Công tác xây dựng đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên. Đảng bộ tỉnh có 184 TCCS đảng trong các loại hình doanh nghiệp, trong đó: 110 TCCS đảng doanh nghiệp nhà nước và 74 TCCS đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (60 TCCS đảng trong doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, có 5 TCCS đảng trong hợp tác xã, tổ hợp, có 9 TCCS đảng trong các công ty trách nhiệm hữu hạn). Đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp ở tỉnh 5.178, chiếm 9,18% đảng viên trong toàn tỉnh (Doanh nghiệp nhà nước 3.976 đảng viên, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có 1.081 đảng viên).

Những năm qua, các cấp uỷ đảng trong tỉnh đã chú trọng công tác phát triển đảng viên và củng cố các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU về “Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch số 87-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quy định số 288-QĐ/TW của Ban Bí thư về quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cho các đồng chí tỉnh uỷ viên, lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối doanh nghiệp tỉnh tổ chức quán triệt Kết luận của Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến các tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn và các chủ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX); Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 15-7-2002 về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 145-QĐ/TU, ngày 15-2-2011, về việc thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh; đa số các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ trong tỉnh đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở địa phương mình.

Thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 63-KH/TU, ngày 14-3-2013 về "Thực hiện thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”, chọn 7 đảng bộ trực thuộc để thí điểm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các Ban của Tỉnh uỷ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Liên đoàn lao động tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và ban thường vụ các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Đến tháng 6 năm 2013, toàn tỉnh đã kết nạp được 83 đảng viên, nâng số đảng viên đang sinh hoạt trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước lên 1.081 đảng viên; thành lập mới 15 chi bộ (13 chi bộ cơ sở và 2 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở xã, phường), chất lượng của các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở tỉnh Đắk Lắk còn những hạn chế và khó khăn: Là một tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất nhiều khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế chậm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đoàn thể nên còn e ngại trong việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp của mình. Các tổ chức đảng ở trong các doanh nghiệp đã duy trì hoạt động nhưng chưa thực sự hiệu quả, công tác tạo nguồn phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp vào Đảng còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cấp ủy kiêm nhiệm, năng lực công tác đảng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. 

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các cấp ủy đảngcần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và ý nghĩa của việc xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp; tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt nội quy, quy chế của doanh nghiệp, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, đoàn thể và phấn đấu để trở thành đảng viên, đoàn viên, hội viên.

2- Các cấp uỷ đảng tăng cường công tác chỉ đạo rà soát, nắm chắc số lượng, thực trạng tổ chức và sinh hoạt của tổ chức đảng trong từng doanh nghiệp để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng thi hành Điều lệ Đảng, thực hiện quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của loại hình doanh nghiệp, góp phần xây dựng doanh nghiệp và tổ chức đảng vững mạnh. Chú trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, xem xét kết nạp vào Đảng những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

3- Cấp uỷ cấp trên cơ sở chỉ đạo chuyển đảng viên đến sinh hoạt tại tổ chức đảng trong doanh chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc thành lập tổ chức đảng. Khi cần, cấp uỷ cấp trên gặp gỡ, thuyết phục chủ doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

4- Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên thì cấp uỷ cấp giao nhiệm vụ tổ chức đảng ở địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Tập trung kiện toàn nâng cao chất lượng các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, từ đó lựa chọn những quần chúng ưu tú giới thiệu cho cấp ủy, chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

5- Ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thường xuyên theo dõi để hỗ trợ và giải quyết những khó khăn của tổ chức đảng cũng như vướng mắc của doanh nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Có chính sách đối với cấp ủy và kinh phí chi cho hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất