Là một trong 10 tỉnh, thành thực hiện thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện nơi không tổ chức HĐND, Quảng Trị đã tổ chức thí điểm ở huyện Cam Lộ. Sau 3 năm triển khai, Quảng Trị vừa tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm thực hiện mô hình này.
Từ những thuận lợi
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Cam Lộ được tôi luyện và trưởng thành. Đảng bộ có truyền thống đoàn kết; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thẳng thắn trong đấu tranh xây dựng. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở nhìn chung có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý điều hành; sâu sát, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đề ra những chủ trương giải pháp, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.
Huyện ủy đã xây dựng và ban hành được nghị quyết, đề án chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đây là những mặt thuận lợi để Tỉnh uỷ Quảng Trị quyết định chọn Cam Lộ thực hiện thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện nơi không tổ chức HĐND.
Cách làm
Thứ nhất, căn cứ vào các quy định, quy trình hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh uỷ, Ban thường vụ Huyện uỷ Cam Lộ đã chỉ đạo Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ phối hợp tham mưu xây dựng phương án nhân sự, nhất là tiêu chuẩn của chức danh bí thư huyện ủy - chủ tịch UBND huyện nhằm lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu cả hai vị trí chủ chốt của cấp ủy và chính quyền, trình Ban Thường vụ xem xét quyết định. Tiêu chuẩn trước hết phải trong quy hoạch cán bộ chủ chốt của huyện giai đoạn 2010-2015; đảm bảo trình độ lý luận chính trị và chuyên môn theo quy định, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm trong lãnh đạo quản lý; đủ uy tín để quy tụ và trở thành trung tâm đoàn kết.
Thực hiên quy trình công tác nhân sự, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã thảo luận dân chủ, với tinh thần trách nhiệm cao và đã thống nhất phương án chọn người tại chỗ (đồng chí chủ tịch UBND huyện đương nhiệm làm bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện). Sau khi thống nhất phương án nhân sự, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán, hội nghị BCH Đảng bộ huyện để giới thiệu nhân sự. Căn cứ vào kết quả giới thiệu và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ khoá XIII đã bầu đồng chí chủ tịch UBND huyện đương nhiệm làm bí thư huyện uỷ, đồng thời đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch UBND huyện.
Thứ hai, Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện uỷ và UBND huyện, trình Hội nghị BCH Đảng bộ, UBND huyện xem xét quyết định. Những nội dung thay đổi, điều chỉnh quy chế làm việc tập trung vào các vấn đề: Khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của BCH Đảng bộ, của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy và trách nhiệm của các đồng chí UVTV Huyện ủy; trong đó đề cao vai trò trách nhiệm và các mối quan hệ công tác của đồng chí bí thư huyện ủy - chủ tịch UBND huyện; phân cấp, phân nhiệm rõ để tăng cường trách nhiệm của đồng chí phó bí thư huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện; quy định rõ những nội dung công việc UBND huyện phải báo cáo BCH, BTV và Thường trực Huyện ủy cho ý kiến kết luận và các công việc do tập thể UBND huyện bàn bạc quyết định theo đúng quy định của pháp luật. Mối quan hệ, chỉ đạo và phương pháp làm việc giữa Huyện ủy, UBND, UBMT và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định cụ thể việc phối hợp xây dựng chương trình công tác hằng tuần, hằng tháng, nhằm thống nhất điều hành có trọng tâm, trọng điểm công việc của Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện, làm cơ sở để phân công cho các cơ quan tham mưu giúp việc và cán bộ cấp dưới thực hiện nhiệm vụ được giao, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ trống công việc trong lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện.
Thực hiện tốt việc phân công công tác cho các thành viên trong BTV Huyện uỷ, UBND phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực hiện thí điểm. Việc phân công được thực hiện theo hướng cụ thể, gắn trách nhiệm với quyền hạn của mỗi đồng chí. Trong đó, đồng chí bí thư huyện uỷ - chủ tịch UBND được giảm thiểu công việc có tính chất sự vụ, để tập trung nhiều hơn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, những công việc có tính lâu dài, toàn diện hơn.
Kết quả bước đầu
Sau 3 năm, mô hình thí điểm ở Cam Lộ cũng đã đạt được những kết quả khả quan. Việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ được tiến hành thống nhất và có hiệu quả hơn. Các nghị quyết, chương trình hành động của BCH Đảng bộ, BTV Huyện ủy ban hành đã bám sát với thực tiễn cuộc sống và triển khai thực hiện kịp thời, thông suốt. Vai trò lãnh đạo của Huyện ủyđược tăng cường, nội bộ đoàn kết, khẳng định sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND huyện và sự phối hợp của UBMT và các đoàn thể.
Công tác điều hành của UBND huyện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy. Công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy đối với chính quyền trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Huyện ủy được tăng cường. BTV Huyện ủy và UBND huyện nắm chắc hơn hoạt động của hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị; kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo thực hiện.
Vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền được phát huy trên từng lĩnh vực, vừa tập trung nghiên cứu những vấn đề chiến lược, mang tính định hướng của huyện, nắm chắc những công việc trọng tâm tập trung chỉ đạo, đồng thời cũng bao quát được các vấn đề cụ thể cần thiết liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Không còn HĐND, Cam Lộ thành lập giao ban trực báo đối với khối dân vận, mặt trận, giao ban khối nội chính để báo cáo Thường trực chỉ đạo xử lý vấn đề gì nảy sinh. Phát huy và nâng cao tính chủ động sáng tạo của cả hai bộ máy (các ban đảng, Văn phòng Huyện ủy và các phòng ban trực thuộc UBND huyện) trong công tác tham mưu giúp việc làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đạt hiệu quả cao hơn.
Sau ba năm, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Cam Lộ ổn định và có bước phát triển khá, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, nhất là việc thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo được quan tâm; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội đảm bảo; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; cán bộ và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy và công tác điều hành của chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương thí điểm nhất thể hoá là mới, Cam Lộ đã gặp những khó khăn như chưa đồng bộ về mặt tổ chức và điều kiện hoạt động, quy định chưa rõ trách nhiệm, quyền hạn của các chức danh lãnh đạo, quản lý, giữa cấp trưởng và cấp phó trong quy chế làm việc, phân công công tác của thường trực, BTV Huyện uỷ và UBND huyện. Tổ chức, bộ máy tham mưu giúp việc có những hạn chế nhất định, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chức năng nhiệm vụ đối với chức danh bí thư - chủ tịch dẫn đến lúng túng trong xây dựng quy chế làm việc; chế độ chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm chưa hợp lý (hiện nay Cam Lộ đang thực hiện phụ cấp 10% theo quy định của Tỉnh ủy Quảng Trị).
Kinh nghiệm
1. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước khi đi vào thực hiện thí điểm.
2. Những địa phương chọn thực hiện thí điểm phải có tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết, tình hình kinh tế - xã hội ổn định và phát triển; cán bộ chủ chốt có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng.
3. Công tác lựa chọn giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND phải đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn; chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận và cán bộ tham mưu giúp việc.
4. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của huyện ủy và UBND huyện.
5. Cấp ủy, chính quyền cấp trên cần quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của cấp ủy đảng cùng cấp đối với hoạt động của UBND; xây dựng quy chế phối hợp và cần có cơ chế đặc thù tạo điều kiện để UBMT thực hiện tốt vai trò giám sát các hoạt động của chính quyền và cán bộ công chức.
Từ thực tiễn ở Cam Lộ, có vài đề xuất sau:
Thứ nhất, Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm và tổng kết về mô hình, chưa nên triển khai diện rộng.
Thứ hai, xây dựng và ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát của của cấp uỷ và chính quyền cấp trên trực tiếp đối với những địa phương thực hiện thí điểm, kịp thời và thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn.
Thứ ba, Trung ương nghiên cứu để từng bước nhất thể hoá về tổ chức, trước hết là bộ máy giúp việc trực tiếp cho đồng chí bí thư - chủ tịch, BTV, Thường trực huyện uỷ, UBND như Văn phòng, Tổ chức cán bộ, Kiểm tra, Thanh tra.
Thứ tư, có cơ cấu chức danh phó bí thư hợp lý (ngoài phó bí thư thường trực) để đảm bảo nguyên tắc và tăng cường sức mạnh tập thể trong chỉ đạo điều hành của thường trực huyện ủy.
Thứ năm, có quy chế làm việc mẫu đối với nơi thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời chủ tịch UBND cấp huyện nơi không tổ chức HĐND. Quy định rõ chính sách và chế độ kiêm nhiệm của cán bộ đảm nhiệm 2 chức danh này.
Minh Anh