Công tác bồi dưỡng bí thư đảng ủy xã, thị trấn ở Từ Liêm (Hà Nội)
Ban Tổ chức Huyện ủy Từ Liêm tổng kết công tác bồi dưỡng bí thư đảng ủy các xã, thị trấn

Kết quả công tác bồi dưỡng bí thư đảng ủy xã, thị trấn từ năm 2005 đến nay

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, tập thể lãnh đạo xã, thị trấn trên địa bàn Từ Liêm nói chung, các đồng chí bí thư đảng ủy các xã, thị trấn nói riêng không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Nhìn chung, các đồng chí bí thư đảng ủy các xã, thị trấn đều có trình độ chuyên môn, phát huy được vai trò lãnh đạo, thực hiện tốt nghị quyết của đảng uỷ, Huyện uỷ, Thành uỷ đề ra.

Từ năm 2005 đến nay, các đồng chí bí thư đảng ủy xã, thị trấn thuộc huyện được cử đi bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ chủ yếu là kỹ năng hoạt động của HĐND xã, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng về tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, văn phòng cấp ủy… Kết quả từ năm 2005 đến 2012, các đồng chí bí thư đảng ủy xã, thị trấn được bồi dưỡng 176 lượt (mỗi lớp từ 3 đến 5 buổi). Trong  đó, bí thư đảng uỷ xã được bồi dưỡng 165 lượt, bí thư đảng ủy thị trấn được bồi dưỡng 11 lượt.

Nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và xử lý tình huống cho bí thư, phó bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các đảng ủy xã, thị trấn theo hình thức bồi dưỡng ngắn hạn với thời gian 3 ngày. Nội dung gồm các chuyên đề: Bí thư cấp ủy cấp xã với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh; lãnh đạo chính quyền; công tác lãnh đạo thực hiện pháp lệnh dân chủ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; công tác tổ chức cán bộ; công tác tư tưởng; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; việc chuẩn bị hội nghị cấp ủy, hội nghị và đại hội đảng bộ; việc xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết.

Đội ngũ giảng viên chuyên trách gồm có các giảng viên của Trường cán bộ Lê Hồng Phong và giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Đội ngũ giảng viên kiêm chức bao gồm giảng viên các Học viện, các nhà trường đã nhiều năm cộng tác với địa phương, giảng viên là các đồng chí Thường trực Huyện uỷ, trưởng các ban đảng và trưởng các phòng ban, ngành, đoàn thể huyện.

Một số hạn chế

Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng ủy xã, thị trấn ở Từ Liêm hiện bộc lộ những hạn chế: Chưa quán triệt một cách sâu sắc, đầy đủ tinh thần các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, do đó chưa được quan tâm một cách toàn diện, đúng mức; sự phối hợp chỉ đạo và quản lý của các cơ quan, đơn vị còn chồng chéo; bất cập trong công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện phân cấp đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn phụ thuộc vào khả năng ngân sách địa phương, đơn vị; nội dung chương trình giáo dục, đào tạo chậm đổi mới so với đòi hỏi của thực tiễn. Đội ngũ giảng viên còn thiếu, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng còn lạc hậu, thiếu các thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Những hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng dẫn tới một bộ phận bí thư đảng uỷ xã, thị trấn ở Từ Liêm thiếu kiến thức về hội nhập, kinh tế thị trường, quản lý nhà nước, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng hành chính, cũng như tri thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Năng lực lãnh đạo, điều hành quản lý của đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn cũng còn một số mặt chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng bí thư đảng uỷ xã, thị trấn

Một là, đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn vào chương trình, kế hoạch đào tạo cán bộ thường xuyên, bởi nhu cầu của cán bộ muốn luôn được cập nhật những kiến thức, những thông tin mới về quản lý hành chính, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới... Để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn trong những năm tới, cần đánh giá toàn diện, chính xác nhu cầu từ mục tiêu, nội dung chương trình, loại hình bồi dưỡng đến những tri thức, kỹ năng và phân bổ thời gian phù hợp... Đó là những căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, lý luận nghiệp vụ công tác đảng, kiến thức quốc phòng - an ninh, bồi dưỡng theo chức danh... cho đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn. Cần mạnh dạn đưa đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn đi nghiên cứu, học tập ở một số tỉnh thành nhằm góp phần cho cán bộ mở rộng tầm nhìn, học tập những kinh nghiệm của các địa phương.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình, phương thức và phương pháp giảng dạy, học tập. Tiếp tục trang bị những kiến thức về lý luận cơ bản chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và những vấn đề mới của thực tiễn trong nước và quốc tế; bổ sung kiến thức thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật những chủ trương, chính sách, quy định, hướng dẫn mới của Trung ương, Thành ủy, cập nhật những thông tin, kỹ năng và phương pháp xử lý tình huống. Chương trình, nội dung đào tạo bảo đảm tính khoa học, tính hiện đại, cơ bản và có hệ thống. Gắn đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận với thực tiễn, chú trọng rèn luyện năng lực tư duy khoa học, khả năng xử lý tình huống...

Đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mời các giảng viên có kinh nghiệm, uy tín của một số học viện lớn giới thiệu các chuyên đề mà học viên cần. Đa dạng hóa nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, không chỉ từ ngân sách nhà nước, mà cần huy động các nguồn lực đóng góp trong nhân dân, của người đi học… Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng độc lập suy nghĩ, sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, đào tạo lại và đào tạo suốt đời. Nghiên cứu rút ngắn thời gian đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật. Huyện ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, đảng ủy các xã, thị trấn cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn. Trước hết, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Huyện ủy trong công tác lập quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện các chính sách đối với học viên; phối hợp với cơ sở đào tạo theo dõi, quản lý, động viên học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu. Ban Tổ chức Huyện ủy với chức năng tham mưu, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan nghiên cứu chủ trương, chính sách, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng kết thực hiện các chủ trương về bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn. Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, bảo đảm chất lượng; tiến hành sơ kết, tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn theo chuyên đề, trên cơ sở đó đánh giá khách quan, toàn diện, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch và sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, thị trấn.

Tăng cường việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, có kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức thực tiễn phong phú và phương pháp sư phạm làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư đảng ủy cấp xã. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư phương tiện, trang thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu dạy, học theo phương pháp tiên tiến, hiện đại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất