Phú Yên thực hiện mô hình thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện nơi không tổ chức HĐND
Đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Phú Hoà (bên trái) nhận Tạp chí Xây dựng Đảng do đồng chí Phó tổng Biên tập Lê Quang Hoan trao tặng.
Huyện Phú Hòa nằm phía Tây liền kề TP. Tuy Hòa. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất các ngành nghề truyền thống. Đời sống nhân dân gần đây có sự cải thiện, song nhìn chung vẫn còn khó khăn. Còn huyện mới Tây Hoà cơ bản vẫn là huyện thuần nông, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm xấp xỉ 53,3% GDP của huyện. Đời sống của đại bộ phận nhân dân chủ yếu dựa vào 14.100 ha đất nông nghiệp. Khó khăn thách thức nhất đối với huyện thuần nông có 4 xã miền núi này là kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém và nguồn lực tại chỗ còn nhỏ bé. Thu nhập bình quân của người dân mới đạt 5,1 triệu đồng/năm, cả huyện còn trên 18,8% hộ nghèo.

Thực hiện Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 8-4-2009 của BTV Tỉnh ủy Phú Yên về việc thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện; BTV Huyện ủy Phú Hoà và Tây Hoà đã phổ biến quán triệt trong toàn đảng bộ, sau đó tiến hành họp, thảo luận về nguồn cán bộ quy hoạch được tỉnh phê duyệt, tiến hành lấy phiếu giới thiệu chức danh bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện; báo cáo kết quả để Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xem xét giới thiệu chức danh này. Đồng thời, BTV huyện uỷ hai huyện giao cho cấp ủy các TCCSĐ triển khai quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Qua quán triệt, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thống nhất chủ trương thí điểm này.  

Sau khi hoàn thiện các thủ tục về nhân sự trình UBND tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm và công bố các chức danh chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên UBND huyện, UBND huyện Phú Hoà và Tây Hoà sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ các phòng, ban trực thuộc huyện theo chỉ tiêu, biên chế được giao, đi vào hoạt động ổn định. Đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện Tây Hoà thực hiện việc lãnh đạo, điều hành chính thức từ cuối tháng 4-2009 cho đến nay. Còn ở Phú Hoà, trong Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện tiếp tục được Đại hội đại biểu đảng bộ huyện trực tiếp bầu giữ chức vụ  bí thư huyện uỷ nhiệm kỳ 2010-2015.    

Sau khi thực hiện chủ trương thí điểm đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND, huyện uỷ hai huyện đã điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của huyện uỷ, BTV, thường trực và định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, các đồng chí phó bí thư, cũng như uỷ viên BTV và huyện uỷ viên. Huyện uỷ lãnh đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của huyện uỷ, mọi chủ trương của huyện uỷ đều được tập thể huyện uỷ, BTV thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận thống nhất trước khi tổ chức thực hiện.  

Từ khi thực hiện chủ trương đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện ở 2 huyện cho đến nay đã gần 4 năm, tình hình hoạt động của tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cũng như việc điều hành của người đứng đầu huyện ủy, UBND huyện, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện vẫn hoạt động ổn định; phối hợp triển khai công tác và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kịp thời có chất lượng, tiến độ nhanh hơn; đồng bộ, không chồng chéo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao hơn so với trước; các mối quan hệ trong cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ thể hiện tính gắn bó và có trách nhiệm hơn trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  

Thực hiện thí điểm ở Tây Hoà và Phú Hoà cho thấy mô hình này đã phát huy vai trò của các đồng chí phó bí thư huyện ủy và các phó chủ tịch UBND huyện, (mà trực tiếp hơn là đồng chí phó bí thư thường trực và phó chủ tịch thường trực), nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo nhiệm vụ được phân công đạt hiệu quả tốt; chủ động, linh hoạt hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy và thực hiện nghiêm túc; thẩm quyền, trách nhiệm được phân định rõ ràng trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Công tác triển khai, tổ chức, quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước kịp thời, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong công tác xây dựng đảng và điều hành, quản lý hành chính Nhà nước. Mối quan hệ giữa huyện uỷ, UBND huyện, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện được thực hiện đảm bảo theo quy chế phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, các đoàn thể phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chung.  

Mô hình này đã thể hiện tính nhất quán của người đứng đầu trong lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để thực hiện những chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, giảm bớt một số hội nghị triển khai, quán triệt, tránh được sự đùn đẩy trách nhiệm. Các chủ trương của huyện uỷ, chỉ đạo chính quyền được triển khai kịp thời, thuận lợi hơn. Vai trò vừa lãnh đạo, vừa quản lý điều hành, vừa kiểm tra, giám sát của người đứng đầu được phát huy tác dụng tốt. Bí thư huyện uỷ và chủ tịch UBND huyện là một người nên đã chủ động việc điều hành ngân sách trong việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội và các hoạt động khác; nắm chắc cán bộ dưới quyền kể cả cán bộ của Đảng, đoàn thể và cán bộ của khối chính quyền, giúp cho công tác cán bộ được tốt hơn.  

Trong quá trình thực hiện chủ trương thí điểm đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện, mọi chủ trương của huyện uỷ được triển khai thực hiện kịp thời nên tình hình kinh tế - xã hội vẫn bảo đảm thực hiện tốt và có bước phát triển; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt, chăn nuôi phát triển khá; thương mại, dịch vụ phát triển tốt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; sự nghiệp văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục có bước phát triển, kết cấu hạ tầng được tăng cường, thực hiện có kết quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, xoá nhà tạm cho hộ nghèo đã làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, giải quyết kịp thời đúng quy định các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra điểm nóng và khiếu kiện vượt cấp.  

Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này nếu không làm tốt công tác cán bộ, không có quy chế quy định trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng đối với chức vụ bí thư huyện ủy và chức danh chủ tịch UBND huyện về cơ chế kiểm tra, giám sát thì dễ sinh ra tình trạng lạm quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Mặt khác, trong thời điểm hiện nay vì chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ cho từng chức danh, do vậy có lúc công việc dồn về nhiều, thời gian tham gia nhiều cuộc họp trong công tác đảng và chính quyền nên có lúc chỉ đạo không kịp thời, điều hành thiếu chặt chẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung.

Công việc nhiều đòi hỏi bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện cũng như các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch phải sắp xếp chương trình một cách khoa học, chặt chẽ mới đủ thời gian giải quyết tốt công việc hằng ngày.

Đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND phải kiêm nhiệm nhiều công việc như bí thư Đảng uỷ Quân sự, phụ trách Đảng ủy Công an, nên cũng có những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ .  

Qua gần 4 năm thực hiện mô hình này ở Tây Hoà và Phú Hoà, rút ra được những kinh nghiệm sau:  

1. Phải tổ chức quán triệt sâu sắc ý nghĩa, mục đích, chủ trương thực hiện thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện, xã, thị trấn và không tổ chức HĐND huyện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong tổ chức thực hiện.  

2. Tập thể BTV phải là một tập thể đoàn kết thống nhất cả ý chí và hành động, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động của cấp ủy, của UBND và quy chế phối hợp giữa UBND với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội một cách cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương.

3. Chọn cán bộ phải có đủ năng lực, nhiệt tình, nhất là đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND phải bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ theo quy định, am hiểu và nắm vững phương thức lãnh đạo của Đảng, kiến thức quản lý của Nhà nước, đồng thời phải kinh qua thực tiễn công tác chính quyền, có uy tín và có tinh thần trách nhiệm cao đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

4. Tăng cường giám sát của cấp trên, cấp ủy địa phương, đặc biệt là ủy ban kiểm tra cấp ủy; mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của UBND huyện.

5. Kiện toàn cán bộ đủ số lượng và đủ năng lực để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tập thể cấp ủy và UBND đoàn kết thống nhất cao.

6. Có sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các ngành chức năng trong tỉnh trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện trong việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND cấp huyện và đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. 

Một vài kiến nghị


Thứ nhất, đề nghị Tỉnh ủy, Trung ương tiếp tục thực hiện chủ trương thí điểm đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ra diện  rộng, kể cả cấp huyện và cấp xã, vì việc nhất thể hoá hai chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã thể hiện tính nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền; giảm bớt thời gian hội họp.

Thứ hai, Trung ương cần có quy định cụ thể về chức năng giám sát của Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về thực hiện quyền giám sát hoạt động của UBND và các ngành tư pháp của huyện khi không tổ chức HĐND huyện.

Thứ ba, giải quyết chế độ kiêm nhiệm cho hợp lý, vì hiện nay mức phụ cấp kiêm nhiệm 20
% còn thấp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất