Đảng bộ Hà Nội có hơn 34 vạn đảng viên (bằng gần 1/10 số lượng đảng viên cả nước), 56 đảng bộ trực thuộc với gần 3.000 tổ chức cơ sở đảng. Những năm qua, Thành uỷ Hà Nội và các cấp ủy luôn chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và sớm chủ động đầu tư để tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để định hướng, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Ban Thường vụ Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong từng giai đoạn; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Tổ chức Thành uỷ đã tham mưu ban hành Chương trình số 01 của Thành uỷ về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, chỉ tiêu trong 5 năm tới, Đảng bộ thành phố tập trung đào tạo 1.000 cán bộ nguồn, gồm 500 cán bộ nguồn làm công tác xây dựng đảng và 500 cán bộ nguồn chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn.
Việc tổ chức các lớp cán bộ nguồn của thành phố đã được tiến hành khoa học, công khai, dân chủ trong tất cả các khâu. Sau khi được Thường trực Thành uỷ phê duyệt kế hoạch tổ chức các lớp; các đơn vị được giao nhiệm vụ đã phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh về các quận, huyện, thị uỷ, đảng uỷ khối và các ban đảng; các đơn vị đều thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ dự tuyển. Ban Tổ chức Thành uỷ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông của thành phố về đối tượng tuyển sinh là sinh viên các trường đại học công lập, hệ chính quy, đã tốt nghiệp được xếp loại bằng khá trở lên, sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về có kết quả học tập tương đương và thí sinh có bằng thạc sỹ, tiến sỹ; đồng thời công khai các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn xét tuyển cụ thể, ưu tiên những sinh viên có kết quả học tập, phấn đấu tốt. Trên cơ sở kết quả xét tuyển theo chỉ tiêu được giao cho các quận, huyện, thị uỷ, đảng uỷ khối và các ban đảng Thành uỷ.
Ban Tổ chức Thành uỷ đã thành lập các hội đồng để xét duyệt qua 3 vòng: vòng xét duyệt, thẩm định lại hồ sơ của các đơn vị; vòng sơ tuyển và báo cáo hội đồng xét tuyển quyết định danh sách học viên tham dự các lớp. Việc xét duyệt học viên đã được thực hiện nghiêm túc, khoa học, có nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng, do đó đã xét tuyển được học viên có chất lượng cao. Đối với lớp cán bộ nguồn chuyên ngành tổ chức, học viên được xét tuyển tham gia khoá đào tạo 2 năm, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng đại học thứ hai, bằng cử nhân chính trị và kỳ thi tốt nghiệp kết hợp với thi tuyển công chức. Thành uỷ cũng đã giải quyết một số chế độ hỗ trợ kinh phí học tập, phụ cấp đối với học viên.
Ban Tổ chức Thành uỷ đã phối hợp với các ban đảng Thành uỷ tham mưu với Thường trực Thành uỷ xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp cán bộ nguồn. Thời gian qua, đã tổ chức khai giảng 3 lớp đào tạo cán bộ nguồn làm công tác đảng chuyên ngành tổ chức, tuyên giáo và kiểm tra Đảng với gần 300 học viên. Sau 2 năm đào tạo tại Trường Cán bộ Lê Hồng Phong, khi tốt nghiệp, các học viên sẽ tiếp tục được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn tại các địa phương, cơ quan, ban, ngành của thành phố. Sự trưởng thành của các học viên sau khi tốt nghiệp khóa học được kiểm định, đánh giá qua thực tiễn.
Với chủ trương và phương pháp tổ chức các lớp cán bộ nguồn sẽ kịp thời bổ sung một đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu cán bộ của thành phố trong những năm tới. Công tác đào tạo cán bộ nguồn của Hà Nội thể hiện sự quyết tâm của Thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ đột phá của thành phố về công tác cán bộ, tạo dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
Từ kết quả bước đầu thực hiện công tác đào tạo cán bộ nguồn ở Hà Nội, cho thấy:
Cần sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ, thống nhất của các cấp uỷ đảng và chính quyền là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của công tác cán bộ; đặc biệt là việc nghiên cứu ban hành các chủ trương, nghị quyết sát thực, phù hợp với tình hình và đáp ứng nhu cầu của đội ngũ cán bộ.
Tổ chức quán triệt sâu, rộng để tạo sự thống nhất cao về quan điểm, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo nguồn cán bộ, từ đó, xác định đầy đủ, rõ ràng ý thức trách nhiệm của từng cấp ủy, từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tiến hành triển khai thực hiện và chấp hành chủ trương công tác cán bộ của thành phố.
Coi trọng chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy các cấp từ thành phố đến cơ sở; phát huy công khai, dân chủ, khách quan trong công tác tuyển chọn học viên tham gia các lớp đào tạo cán bộ nguồn.
Cao Khoa