ, công chức nữ an tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
5- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam; khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên tiến bộ không ngừng.
Trần Thị Nga
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum