Là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện) với 169 đơn vị hành chính cấp xã. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27-6-2011 “Về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Các cấp uỷ đang tiến hành quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2011 - 2015 theo Hướng dẫn 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Tập trung xây dựng các đề án, kế hoạch: Quy chế thu hút nhân tài, tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo; Đề án đào tạo và bổ nhiệm 100 phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn từ nguồn trí thức mới tốt nghiệp đại học; Kế hoạch đào tạo tổng thể hệ thống cán bộ các ngành và địa phương thuộc tỉnh, cán bộ cấp tỉnh quản lý, cán bộ quy hoạch các chức danh Tỉnh ủy cho nhiệm kỳ hiện nay và các nhiệm kỳ sau; Kế hoạch đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học ở nước ngoài; Kế hoạch luân chuyển cán bộ nhằm thực hiện quy định tỷ lệ các chức danh lãnh đạo cấp huyện, tỉnh không phải là người địa phương; Ban hành cơ chế phát huy tính năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ; rà soát các loại văn bằng tốt nghiệp của các cán bộ, công chức khi đề bạt, bổ nhiệm; Hướng dẫn công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương; kiện toàn bộ máy và cán bộ lãnh đạo hệ thống ngành tổ chức; công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ hằng năm theo Quyết định 286-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Với kế hoạch đào tạo và bổ nhiệm 100 phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn từ trí thức mới tốt nghiệp đại học, Sở Nội vụ đang tiến hành gặp gỡ trao đổi với số trí thức đăng ký ứng tuyển. Hiện nay đã có hơn 130 trường hợp ứng tuyển, đã ký hợp đồng lao động với 40 trường hợp. Các chuyên ngành ứng tuyển chủ yếu là kỹ sư nông nghiệp, kinh tế, hành chính, công nghệ sinh học, xây dựng, quy hoạch, kinh tế phát triển. Sở Nội vụ chủ trì việc biên soạn chương trình đào tạo bước đầu. Nội dung chú trọng về xây dựng đảng, quản lý nhà nước, kỹ năng điều hành, nghệ thuật lãnh đạo, quản lý. Học theo phương pháp mới 1 buổi lý thuyết, 1 buổi đối thoại, trao đổi trên lớp. Theo chương trình sẽ có 2,5 tháng học lý thuyết, 1 tháng thực tập ở cơ sở. Trong quá trình tổ chức đi thực tế, các ứng viên sẽ viết chương trình hành động, chương trình công tác khi đảm nhiệm chức danh phó chủ tịch để trình trước hội đồng thẩm định.
Về công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ sung 4 tỉnh ủy viên, điều động, phân công, bổ nhiệm, luân chuyển 15 cán bộ các ngành huyện về xã công tác; tuyển dụng tập sự 49, tuyển dụng biên chế 26; tiếp nhận 17, thuyên chuyển 11 cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng 26.515 lượt cán bộ (Đề án 165 có 17; lý luận chính trị 1.123; chuyên môn 572; bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học 16.360 cán bộ…); cử cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài 122. Khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 21 để thực hiện. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu ban hành chế độ chính sách tạm thời đối với cán bộ luân chuyển: Đối với cán bộ cấp tỉnh về huyện được nhận trợ cấp một lần là 2 triệu, thường xuyên hằng tháng là hệ số 0,6. Ngoài ra khoảng cách trên 25km cộng thêm 300k/tháng. Cán bộ cấp huyện về xã được trợ cấp một lần là 4.5 triêu, hằng tháng là 0,5. Nếu trên 20km thì cộng thêm 300k/tháng. Cán bộ làm việc từ xã này luân chuyển sang xã khác được hỗ trợ là 4 triệu, hằng tháng là 0,4, trên 10km thì được 300k/tháng. Ngoài chế độ này, nếu cán bộ về công tác tại huyện Tân Phú Đông (một xã đảo của tỉnh), nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thì được thêm 75%. Nếu cán bộ luân chuyển về làm chủ chốt của xã ở Tân Phú Đông được hưởng trợ cấp 70%. Từ khi bắt đầu Nghị quyết 11 đến nay đã luân chuyển được trên 350 trường hợp, chủ yếu là huyện về xã, xã này sang xã khác và trong nội bộ ngành, một số ngành này sang ngành khác. 80% số cán bộ được luân chuyển đã phát huy tác dụng, thích ứng với đời sống và công tác tại nơi mới, đã có những thành tích tốt trong công tác. Có trường hợp được khen thưởng. Tuy vậy, vẫn có trường hợp do cán bộ chủ quan, do một vài nơi còn tư tưởng khép kín trong công tác cán bộ dẫn đến cán bộ không phát huy được tác dụng, thậm chí phải dừng luân chuyển.
Về nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), hiện nay toàn tỉnh có 9.898 cán bộ, công chức xã, ấp; giảm 5.452 người (35,52%) so với Nghị định 121/2003/NĐ-CP, trong đó có 3.600 cán bộ, công chức xã và 6.298 cán bộ không chuyên trách xã, ấp. Cán bộ chuyên trách có 1.791 người, trong đó có trình độ đại học, cao đẳng 249 (13,9%), trung cấp 415 (23,73%), sơ cấp 41 (2,29%); trình độ cao cấp lý luận chính trị 158 (8,82%), trung cấp 1.207 (67,39%), sơ cấp 229 (12,79%); có chứng chỉ ngoại ngữ 76 (4,24%) và tin học 232 (12,95%); trình độ quản lý Nhà nước 345 (19,26%). Chưa đào tạo chuyên môn 1.086 (60,64%), lý luận chính trị 197 (11%). Khối Đảng có 335 người, trong đó có trình độ đại học, cao đẳng 80 (23,88%), trung cấp 34 (10,15%); trình độ cao cấp lý luận chính trị 90 (26,87%), trung cấp 231 (68,96%); có chứng chỉ ngoại ngữ 22 (6,57%) và tin học 48 (14,33%). Khối Mặt trận và các đoàn thể có 823 người, trong đó có trình độ đại học, cao đẳng 37 (4,5%), trung cấp 201 (24,42%); trình độ cao cấp lý luận chính trị 15 (1,82%), trung cấp 484 (58,81%); có chứng chỉ ngoại ngữ 12 (1,46%) và tin học 73 (8,87%). Khối chính quyền có 633 người, trong đó có trình độ đại học, cao đẳng 129 (20,38%), trung cấp 180 (28,44%); trình độ cao cấp lý luận chính trị 53 (8,37%), trung cấp 492 (77,73%); có chứng chỉ ngoại ngữ 42 (6,64%) và tin học 111 (17,54%). Công chức có 1.809 trong đó có trình độ đại học, cao đẳng 212 (11,72%), trung cấp 1.312 (72,53%), sơ cấp 15 (0,83%); trình độ cao cấp lý luận chính trị 18 (1,0%), trung cấp 483 (26,70%), sơ cấp 308 (17,03%); có chứng chỉ ngoại ngữ 224 (12,38%) và tin học 696 (38,47%); trình độ quản lý nhà nước 99 (5,47%). Chưa đào tạo chuyên môn 270 (14,93%), lý luận chính trị 1.000 (55,28%). Cán bộ không chuyên trách có 6.298, trong đó có trình độ đại học, cao đẳng 126 (2,0%), trung cấp 738 (11,72%), sơ cấp 312 (4,95%); trình độ cao cấp lý luận chính trị 25 (0,4%), trung cấp 1.146 (18,2%), sơ cấp 1.383 (21,96%); trình độ quản lý nhà nước 61 (0,97%). Chưa đào tạo chuyên môn 5.122 (81,33%), lý luận chính trị 3.744 (59,45%).
Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định 10/2004/QĐ-UB ngày 17-2-2004, Quyết định 26/2011/QĐ-UBND ngày 19-9-2011 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã; Chỉ thị 07/2006/CT-UBND ngày 8-3-2006 về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức xã. Sở Nội vụ hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp lại cán bộ chuyên trách và công chức xã đủ số lượng, đúng chức danh và từng bước bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Trên cơ sở đó, từ 2006 - 2010, đã tổ chức 32 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 2.298 học viên; 27 lớp (4 lớp đại học) đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 2.054 học viên; 9 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng điều hành hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã cho 720 học viên và nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng, quản lý đất đai... cho cán bộ quản lý và công chức xã.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và hụt hẫng cán bộ đã được khắc phục; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia các cơ quan dân cử, lãnh đạo mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cấp ủy các nhiệm kỳ ở nhiều đảng bộ có tăng lên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị tại cơ sở.
Có được những kết quả trên là nhờ các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương trên cơ sở cụ thể hóa chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của ở các cấp, các ngành và cơ sở; tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá đúng tình hình, chất lượng cán bộ ở cơ sở; quan tâm chất lượng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện tiếp. Trong tổ chức thực hiện nghị quyết, có sự kết hợp chặt chẽ với Cuộc vận động "Xây dựng và chỉnh đốn Đảng" theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khoá VIII) và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị (khóa XI). Nhiều cấp ủy, cán bộ chủ chốt xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Tuy nhiên, việc vận dụng một số nội dung nghị định của Chính phủ, nhất là Nghị định 92/2009/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù riêng của tỉnh. Một số ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) của các cấp ủy còn giao khoán công việc cho cơ quan nội vụ các cấp, chưa tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và kịp thời kiến nghị Trung ương chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế. Công tác tổ chức, cán bộ có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng tại cơ sở. Hoạt động kiểm tra, giám sát chưa chủ động, chưa phát huy được vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao nên vai trò hạt nhân chính trị và hiệu quả lãnh đạo còn hạn chế. Cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở tuy đông nhưng không mạnh, trình độ và năng lực chuyên môn chưa đều nhưng do tuổi cao, học vấn thấp nên khó đào tạo và chưa có nguồn thay thế; các chế độ, chính sách hiện hành chưa đủ sức thu hút cán bộ tốt nghiệp đại học về cơ sở; mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách quá thấp nên ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả công tác.
Bài, ảnh: Song Thuỷ