Bên lề Đại hội, PV Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc phỏng vấn nhanh đại biểu đoàn Đồng Nai - Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Xin trích đăng ý kiến của đại biểu Huỳnh Văn Tới:
Trong Đại hội, đồng chí ở Ban phòng, chống tham nhũng có bản báo cáo rất quan trọng. Tôi là đại biểu rất quan tâm và tán thành với báo cáo này vì vấn đề phòng, chống tham nhũng là quốc gia đại sự. Xưa kia Bác Hồ đã chỉ ra 3 loại giặc đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bây giờ cần chỉ tên ra là giặc tham nhũng.
Tuy nhiên, ý kiến của tôi, tôi quan tâm tới các giải pháp, trong đó có giải pháp đột phá. Trong nhiều giải pháp chống tham nhũng đưa ra, quan trọng nhất là giải pháp về người đứng đầu. Vì người đứng đầu là người có trọng trách. Trước hết là họ nêu gương chống tham nhũng và bản thân họ không tham nhũng và chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng nếu có ở cơ quan mình.
Vậy trong bản báo cáo mà Ban Chỉ đạo chống tham nhũng Trung ương nêu chỉ có 276 người đứng đầu là cấp trưởng, cấp phó các cơ quan bị xử lý chống tham nhũng, trong khi đó đưa ra xét xử 944 vụ, và hơn 1.600 vụ xét xử hành chính. Vậy rõ ràng rất nhiều người đứng đầu không chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng. Hơn 276 vị đứng đầu nêu tên đó là những vị có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cái tôi muốn nói là trách nhiệm đối với các cơ quan chống tham nhũng. Đáng lẽ đúng giải pháp, bài học kinh nghiệm thì Ban Chỉ đạo nêu bao nhiêu cơ quan tham nhũng thì bấy nhiêu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm từ xử lý hành chính đến hình sự. Vậy về giải pháp, chính là vai trò của người đứng đầu.
Trong giải pháp phòng chống, theo tôi phòng là chính. Phòng gắn liền với cải cách hành chính. Cải cách hành chính phải minh bạch cả hệ thống chính trị là giải pháp, mục tiêu quan trọng.
Vừa rồi báo cáo nêu tới hơn 6 vạn văn bản về phòng chống tham nhũng, nghe đâu là có mấy chục văn bản chưa kịp ra trong giai đoạn 2009-2010. Ta thử hình dung, mỗi văn bản chỉ 5 trang thôi thì có cả tủ sách chống tham nhũng. Chuyên gia chống tham nhũng mà nghiên cứu văn bản, mỗi ngày theo tôi đọc nhiều nhất 60 văn bản thì tính ra 3 năm chưa nghiên cứu hết. Trong khi đó mình cần minh bạch trong hệ thống là không cho tham nhũng tồn tại. Ví dụ, bản báo cáo đã nói “Muốn cho dòng suối trong thì đầu nguồn phải trong”. Vậy thử hỏi đầu nguồn trong chưa. Tuy nhiên, chưa phát hiện tham nhũng ở đầu nguồn cao nhất, nhưng kết luận đầu nguồn trong chưa thì chúng ta chưa kết luận.
Vậy, hiện nay vấn đề là minh bạch trong hệ thống chính trị, tổ chức chính trị. Cách tổ chức Minh bạch thế giới đi khảo sát thực tế là cách làm chúng ta có thể học tập. Tốt hơn hết, không để kẽ hở tham nhũng… Về giải pháp phòng gắn với cải cách hành chính, gắn với cơ sở, các cơ quan, đơn vị đều phải tích cực thực hiện.
Tham nhũng thì ai cũng thấy đó là giặc, là giặc dữ hay gọi là giặc tàng hình, khó chỉ tên, khó thấy mặt. Giặc này biến màu, biến màu như kỳ nhông.
Trong thực tế chống tham nhũng là khó vì dường như chống tham nhũng là chống xuống chứ ít khi thấy chống ngang và càng không thấy chống lên.
Cần coi chừng, trong khi chờ xong các thủ tục hành chính về chống tham nhũng kẻ tham còn đó thì người chống tham nhũng có khi đã bị chúng trả thù... Vậy nên phải có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng.
Song Thu