Đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS) có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tiễn cho thấy, nơi nào có đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh thì nơi đó tình hình chính trị, xã hội ổn định; kinh tế, văn hóa phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Ngược lại, cơ sở nào đội ngũ cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, thì cơ sở đó, địa phương đó sẽ gặp khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, thậm chí tạo sơ hở cho các phần tử cơ hội, chống đối ở trong và ngoài nước lợi dụng gây “điểm nóng” về chính trị. Do đó, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất đạo đức, năng động, phương pháp, phong cách công tác tốt đã được Tỉnh ủy Bắc Giang chú trọng. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh Bắc Giang chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Có mấy yếu tố hạn chế sau:
Thứ nhất, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, có sự kế thừa và phát triển, có cơ cấu hợp lý độ tuổi; tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhưng thực tế cơ cấu độ tuổi CBCS chưa bảo đảm, tỷ lệ tuổi trẻ, tỷ lệ nữ thấp. Cụ thể, dưới 35 tuổi chiếm 4,9%; từ 35 đến 45 chiếm 30,7%; từ 46 đến 50 chiếm 36,1%; trên 50 tuổi 28,3%; tỷ lệ cán bộ nữ 3,8%. Sự bất hợp lý về cơ cấu độ tuổi đã không phát huy được điểm mạnh của từng độ tuổi như chắc chắn, nhiều kinh nghiệm của độ tuổi cao, sự hài hoà, thận trọng của độ tuổi trung niên và sự năng động, sáng tạo của độ tuổi trẻ.
Thứ hai, sự hạn chế, bất cập về năng lực và trình độ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ CBCS, số cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, trình độ chuyên môn sơ cấp chiếm 5,7% và 14,2% chưa qua đào tạo. Một bộ phận CBCS cơ sở năng lực lãnh đạo hạn chế; năng lực cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu; chưa có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống. Kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý của một bộ phận CBCS còn hạn chế, còn có cán bộ chưa nắm vững thẩm quyền, chức trách nhiệm vụ và các quy định của pháp luật khi thực thi nhiệm vụ, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, quy hoạch, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; do vậy, còn để xảy ra nhiều sai sót, thậm chí có những sai phạm phải xử lý kỷ luật.
Thứ ba, phong cách làm việc của không ít CBCS còn thiếu khoa học; chủ yếu là giải quyết sự vụ, làm việc không theo chương trình, kế hoạch. Tình trạng quan liêu, xa dân khá phổ biến; ít lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một số suy thoái về đạo đức, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, vi phạm Luật đất đai. Vẫn còn tình trạng vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, còn biểu hiện mất đoàn kết, đoàn kết xuôi chiều. Một kết quả điều tra, khảo sát cho thấy: 25,7% CBCS chưa gương mẫu về đạo đức lối sống; 11% có lề lối làm việc tuỳ tiện; 20,2% chưa chủ động trong công việc. Một bộ phận cán bộ bị đánh giá từ trung bình và yếu về ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ (16,2%); năng lực lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện (20,2%); về kỹ năng chủ toạ kỳ họp, hội nghị (19,1%); kỹ năng soạn thảo nghị quyết (20,4%)...
Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS của tỉnh Bắc Giang đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, xây dựng tiêu chuẩn cho từng chức danh và thực hiện chuẩn hoá cán bộ. Đây là cơ sở để đánh giá, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ một cách đúng đắn. Tiêu chuẩn cán bộ là căn cứ để xây dựng qui hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đây còn là mục tiêu để mỗi cán bộ phấn đấu, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân.
Hai là, đổi mới công tác đánh giá đội ngũ CBCS. Đánh giá cán bộ đúng, thì mới bố trí, sử dụng đúng và ngược lại. Do vậy, cần đổi mới về nội dung, tiêu chí, phương pháp đánh giá cán bộ. Bảo đảm mở rộng đối tượng, phát huy dân chủ, vai trò trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đánh giá cán bộ.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch CBCS; bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp cán bộ phải cơ bản căn cứ vào quy hoạch; tạo nhiều nguồn cán bộ để lựa chọn vào quy hoạch, khắc phục sự hẫng hụt đội ngũ cán bộ kế tiếp như hiện nay.
Bốn là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, quản lý đội ngũ CBCS. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, nội dung đào tạo phù hợp với cơ sở. Tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cơ cấu độ tuổi hợp lý.
Năm là, phát huy tính tự giác trong tu dưỡng, học tập, rèn luyện toàn diện của đội ngũ CBCS. Tiếp tục bổ sung và thực hiện đồng bộ các chế độ chính sách đối với CBCS, bảo đảm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo động lực, khuyến khích cán bộ công tác; hạn chế tiêu cực, góp phần xây dựng đội ngũ CBCS và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Nguyễn Thị Hương
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang
Đường Vương Văn Trà, TP.Bắc Giang