Thành uỷ Hải Phòng xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, UVTƯ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong lần tới làm việc với lãnh đạo trường Đại học Hải Phòng về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển của thành phố.
Thành phố cảng Hải Phòng có vị trí quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng, là đầu mối giao thông biển quan trọng phía Bắc; trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của vùng duyên hải Bắc bộ. Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng đảng, nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Thành uỷ Hải Phòng quan tâm. Đội ngũ cán bộ của TP. Hải Phòng từng bước được trẻ hoá, luôn rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức và trưởng thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thành uỷ Hải Phòng đã chỉ đạo cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020 với tinh thần thận trọng, bảo đảm quy trình và đạt chất lượng. 100% đảng bộ quận, huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể và 16/16 đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành uỷ đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ diện cấp uỷ quản lý đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm hơn, đã xây dựng dự thảo Đề án thành lập Trung tâm quản lý đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn cán bộ và nhân lực chất lượng cao của Thành phố.

Còn những hạn chế

Bên cạnh những thành công, công tác cán bộ của Hải Phòng vẫn còn những hạn chế. Cán bộ, lãnh đạo, quản lý chưa bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ thấp, hụt hẫng đội ngũ kế cận. Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, quản lý còn yếu về năng lực, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cơ sở nhìn chung chưa được chuẩn hoá theo chức danh.

Công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất và chưa thực sự hiệu quả. Công tác quy hoạch cán bộ thiếu tầm nhìn chiến lược, còn khép kín, cục bộ, việc luân chuyển chưa đồng bộ, thiếu chủ động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn dàn trải, chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ. Quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả thấp; phân cấp quản lý cán bộ ở một số nội dung còn chồng chéo. Ở một số địa phương, đơn vị, việc tuyển dụng cán bộ chưa quan tâm đến chất lượng, chưa thật sư đúng đối tượng và tiêu chuẩn. Công tác cán bộ nữ chưa được các cấp uỷ, địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức, cán bộ nữ có xu hướng giảm.

Việc ban hành chính sách đối với cán bộ còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa theo kịp yêu cầu xây dựng và phát triển của đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế. Điều này đã gây nên một vài sự vụ đáng tiếc xảy ra trên địa bàn TP. Hải Phòng gần đây.  

Đâu là nguyên nhân?


Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế trong công tác cán bộ của Hải Phòng là do công tác cán bộ chậm được nghiên cứu đổi mới, chưa có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả. Một số cấp uỷ, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa tập trung thời gian và công sức cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; thiếu quyết tâm đổi mới trong tư duy cũng như trong từng khâu của công tác này. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ còn hình thức. Công tác tham mưu của các cơ quan và của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự được coi trọng.

Phương hướng và giải pháp

Triển khai Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XIV và để khắc phục những hạn chế trên, Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 22-11-2011 về công tác cán bộ TP. Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, cụ thể như sau:  

Đến năm 2015 tỷ lệ nữ và cán bộ dưới 45 tuổi tham gia BCH Đảng bộ thành phố chiếm từ 15% trở lên. Cán bộ diện BTV Thành uỷ quản lý: tỷ lệ nữ từ 20% trở lên, dưới 45 tuổi từ 15% trở lên. 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Trong đó, 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, 60% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn đại học. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt chính quyền cấp thành phố, quận, huyện, một số ngành có đông công chức, viên chức và lao động nữ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp quận, huyện, thành phố phải có ít nhất một cán bộ lãnh đạo là nữ. Hải Phòng phải chủ động tạo nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương khi có yêu cầu. 

Đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025: Cán bộ diện BTV Thành uỷ quản lý, tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 25%; dưới 45 tuổi từ 15% trở lên; cơ bản có trình độ chuyên môn đại học chính quy, 30% có trình độ trên đại học; 100% có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân, trong đó 50-60% học tập trung. Từ năm 2016, cán bộ lần đầu thuộc Thành uỷ quản lý hay tham gia Thành uỷ phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy hoặc trên đại học. 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ chuyên môn đại học và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. 50% cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố, lãnh đạo các sở, ngành sử dụng được một ngoại ngữ trong giao dịch thông thường. Đối với các cán bộ lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp liên quan đến đối ngoại, hợp tác quốc tế phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ trong công việc.  

Triển khai Nghị quyết 02, Thành uỷ Hải Phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng tuyên truyền, quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đảng viên; đồng thời tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của thành phố quán triệt nghị quyết; chỉ đạo các ban, ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 511-QĐ/TU ngày 15-3-2012  về quy định tiêu chuẩn cán bộ, công chức lãnh đạo và quản lý diện Thành uỷ quản lý; Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 16-3-2012 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2015-2020; Quy định số 04-QĐ/TU ngày 30-3-2012 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành uỷ, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị thành phố; tiêu chuẩn cán bộ được tiếp nhận, tuyển dụng về công tác tại cac cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Thành uỷ, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các đảng uỷ khối thành phố và các quận, huyện uỷ.  

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Thành uỷ Hải Phòng xây dựng 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp:


1. Cải tiến quy trình công tác cán bộ theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người đứng đầu; chú trọng việc chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, các ngành, đoàn thể về quản lý đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

2. Xây dựng tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

3. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ…

4. Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ, thực hiện phương châm “động” và “mở”; mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, phát hiện, giới thiệu những cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng đưa vào quy hoạch để rèn luyện thử thách…

5. Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, xác định là một giải pháp đột phá trong công tác cán bộ. Cán bộ nữ, cán bộ trẻ cần được thực hiện luân chuyển, tạo điều kiện rèn luyện, thử thách qua thực tiễn để chuẩn bị cho công tác nhân sự cấp uỷ, chính quyền các cấp. Quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức, cấp uỷ viên phụ trách địa phương, đơn vị và cơ quan tổ chức của cấp uỷ trong việc phát hiện, giới thiệu cán bộ, đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp uỷ có thẩm quyền về người được giới thiệu.

6. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch và tiêu chuẩn các chức danh cán bộ; quy chế sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng quy định học tập bắt buộc đối với cán bộ. Hằng năm, bố trí từ 1-1,5% trong tổng chi ngân sách thành phố cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

7. Tăng cường phân cấp quản lý cán bộ, bảo đảm đề cao trách nhiệm tập thể và rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ; đổi mới phương pháp, cải tiến quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và bố trí sử dụng cán bộ đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên đối với công tác này. Tiếp tục thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

8. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, sửa đổi, bổ sung chế độ đối với cán bộ được cử đi học để khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ; xây dựng cơ chế thu hút, sử dụng cán bộ tài năng, cán bộ khoa học kỹ thuật, lãnh đạo doanh nghiệp…

9. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động, kịp thời xác minh làm rõ và kết luận về những vấn đề liên quan đến cán bộ, nhất là những vấn đề chính trị hiện nay, góp phần bảo vệ đội ngũ cán bộ.

10. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

11. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất