Tỉnh ủy Cà Mau đẩy mạnh luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý
Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy Thới Bình.

Tỉnh Cà Mau có 8 huyện, 1 thành phố với 101 xã, phường, thị trấn; có 14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 646 TCCSĐ, trong đó có 203 đảng bộ cơ sở ( 2.379 chi bộ trực thuộc); 443 chi bộ cơ sở với 35.603 đảng viên. Tổng số cán bộ, công chức của tỉnh trên 29.000 người.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX), Hướng dẫn số 06-HD/TCTW, ngày 2-4-2002 của Ban Tổ chức Trung ương, Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05-6-2012 của Bộ Chính trị; Tỉnh ủy Cà Mau đã xây dựng  Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 28-12-2012 về Quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo, Kế hoạch số 46-KH/TU, ngày 29-01-2013 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo; Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 07-KH/BTCTU, ngày 12-11-2002 về việc điều động, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trên cơ sở quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, các cấp ủy đảng đã kịp thời xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và triển khai thực hiện đối với địa phương, đơn vị mình.

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 665 lượt cán bộ. Trong đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý luân chuyển được 53 lượt (từ tỉnh xuống huyện 25 lượt). Cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý luân chuyển được 436 lượt (từ huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn 178 lượt). Ngoài ra, lực lượng vũ trang luân chuyển 128 lượt cán bộ, sĩ quan. Đa số cán bộ được điều động, luân chuyển đã khắc phục khó khăn, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhiều cán bộ đã trưởng thành nhanh hơn, được bố trí nhiệm vụ cao hơn. Trong số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã luân chuyển, có 26 đồng chí được phân công giữ nhiệm vụ cao hơn; hiện nay, dự kiến tiếp tục thực hiện luân chuyển 11 đồng chí ở các địa phương, đơn vị và được quy hoạch chức danh cao hơn trong nhiệm kỳ tới. Cán bộ diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý sau luân chuyển chất lượng được nâng lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bố trí giữ chức vụ cao hơn chiếm trên 40%, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được bố trí giữ chức vụ tương đương gần 60%, không có cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đối với cấp huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển 3 đồng chí bổ sung thêm chức danh phó bí thư huyện ủy phụ trách công tác xây dựng TCCSĐ ở 3 huyện. Đồng thời, luân chuyển 3 đồng chí cán bộ quản lý ngành tỉnh giữ chức vụ phó chủ tịch ủy ban nhân dân của 3 huyện ven biển. Tỉnh ủy cũng đã luân chuyển 22 lượt cán bộ không phải là người địa phương về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Nhìn chung, công tác luân chuyển cán bộ được Tỉnh ủy thực hiện đồng bộ, thận trọng và chặt chẽ. Cán bộ luân chuyển có bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, phát huy được năng lực, sở trường trong công tác; từng bước trưởng thành trên cương vị mới. Các đơn vị tiếp nhận cán bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết nội bộ, phê phán tình trạng cục bộ địa phương.

Để tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ, Tỉnh ủy kịp thời ban hành Quy định số 12-QĐ/TU, ngày 27-01-2010 về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo được điều động luân chuyển. Theo quy định trên, cán bộ luân chuyển về huyện, xã được hỗ trợ một lần. Tùy theo địa bàn luân chuyển, cán bộ luân chuyển từ tỉnh xuống huyện được hỗ trợ nhiều nhất là mười bảy triệu đồng (đối với nữ), mười năm triệu đồng (đối với nam); người được hỗ trợ ít nhất mười hai triệu đồng (đối với nữ), mười triệu đồng (đối với nam). Cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã từ bốn triệu đến sáu triệu đồng. Phần đông cán bộ luân chuyển từ huyện lên tỉnh được bố trí nhà ở công vụ.

Tuy nhiên, nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ được đào tạo cơ bản theo tiêu chuẩn chức danh còn ít; chế độ, chính sách chưa được quy định thống nhất, rõ ràng. Cán bộ được luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác chưa được tập huấn, hướng dẫn, chưa nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin công việc mới, nên khi nhận nhiệm vụ có phần lúng túng hoặc thiếu mạnh dạn trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Từ thực tiễn, Cà Mau rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, phải tiến hành đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ: đánh giá đúng, quy hoạch tốt và luân chuyển cán bộ đúng mục tiêu. Để đánh giá đúng, phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lượng hóa thành các tiêu chí cụ thể làm cơ sở cho việc đánh giá sát, đúng từng chức danh cán bộ. Giữ vững và thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, công tâm trong đánh giá, quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Kết hợp chặt chẽ, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của ban thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan về công tác cán bộ.

Thứ hai, công tác điều động, luân chuyển được thực hiện đồng thời với công tác điều động, thuyên chuyển để “lấy chỗ” cho luân chuyển. Vì vậy, cả hai phải xem trọng như nhau, có thể có điều động nằm trong luân chuyển, phục vụ cho luân chuyển, khác với điều động nói chung. Luân chuyển cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và căn cứ quy hoạch để xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ.

Thứ ba, quán triệt tạo thống nhất cao về quan điểm, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của luân chuyển cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; từ đó, xác định đầy đủ, rõ ràng ý thức trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương luân chuyển cán bộ.

Thứ tư, coi trọng và làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ luân chuyển và địa phương nơi có cán bộ luân chuyển đến; tuyệt đối không để cán bộ được luân chuyển có tư tưởng đến đó cho xong việc, hết thời gian rồi về. Phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời những thông tin cần thiết của ngành, địa phương nơi đến cho cán bộ luân chuyển nắm, hiểu để sớm phát huy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc trên cương vị mới.

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển làm việc như:  nhà ở công vụ, phương tiện công tác và hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống gia đình.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế quản lý cán bộ luân chuyển, kể cả nơi đi và nơi đến, cấp trên và cấp dưới. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ được luân chuyển kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng, phát huy các nhân tố tích cực, đưa việc luân chuyển cán bộ trở thành nền nếp, thường xuyên, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác cán bộ.

Thứ bảy, có tầm nhìn xa, có kế hoạch tổng thể, định hướng chiến lược lâu dài về công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch luân chuyển. Phải nắm chắc năng lực, sở trường và phẩm chất của từng cán bộ để luân chuyển đúng người, bố trí nhiệm vụ phù hợp và đúng thời điểm.

Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý có vị trí rất quan trọng trong công tác cán bộ. Quá trình tổ chức thực hiện sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cấp uỷ và lãnh đạo các cấp, các ngành cần có sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, đề cao trách nhiệm và vai trò tham mưu của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ các cấp, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, phải có bước đi và cách làm phù hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể để công tác luân chuyển cán bộ ngày càng có hiệu quả.      

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất