Thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND quận nơi không tổ chức HĐND ở Đà Nẵng
Ban Thường vụ Quận uỷ Thanh Khê làm việc với Tạp chí Xây dựng Đảng về mô hình bố trí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND quận. Ảnh: Bạch Yến
Tháng 4-2010, quận Cẩm Lệ được Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng chọn để thí điểm mô hình nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND quận nơi không tổ chức HĐND. Tháng 7-2011, quận Thanh Khê tiếp tục chọn để thực hiện thí điểm. Qua thời gian thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ở Cẩm Lệ và Thanh Khê, công tác lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị tại 2 quận thông suốt và hiệu quả. Vai trò của đồng chí bí thư-chủ tịch được phát huy, tạo được sự thống nhất, tập trung trong lãnh đạo và điều hành thực hiện các nhiệm vụ của đảng bộ và chính quyền; không có biểu hiện lạm quyền, hoặc coi nhẹ nhiệm vụ của Đảng hay nhiệm vụ của chính quyền. Trách nhiệm và quyền hạn của từng cá nhân trong bộ máy lãnh đạo quận được nâng lên rõ rệt, qua đó nâng cao tính chủ động và phát huy được sức sáng tạo đồng thời tự chịu trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác quản lý và điều hành. Có thể nói, đây là mô hình phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, cải cách thể chế mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.  

Thuận lợi


Cẩm Lệ và Thanh Khê là hai quận có kinh tế phát triển của Đà Nẵng, trình độ dân trí cao, nhất là Thanh Khê, quận trung tâm của TP Đà Nẵng, là địa bàn chiến lược, cửa ngõ của TP. Đà Nẵng, có sân bay, nhà ga, đường giáp biển. Việc thực hiện chủ trương bí thư-chủ tịch UBND quận nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong tập thể cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân. Tập thể thường trực, BTV quận ủy, lãnh đạo UBND quận luôn đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Hai đồng chí bí thư-chủ tịch quận có năng lực công tác, có uy tín cao trong Đảng và đã từng kinh qua chức vụ trong cấp uỷ và chính quyền, có kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành. Trình độ cán bộ, công chức tại hai quận cũng như các phường trong quận tương đối đồng đều, hầu hết có trình độ đại học trở lên, đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch quận có trình độ trên đại học, đội ngũ lãnh đạo của các cơ quan tham mưu được trẻ hóa, năng động trong công tác tham mưu và giải quyết công tác chuyên môn.

Cách làm

Khi được Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng chọn làm đơn vị thí điểm mô hình bí thư quận ủy-chủ tịch UBND quận, quận ủy 2 quận đã chỉ đạo các TCCSĐ trực thuộc, đảng ủy các phường và các ban, ngành, mặt trận đoàn thể của quận triển khai các công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và từng tổ dân phố... để nhân dân hiểu và nắm được chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm mô hình này.

Vừa thực hiện thí điểm bí thư quận ủy-chủ tịch UBND quận, vừa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND nên việc phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của người đứng đầu quận ủy và UBND quận là hết sức quan trọng. Do vậy, sau khi thực hiện thí điểm, đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch đã tiếp nhận và triển khai thực hiện tiếp các nhiệm vụ trong năm; xây dựng và bổ sung các quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa quận uỷ, UBND quận, mặt trận và các đoàn thể; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong thường trực, BTV quận ủy và các ủy viên UBND quận phù hợp với mô hình bí thư quận uỷ đồng thời chủ tịch UBND quận. Hiện tại, Thường trực Quận uỷ Cẩm Lệ có 3 đồng chí (1 phó bí thư thường trực, 1 phó bí thư phụ trách dân vận, mặt trận các đoàn thể). Thường trực Quận uỷ Thanh Khê chỉ có 2 đồng chí.  

Kết quả

Qua thực hiện thí điểm ở 2 quận, nhìn chung công tác chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành của bộ máy chính quyền tại 2 quận có nhiều chuyển biến tích cực. Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy đảng đồng thời là người đứng đầu bộ máy chính quyền ở quận, đồng chí bí thư-chủ tịch đã nắm bắt đầy đủ và sâu sát mọi mặt công tác của bộ máy chính quyền, từ đó việc đưa ra các chủ trương, quyết sách của cấp uỷ và việc triển khai thực hiện của chính quyền được đồng bộ và kịp thời.  

Trong quan hệ công tác giữa đồng chí bí thư-chủ tịch và các đồng chí trong thường trực quận ủy và lãnh đạo UBND khá tốt, mỗi cá nhân đều được phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng. Căn cứ chức trách được giao, các đồng chí này giúp đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch phụ trách và chủ động giải quyết công việc thuộc lĩnh vực được phân công. Khi thực hiện thí điểm, với vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền, các đồng chí phó bí thư thường trực và đồng chí phó chủ tịch thường trực UBND quận là người chịu trách nhiệm, giúp đồng chí bí thư-chủ tịch quán xuyến toàn bộ công việc để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Khi đồng chí bí thư-chủ tịch đi vắng thì đồng chí phó bí thư thường trực và phó chủ tịch thường trực UBND quận thay  mặt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc theo quy chế. Đồng thời trước khi đồng chí bí thư-chủ tịch đi vắng đã tiến hành hội ý thường trực quận uỷ, UBND quận để phân công nhiệm vụ cụ thể và uỷ quyền cho các đồng chí phó trực giải quyết, xử lý các công việc. Nhờ vậy, tình trạng chồng chéo và thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ chính trị được giảm thiểu, công việc của quận uỷ và UBND đảm bảo được thông suốt. Các đồng chí phó này đã chủ động hơn trong lãnh đạo và giải quyết công việc đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp ủy và UBND trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ.  

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chức năng điều hành của chính quyền đảm bảo phân định rõ ràng. Công tác thông tin, báo cáo trong quan hệ công tác giữa UBND quận và cấp uỷ cùng cấp luôn được thực hiện nghiêm túc đảm bảo sự quản lý và lãnh đạo toàn diện của Đảng.  

Trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng chí bí thư-chủ tịch UBND luôn chịu sự giám sát trực tiếp của BTV quận uỷ, ban chấp hành đảng bộ quận, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể liên quan của quận theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Mặt khác, chịu trách nhiệm trước cấp uỷ và UBND cấp trên về hiệu quả công tác của đơn vị mình. Đối với các vấn đề lớn và quan trọng của UBND, đồng chí bí thư-chủ tịch đều báo cáo và xin ý kiến BTV, có sự tham gia của đại diện mặt trận Tổ quốc.

Đồng chí bí thư-chủ tịch UBND quận là đại biểu HĐND TP, nên định kỳ cùng với đại biểu HĐND TP khu vực quận tổ chức tiếp xúc với cử tri trên địa bàn, cũng như các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri. Qua tiếp xúc cử tri, quận nhận được sự phản ánh của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực: quản lý đô thị, an sinh xã hội, an ninh trật tự… Theo đó, đồng chí bí thư-chủ tịch sẽ chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan xử lý, khắc phục và thực hiện ngay những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, đây cũng là một kênh giám sát của nhân dân đối với chính quyền, đối với đồng chí này khi không còn HĐND cấp quận.  

Vẫn còn khó khăn

Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch tại Đà Nẵng vẫn có một số khó khăn sau:

Bước đầu triển khai thực hiện, quận uỷ, UBND quận còn lúng túng, nhất là trong xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp của các cơ quan đảng, UBND đảm bảo hợp lý, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của của người đứng đầu vừa đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của tập thể.

Khối lượng công việc của đồng chí bí thư-chủ tịch là rất lớn, vừa lãnh đạo, vừa điều hành, thường xuyên tham dự nhiều cuộc họp, ít có thời gian đi cơ sở nên đôi lúc việc chủ động nắm bắt tình hình còn hạn chế. Mặt khác, khối lượng công việc chính quyền nhiều, thường khẩn trương, phức tạp đòi hỏi phải giải quyết ngay nên đồng chí bí thư-chủ tịch phải tập trung nhiều thời gian hơn vào công việc chính quyền.

Giúp đồng chí bí thư-chủ tịch quán xuyến công việc của địa phương nên vai trò, trách nhiệm của đồng chí phó bí thư thường trực quận uỷ và đồng chí phó chủ tịch thường trực UBND quận cao hơn trước khi thí điểm vì thế dễ bị áp lực.  

Từ mô hình thí điểm ở Đà Nẵng, rút ra một số kinh nghiệm sau:


1.
Đồng chí bí thư-chủ tịch phải có kinh nghiệm và năng lực trong lãnh đạo và
quản lý, điều hành công tác đảng và chính quyền, nên kinh qua vị trí chủ tịch UBND một thời gian. Đồng thời, đồng chí này cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị; có năng lực quán xuyến bao quát, có sức khỏe, uy tín trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

2. Các tổ chức trong hệ thống chính trị có sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất; thực sự trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo và luôn đề cao, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong lãnh đạo và điều hành của cấp ủy cũng như của bộ máy chính quyền. Giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

3. Bộ máy tham mưu cho cấp ủy và chính quyền phải được tổ chức tốt, có năng lực chuyên môn, đồng thời chủ động trong công tác tham mưu và thực hiện chức trách nhiệm vụ.

4.
Cần có quy chế hoạt động, phối hợp, giám sát giữa cấp ủy và cấp chính quyền và mặt trận, đoàn thể. Phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân trong bộ máy lãnh đạo rõ ràng, hợp lý và thông suốt.   

Một số kiến nghị:  

Thứ nhất,
cần tiếp tục thí điểm mô hình này để có cơ sở tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn trước khi nhân rộng mô hình này.

Thứ hai, cấp trên cần có hướng dẫn việc xây dựng quy chế hoạt động của cấp uỷ, UBND, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ công tác của người đứng đầu cấp uỷ, UBND, trách nhiệm, quyền hạn của các phó bí thư thường trực, phó chủ tịch UBND thường trực ở những địa phương thực hiện thí điểm.

Thứ ba, có chính sách chế độ phù hợp đối với chức danh bí thư-chủ tịch UBND và các phó bí thư, phó chủ tịch UBND phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn được nâng lên khi thực hiện thí điểm mô hình này (Đà Nẵng đang thực hiện phụ cấp 50% đối với bí thư đồng thời là chủ tịch).

Thứ tư, cần nghiên cứu, cụ thể hoá cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát của UBMT Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đối với chức danh bí thư-chủ tịch nhằm ngăn ngừa tình trạng độc đoán, chuyên quyền do tập trung quyền lực vào một người cũng như tình trạng mất đoàn kết và các biểu hiện tiêu cực khác.

Thứ năm,
cần quy định thống nhất tiêu chuẩn chức danh bí thư-chủ tịch UBND; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác đảng, quản lý nhà nước đối với cán bộ đương nhiệm và cán bộ quy hoạch chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp quận, huyện nơi không tổ chức HĐND.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất