Bắc Giang nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Sinh hoạt chuyên đề điểm ở chi bộ thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Từ thực trạng 

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang đã nghiên cứu, biên soạn 2 tài liệu “Công tác xây dựng đảng ở chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở” và “Hỏi, đáp về những tình huống trong hoạt động của chi bộ”, bao gồm đầy đủ các lĩnh vực về công tác đảng ở chi bộ để làm tài liệu cho cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng đối với các đồng chí bí thư chi bộ (cả chi bộ cơ sở).  

Các cấp ủy ở Bắc Giang đã tập trung thảo luận, bàn bạc, đưa ra nhiều giải pháp để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Một số đơn vị định kỳ hằng quý tổ chức hội nghị giao ban giữa thường trực cấp ủy cấp huyện với bí thư các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nghe phản ánh từ cơ sở; triển khai các chủ trương lãnh đạo của cấp ủy để các đồng chí bí thư chi bộ có thêm thông tin về phổ biến trong sinh hoạt chi bộ.  

Ban thường vụ các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc đã phân công các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, cán bộ các ban xây dựng Đảng cấp huyện định kỳ dự sinh hoạt với các chi bộ để hướng dẫn các chi bộ trong chuẩn bị nội dung và tổ chức sinh hoạt chi bộ.  

Một số đơn vị đã có cách làm mới như: Huyện ủy Yên Thế ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thành lập tổ công tác của Ban Thường vụ do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, thành viên là phó ban, chuyên viên các ban xây dựng đảng của huyện để chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ trong chuẩn bị và tổ chức sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, Huyện uỷ Yên Thế chỉ đạo mỗi đảng bộ xã, thị trấn chọn 2 chi bộ sinh hoạt điểm (một chi bộ sinh hoạt thường kỳ, một chi bộ sinh hoạt chuyên đề); xây dựng một chương trình điều hành mẫu cho một buổi sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ như một kịch bản của một buổi đại hội Đảng.  

Huyện uỷ Lục Ngạn chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chọn một chi bộ sinh hoạt điểm hoặc chọn hình thức sinh hoạt chi bộ luân phiên trong đảng bộ và mời các bí thư chi bộ trong đảng bộ đến dự để học tập cách làm mới; nơi nào được chọn sinh hoạt mẫu, đảng ủy hướng dẫn, chỉ đạo và yêu cầu các đồng chí đảng ủy viên tham dự sinh hoạt chi bộ làm mẫu, rút kinh nghiệm để chỉ đạo sinh hoạt đối với chi bộ được phân công phụ trách.  

Ở Huyện ủy Tân Yên, ngoài việc phân công các đồng chí huyện ủy viên, còn phân công các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên là đảng viên của các cơ quan trực thuộc Huyện ủy, UBND, huyện hằng tháng còn bố trí thời gian dự sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn...  

1. Việc phân công đảng viên là cán bộ, công chức các cơ quan trực thuộc huyện, thành phố và các đảng bộ trực thuộc tỉnh về dự sinh hoạt chi bộ thứ nhất đã thu hẹp khoảng cách giữa đảng bộ cấp huyện và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; thể hiện sự quan tâm sâu sát tới cơ sở, hướng về cơ sở, nhằm hiểu sâu, nắm chắc tình hình cơ sở.  

2. Gắn trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên là đảng viên các cơ quan để họ tích cực, chủ động, tự giác nghiên cứu nghị quyết của Đảng, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh, của huyện trước khi đi dự sinh hoạt ở các chi bộ; từ đó, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều cán bộ, đảng viên được nâng lên.  

3. Các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở duy trì nền nếp sinh hoạt nghiêm túc hơn, chuẩn bị nội dung sinh hoạt kỹ hơn; bộ có nhiều ý kiến tham gia đóng góp hơn.  

4. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị và những vấn đề nảy sinh từ cơ sở được phản ánh trực tiếp với ban thường vụ cấp ủy, giúp cho cấp ủy có sự chỉ đạo kịp thời, góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sinh hoạt chi bộ ở Bắc Giang vẫn còn hạn chế: Nội dung sinh hoạt nặng về phổ biến, liệt kê những công việc đã làm trong tháng trước hoặc chỉ bàn về nhiệm vụ chuyên môn; ít tổ chức sinh hoạt chuyên đề; công tác xây dựng chi bộ và lãnh đạo hoạt động của các đoàn thể còn chung chung; phần thảo luận chưa thật sự sôi nổi, một số đảng viên còn thụ động, hầu như không phát biểu, đóng góp ý kiến; việc ghi chép biên bản đôi khi thiếu cẩn thận, chưa phản ánh được đúng tinh thần và nội dung của cuộc họp. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ chưa nắm chắc quy trình, phương pháp, nội dung, nguyên tắc sinh hoạt chi bộ; lựa chọn nội dung sinh hoạt chưa sát thực tiễn; khả năng duy trì, điều hành sinh hoạt còn nhiều hạn chế...    

Đến giải pháp  

Từ thực trạng trên, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong thời gian tới, các cấp ủy ở Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:   

Một là, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chi bộ và sinh hoạt chi bộ; quán triệt sâu sắc quan điểm: Tham gia sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ, trách nhiệm của đảng viên, là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá tư cách của đảng viên. Chi uỷ cần đánh giá đúng tình hình sinh hoạt chi bộ mình về ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, từ đó đề ra biện pháp khắc phục khuyết điểm.  

Hai là, chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ chu đáo, thông báo cho đảng viên trước khi họp ít nhất một ngày để đảng viên sắp xếp công việc, chuẩn bị ý kiến phát biểu và tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ. Chi uỷ phải thống nhất trước về nội dung, thời gian, hình thức, địa điểm sinh hoạt. Đồng chí bí thư chi bộ nên tranh thủ ý kiến của trưởng thôn, bản, tổ dân phố, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trước (nếu thủ trưởng đơn vị không là bí thư), sau đó họp chi uỷ để thống nhất nội dung sinh hoạt. Chọn nội dung sinh hoạt cần căn cứ vào: Chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; sự chỉ đạo của đảng ủy, của tổ chức Đảng cấp trên; chương trình công tác của cấp ủy, của chi bộ trong nhiệm kỳ; tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng nhân dân…  

Ba là, sinh hoạt chi bộ phải phát huy được trí tuệ của tập thể, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên. Chủ tọa điều hành cuộc họp cần có kiến thức xây dựng Đảng; tác phong cởi mở, dân chủ, mềm dẻo, linh hoạt trong dẫn dắt vấn đề, biết định hướng nội dung thảo luận, đặc biệt là khả năng "gợi mở" vấn đề để đảng viên tham gia phát biểu; kiên trì, bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của đảng viên kể cả ý kiến đối lập, tránh nóng vội, gây không khí căng thẳng; tổng hợp và kết luận ngắn, gọn, đúng nội dung hội nghị đã thảo luận. Thư ký hội nghị phải ghi chép đầy đủ, chính xác diễn biến cuộc họp và kết luận của chủ tọa; những vấn đề thuộc về chủ trương hay nghị quyết chi bộ cần ghi rõ từng việc, ngắn gọn để đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện; tránh tình trạng kết luận một cách chung chung, khó ghi biên bản và khó thực hiện. Sau cuộc họp, Bí thư chi bộ phải phân công nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành cho từng đảng viên và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, đôn đốc đảng viên thực hiện.  

Bốn là, tăng cường hình thức sinh hoạt chuyên đề để tránh sự nhàm chán, khô cứng trong sinh hoạt. Chi ủy hoặc bí thư chi bộ cần nghiêu cứu, suy nghĩ lựa chọn một số nội dung cần thiết xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo của chi bộ và những vấn đề đang nảy sinh vướng mắc ở cơ sở chưa được giải quyết để sinh hoạt theo chuyên đề, chi bộ tập trung họp bàn tìm biện pháp giải quyết. Ngoài ra có thể trao đổi với bộ phận chuyên môn, đoàn thể để chọn một số nội dung sinh hoạt theo nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.  

Năm là, ban thường vụ các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc tiếp tục phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành, các đồng chí cán bộ các phòng, ban cấp huyện đi dự sinh hoạt với các chi bộ; quy định chế độ báo cáo hoặc là tổ chức hội nghị để các đồng chí báo cáo những vấn đề nảy sinh, đang vướng mắc ở cơ sở, từ đó ban thường vụ cấp ủy có hướng chỉ đạo kịp thời.  

Sáu là, hằng năm, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho các đồng chí bí thư chi bộ trong toàn đảng bộ. Đồng thời mỗi đồng chí bí thư chi bộ phải thường xuyên tự cập nhật, nghiên cứu để hiểu và nắm chắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo mới của Trung ương, của cấp uỷ cấp trên nhất là cấp trên trực tiếp có liên quan đến chi bộ để kịp thời cụ thể hoá trong lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ.  

Bảy  là, cấp uỷ, ban tham mưu của cấp uỷ cấp trên cần tăng cường kiểm tra, đi cơ sở để theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế nhằm chỉ đạo sinh hoạt của các chi bộ; phân công trách nhiệm cho các đồng chí đảng ủy viên trực tiếp phụ trách, theo dõi giúp đỡ các chi bộ, đặc biệt là chi bộ yếu, kém, giúp các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất