Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ thành phố, nhiều năm qua, Thành ủy Hải Phòng luôn quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Thành phố.
Các cấp uỷ đảng thành phố Hải Phòng luôn nhận thức đúng và coi trọng chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên ổn định, thường xuyên được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Nội dung, chương trình đào tạo đã chú ý cập nhật bổ sung kiến thức mới. Hình thức và phương pháp từng bước đổi mới, đa dạng hóa. Cơ sở vật chất, trang bị được đầu tư, nâng cấp.
Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Hải Phòng vẫn còn những hạn chế:
Thứ nhất, chưa xây dựng được quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thiếu khoa học, chưa gắn với quy hoạch cán bộ và bố trí sử dụng sau đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ hai, chưa có quy định chuẩn về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng mang tính hình thức, không đi vào thực chất. Sự phối hợp giữa Trường Chính trị Tô Hiệu và các Ban của Thành uỷ, Sở Nội vụ còn thiếu chặt chẽ, nhất là phần kinh phí.
Thứ ba, nội dung bồi dưỡng còn trùng lặp, nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa có chương trình bồi dưỡng theo chức danh cán bộ. Thiếu quan tâm đến việc đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, bài giảng.
Thứ tư, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên còn hạn chế về việc cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, các kỹ năng xử lý tình huống... Trình độ giảng viên tham gia bồi dưỡng chưa đồng đều. Việc vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong các lớp học chưa nhiều.
Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí còn hạn chế dẫn tới hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu gặp khó khăn. Thực hiện chế độ, chính sách không thống nhất do thiếu hướng dẫn thực hiện khi có các văn bản của Trung ương; chậm sửa đổi, bổ sung.
Để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng thành phố xác định thực hiên tốt các giải pháp sau:
1-Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành có liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành có liên quan cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, dự báo đúng tình hình để chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước yêu cầu của thời kỳ mới.
Đổi mới căn bản công tác quản lý đào tạo theo hướng kế hoạch hoá, quy chế hoá và quy trình hoá trên cơ sở quy định học tập bắt buộc (Trong thời hạn bổ nhiệm hoặc trong nhiệm kỳ phải tham gia bồi dưỡng với nội dung và số giờ quy định, nếu không hoàn thành không được xem xét bổ nhiệm hoặc tái cử). Trước mắt, năm 2012, cần ban hành quy định học tập bắt buộc đối với cán bộ; quy chế quản lý, sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng và quy chế quản lý bồi dưỡng, học tập ở nước ngoài.
2. Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng sát đúng với tình hình thực tế, từ số lượng, cơ cấu, tuổi, giới tính, thâm niên công tác phù hợp với thực trạng, năng lực, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, khả năng kinh phí.
Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuân thủ đúng các bước trong quá trình thực hiện. Trong tổ chức thực hiện cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm về kế hoạch và quy trình mở các lớp (đặc biệt về quản lý lớp học, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, theo dõi sau khoá học) đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Ban Tổ chức Thành uỷ, Sở Nội vụ với Trường Chính trị Tô Hiệu, đơn vị tổ chức bồi dưỡng cán bộ.
3. Đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp
Về nội dung: Nội dung bồi dưỡng gồm lý luận chính trị và một trong những nhóm kiến thức về hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học quản lý phù hợp với lĩnh vực công tác. Kết cấu nội dung giảm bớt phần lý thuyết, tăng các nội dung ứng dụng, các chuyên đề tình huống trong thực tiễn gắn với công việc đang đảm nhiệm của người cán bộ. Tăng tỉ trọng các môn quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, tâm lý học quản lý, nghiệp vụ công tác dân vận...
Về chương trình: Xây dựng và phát triển các chương trình bồi dưỡng theo chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng tiền bổ nhiệm.
Kết hợp chặt chẽ giữa chương trình đào tạo với chương trình bồi dưỡng, giảm bớt thời gian đào tạo, tăng thời gian bồi dưỡng theo chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Về hình thức: Bố trí thời gian phù hợp với từng nội dung đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường tổ chức các khoá học dưới hình thức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm... huy động sự tham gia tích cực của học viên. Chuyển từ bồi dưỡng cơ bản hiện nay sang bồi dưỡng rèn luyện về kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu công việc của người học, khuyến khích học viên tự bồi dưỡng, tự hoàn thiện.
Về phương pháp: Chuyển từ phương thức giảng bài là chính sang phương thức nghiên cứu trao đổi lẫn nhau, tham gia giải quyết tình huống. Mỗi bài giảng nên giành thời gian trao đổi, tranh luận, đối thoại giữa giảng viên và học viên.
Hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường đông học viên. Có thể vận dụng kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy tích cực trong một bài giảng như: phương pháp thuyết trình, phương pháp phỏng vấn chuyên gia, phương pháp trao đổi nội dung, phương pháp đàm thoại trước công chúng, hỏi đáp, làm việc nhóm, tự nghiên cứu và trình bày.
4. Xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng
Xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Tô Hiệu đạt chuẩn. phấn đấu đến năm 2015 có 50% giảng viên trình độ thạc sỹ trở lên. Có kế hoạch cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Thực hiện chế độ cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế từ 3 tháng đến 1 năm. Khuyến khích việc tự học nâng cao trình độ bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Hằng năm, cần tuyển chọn những sinh viên giỏi và có kế hoạch bồi dưỡng họ trở thành giảng viên.
Coi trọng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, báo cáo viên mời giảng bài theo chuyên đề. Về cơ bản, giảng viên kiêm nhiệm, báo cáo viên vừa có trình độ, kiến thức, năng lực, vừa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn vì họ là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng cần bồi dưỡng thêm về phương pháp giảng dạy, đặc biệt là phương pháp giảng dạy tích cực. Tỉ lệ giảng viên kiêm nhiệm, báo cáo viên tham gia trong một chương trình bồi dưỡng nên bố trí từ 75 đến 80%. Tổ chức quản lý đội ngũ báo cáo viên theo Quy chế tổ chức và hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 161-QĐ/TU ngày 9-5-2011 của Ban Thường vụ Thành uỷ).
5. Tăng đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế
Tiếp tục đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất từng bước hiện đại hoá hệ thống giảng đường, hội trường, thư viện, thiết bị dạy học... của Trường Chính trị Tô Hiệu theo Thông báo Kết luận số 202-TB/TU ngày 09-11-2009 của Ban Thường vụ Thành uỷ về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tô Hiệu.
Đầu tư kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm quận, huyện xây dựng mô hình Trung tâm bồi dưỡng chính trị chuẩn. Hằng năm dành 1% ngân sách thành phố chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng cơ chế phân bố nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
Chủ động thực hiện Đề án 165 theo phân bổ của Trung ương hằng năm bảo đảm chất lượng. Trước mắt, xúc tiến mở một số lớp ngắn hạn do trường đại học ở nước ngoài thực hiện. Nội dung chủ yếu tập trung vào những vấn đề về quản lý công, đầu tư công, hành chính công, quản lý môi trường, công nghệ thông tin trong quản lý... Chấm dứt việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thực chất là nhằm mục đích đi tham quan, giải quyết chính sách cán bộ gây lãng phí, tốn kém.
6. Quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đề cao tính chủ động, tích cực, tự bồi dưỡng, rèn luyện của cán bộ
Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng theo quy định trong Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5-3-2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Việc đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện nghiêm túc, học viên được đóng góp ý kiến về tổ chức lớp học, về nội dung chương trình, về chất lượng giảng dạy của giảng viên, về cơ sở vật chất và phục vụ...
Tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy cử cán bộ đi học và cơ sở đào tạo, ban tổ chức; theo dõi chất lượng sau khoá học để khắc phục kịp thời những hạn chế. Kiên quyết không bố trí, đề bạt cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ học tập. Phát huy tính chủ động, tích cực, tự bồi dưỡng, rèn luyện của cán bộ
Nguyễn Thạch Sơn
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng