Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, với 22 dân tộc anh em sinh sống. Toàn tỉnh có 6 huyện, 1 thành phố; 141 xã, phường, thị trấn với số cán bộ, công chức, viên chức hơn 19 nghìn người, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 58,78%.
Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, trong thực hiện quyền bình đẳng giới, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ; nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước.
Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang xác định công tác cán bộ nữ là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, của bản thân phụ nữ. Sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khoá XIV, XV. Cụ thể hoá nghị quyết, các cấp uỷ đảng đã xây dựng các chương trình hành động, xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đào tạo, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ. Do có chủ trương, kế hoạch và giải pháp cụ thể, liên tục nhiều năm và kế thừa qua các nhiệm kỳ nên đội ngũ cán bộ nữ của Tuyên Quang đã trưởng thành về nhiều mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ từ cơ sở đến cấp tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 hầu hết đều vượt yêu cầu Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị và cao hơn nhiệm kỳ trước. Cấp uỷ tỉnh chiếm 29,09%; cấp uỷ huyện chiếm 19,76%, tăng 2,36%; cấp uỷ cơ sở chiếm 22,44%, tăng 2,74%.
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đều đạt và vượt khoá trước, cấp tỉnh 46,55%, tăng 7,96%; cấp huyện 33,98%, cấp xã 26,32%, tương đương khoá trước.
Tỷ lệ cán bộ nữ là trưởng, phó sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh chiếm 19,35%; uỷ viên ban thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ chiếm 18,84%; cán bộ chủ chốt là bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp huyện chiếm 7,81%.
Qua đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2011, tỷ lệ cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ chiếm 85,7%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 12,85%, chưa hoàn thành nhiệm vụ 1,42%.
Các cấp ủy coi trọng công tác quy hoạch cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ nữ. Kết quả quy hoạch cán bộ nữ giai đoạn 2015-2020 ở Tuyên Quang đạt tỷ lệ cao. Nữ trong quy hoạch cấp trưởng ở các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tỉnh đạt 20,54%; cấp phó đạt 24,61%. Quy hoạch cán bộ nữ vào ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt các huyện, thành ủy và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ như sau: Ban chấp hành đạt 23,99%; ban thường vụ đạt 13,89%. Bí thư là nữ đạt 8,82%; phó bí thư 17,65%; chủ tịch hội đồng nhân dân 16,13%; chủ tịch uỷ ban nhân dân 12,5%; phó chủ tịch hội đồng nhân dân 28,00%; phó chủ tịch uỷ ban nhân dân 13,85%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bố trí cán bộ nữ, nhất là ở cấp cơ sở còn gặp những khó khăn. Có địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quan điểm về công tác cán cán bộ nữ. Việc phát hiện nguồn cán bộ nữ còn hạn chế; việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ít. Một số cơ quan, đơn vị quy hoạch còn khép kín trong địa phương, đơn vị, tỷ lệ cán bộ nữ đưa vào quy hoạch còn thấp.
Nguyên nhân do một số nơi còn tư tưởng hẹp hòi, thành kiến, chưa tin tưởng giao việc cho cán bộ nữ. Một số cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn thiếu tự tin, kinh nghiệm còn hạn chế.
Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ nữ của Tuyên Quang, xin nêu một vài kinh nghiệm:
Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng nắm vững quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ; nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Coi xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là mục tiêu, nhiệm vụ có tính chiến lược trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh và các cơ quan, đơn vị.
Hai là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bình đẳng giới đến các cấp, các ngành và nhân dân, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Luật Bình đẳng giới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.
Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ theo hướng dẫn của Trung ương. Trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch cán bộ nữ, đảm bảo có tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp uỷ, hội đồng nhân dân, các đoàn thể, các cơ quan đơn vị bằng và cao hơn hiện tại.
Bốn là, làm tốt công tác bố trí, sử dụng cán bộ nữ để rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử phải chủ động xác định tỷ lệ hợp lý ở các cấp, các ngành, đoàn thể và cơ quan, đơn vị; chọn những đồng chí có phẩm chất, đạo đức tốt, có kiến thức, năng lực, có uy tín và triển vọng phát triển trong số cán bộ nữ. Thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả công tác đối với cán bộ nữ để chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng.
Năm là, thường xuyên củng cổ tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp vững mạnh; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp hội viên tham gia các phong trào hành động cách mạng, qua đó phát hiện, lựa chọn hội viên tiêu biểu giới thiệu cho Đảng.
Trần Hòa