Hoà Bình là tỉnh miền núi có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực cửa ngõ Thủ đô và các tỉnh miền núi Tây Bắc. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các cấp uỷ tích cực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Thực trạng
Từ năm 2007, Tỉnh uỷ Hoà Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010: 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ học vấn THPT, được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ, trong đó 90% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên và 70% có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ trở lên. Phấn đấu mỗi xã ít nhất 4 cán bộ, công chức có trình độ đại học. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cán bộ cơ sở) của Hoà Bình không ngừng được củng cố và từng bước được nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Số cán bộ trẻ, có trình độ đại học, cao đẳng tăng, cán bộ hưu trí đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý giảm.
Hiện nay, tổng số cán bộ chuyên trách và công chức xã toàn tỉnh là 4.001. Trong đó, cán bộ nữ là 653 (16,3%), dân tộc thiểu số 3.408 (85,2%). Trình độ đại học, cao đẳng 550 (13,8%); trung cấp 1.923 (48,1%); sơ cấp 242 (6,1%); chưa qua đào tạo 1.286 (32,1%). Trình độ lý luận chính trị: cao cấp 12 (3%); trung cấp 2.032 (50,8%); sơ cấp 765 (19,1%); chưa qua đào tạo 1.192 (29,8%).
Số lượng cấp uỷ viên cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015 là 2.796 đồng chí, trong đó nữ 498 (17,8%). Đại biểu HĐND cấp cơ sở là 5.207, trong đó nữ 1.147 (22%).
Không chỉ tăng số lượng, đội ngũ cán bộ cơ sở của Hoà Bình đã có bước trưởng thành về mọi mặt. Cán bộ trực tiếp làm việc, tiếp xúc với nhân dân hiểu phong tục, tập quán, tâm lý của đồng bào; biết giữ gìn, phát huy những điểm tốt, bản sắc dân tộc và khắc phục những hủ tục lạc hậu, tiêu cực; vận động quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn Hoà Bình đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn và ngày càng củng cố. Hoạt động của chính quyền cơ sở đi vào nền nếp, có hiệu lực, hiệu quả hơn, khắc phục được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Hoạt động giám sát của HĐND, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được phát huy. Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được chú trọng, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ cơ sở còn bộc lộ hạn chế, yếu kém. Tỷ lệ cán bộ cơ sở chưa qua đào tạo hoặc đào tạo chưa đúng chuyên môn, nghiệp vụ còn chiếm tỷ lệ cao (chuyên môn: 32,1%; lý luận chính trị: 29,8%). Khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên của một số cán bộ chủ chốt ở cơ sở còn yếu. Việc nắm bắt dư luận, phát hiện, giải quyết vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những điểm “nóng” về an ninh nông thôn, trật tự xã hội, tranh chấp đất đai, tài sản... còn lúng túng, bị động. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Chế độ, chính sách đối với cán bộ chưa tạo được động lực thu hút cán bộ giỏi về cơ sở công tác.
Để xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cơ sở, Hoà Bình thực hiện các giải pháp sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Thấy rõ đặc điểm của đội ngũ này là gần dân, sát dân, được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, không đồng đều về trình độ khi tuyển dụng như cán bộ, công chức cấp huyện, tỉnh, một số cán bộ do dân cử và bầu cử. Không ít cán bộ làm việc theo kinh nghiệm là chính, hoạt động trên địa bàn dân cư không thuần nhất, trình độ dân trí thấp và không đồng đều (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao), dễ bị kích động, lôi kéo.
2. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm của một tỉnh miền núi là đa dạng thành phần dân cư và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Chuẩn hoá các chức danh. Rà soát số cán bộ, công chức cơ sở chưa đạt chuẩn theo quy định, từ đó phân loại, sắp xếp, có kế hoạch xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng theo lộ trình cụ thể. Việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng: ở các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch, có nguồn cán bộ thay thế tốt hơn thì sắp xếp cho những cán bộ, công chức đã cao tuổi, năng lực hạn chế, chưa đạt chuẩn được nghỉ trước tuổi. Đối với cán bộ còn đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới và còn tín nhiệm nhưng chưa đạt chuẩn thì tổng hợp số lượng, ngành nghề, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
3. Xác định tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ phù hợp với từng địa phương, đơn vị ngay khi chiêu sinh, tuyển dụng. Việc đào tạo phải đa dạng hoá về phương thức, loại hình, phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng của cán bộ cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở hướng vào trọng điểm: đúng đối tượng, có địa chỉ. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn. Chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu, rèn luyện về phương pháp làm việc, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn; kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ mặt trận, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ không chuyên trách nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ “nói được, làm được”. Đổi mới hình thức đào tạo, chuyển từ đào tạo, bồi dưỡng dài ngày sang ngắn ngày dưới hình thức tập huấn, hội thảo, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng ngắn hạn để khắc phục tâm lý ngại đi học xa nhà, do điều kiện kinh tế khó khăn. Thực hiện luân chuyển cán bộ cấp trên về đảm nhiệm các chức danh chủ chốt ở cơ sở, coi đây là một hình thức đào tạo để cán bộ có điều kiện tiếp cận, rèn luyện, nắm bắt thực tiễn, vừa giúp cơ sở xây dựng, tạo nguồn cán bộ.
4. Coi trọng cán bộ nguồn là học sinh các trường dân tộc nội trú. Đồng thời, phát huy đội ngũ già làng, trưởng bản có uy tín, năng lực, trách nhiệm. Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, thu hút nguồn cán bộ có chất lượng; tập trung vào đối tượng là sinh viên tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi các trường đại học và học viên tốt nghiệp cao học về làm việc tại địa phương. Xem đây là cán bộ, công chức dự nguồn bổ sung cho các cấp trong tỉnh.
5. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố và đội ngũ giảng viên kiêm chức. Gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, sâu sát thực tế, giúp nâng cao năng lực thực tiễn, có phương pháp, kỹ năng xử lý các tình huống.
6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các huyện, thành uỷ; vai trò hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan tham mưu giúp việc cấp uỷ, các cơ quan chuyên môn. Nắm vững thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở để có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc; tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ vi phạm. Đối với những cơ sở yếu kém, xác định đúng nguyên nhân và có biện pháp khắc phục thích hợp; giải quyết dứt điểm những nơi nội bộ mất đoàn kết, yếu kém kéo dài. Cán bộ tại chỗ không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu cần kiên quyết thay thế bằng những cán bộ có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm.
7. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm giáo dục chính trị huyện. Có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cơ sở ổn định thu nhập, hỗ trợ nhà công vụ và một số chế độ khác đối với cán bộ luân chuyển về cơ sở để giúp họ yên tâm công tác.
Minh Anh