Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), là trong 11 xã được Ban Bí thư chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Triển khai chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy xã Tân Thịnh đã quán triệt trong toàn Đảng bộ, các chi bộ và cán bộ, đảng viên, xây dựng nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo chặt chẽ chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện, Tân Thịnh đã đạt được những kết quả quan trọng, làm chuyển biến mạnh mẽ mẽ bộ mặt nông thôn ở Tân Thịnh.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ngày 5-8-2008 về xây dựng NTM, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang, Tân Thịnh đã tích cực bắt tay vào xây dựng NTM. Đảng ủy xã Tân Thịnh đã chỉ đạo thành lập Ban quản lý (BQL) xây dựng NTM do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng mảng công việc và phụ trách các thôn. Thành lập tổ thường trực BQL, tổ thẩm định dự toán thiết kế xã do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã phụ trách khối kinh tế làm tổ trưởng, thành lập Ban giám sát và tiểu BQL xây dựng NTM ở các thôn do đồng chí trưởng thôn làm trưởng tiểu ban. Thường trực BQL xây dựng NTM ở xã Tân Thịnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện đề án thí điểm xây dựng NTM ở xã, hạch toán cụ thể từng công việc, thời gian thi công, thời gian hoàn thành và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách. Đã ban hành quy chế quản lý về tài chính, về huy động nguồn lực trong nhân dân: Huy động sức dân dưới nhiều hình thức như tiền mặt, ngày công, hiến đất, vật liệu xây dựng, kêu gọi sự tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; toàn bộ tiền mặt của nhân dân đóng góp đều phải gửi vào tài khoản tạm gửi ở kho bạc không được để ở thôn xã; giao cho các thôn tự hạch toán từng hạng mục công trình, ưu tiên thứ tự thực hiện theo ý kiến nguyện vọng của nhân dân, công trình nào thu được đối ứng xong mới cho khởi công xây dựng. Thông qua hội nghị Đảng bộ, hội nghị ở các thôn, mở các lớp tập huấn để tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân hiểu được cơ cấu nguồn vốn, thấy được những thuận lợi, khó khăn, từ đó xác định được trách nhiệm của người dân để nhân dân có kế hoạch tham gia đóng góp vốn đối ứng xây dựng các hạng mục theo kế hoạch chi tiết đã được phân bổ. Hằng tháng tổ chức họp BQL để nắm bắt tiến độ, những vướng mắc ở thôn, ở xã để bàn biện pháp khắc phục. Tổ chức sơ kết và tổng kết theo kế hoạch của Trung ương và Ban chỉ đạo tỉnh Bắc Giang.
Trước khi xây dựng đề án, Tân Thịnh chỉ có 8 tiêu chí đạt so với Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, sau hơn 3 năm thực hiện đề án đã đạt thêm 10 tiêu chí, hiện nay đạt 18/19 tiêu chí (còn tiêu chí về môi trường). Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân như: Mô hình trồng cây thuốc lá cho thu nhập bình quân khoảng 90 triệu đồng/ha/vụ, tăng 40 triệu đồng; mô hình trồng rau chế biến cho thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/vụ, tăng 50 triệu đồng; mô hình chăn nuôi lợn gia trại theo quy trình an toàn sinh học với tổng đàn từ 70 đến 100 con doanh thu bình quân 152 triệu đồng/hộ/năm, tăng 70 triệu đồng so với năm 2009. Bên cạnh đó, một số mô hình sản xuất mới cũng được thực hiện như trồng hoa chất lượng cao, sản xuất nấm, lúa giống… cũng cho kết quả bước đầu khả quan. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất đã tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 11,9 triệu đồng năm 2009 lên 23 triệu đồng năm 2011, tạo điều việc làm cho hơn 400 lao động.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Tân Thịnh cũng quan tâm phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ, vận động các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Xã hiện có một doanh nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ xuất khẩu và một doanh nghiệp sản xuất mì theo công nghệ mới…
Các công trình về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, bưu điện, trụ sở UBND xã, chợ, xóa nhà tạm dột nát đã hoàn thành; 100% đường giao thông liên xã, liên thôn, nội thôn đã được cứng hóa tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa; 100% kênh mương của xã quản lý đã được cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất, thúc đẩy các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân; 12/12 thôn đã có khu trung tâm văn hóa, có cảnh quan môi trường sạch đẹp, các nhà văn hóa được cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện cho nhân dân hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, trên 60% các hộ đã được cải tạo nâng cấp nhà ở và 3 công trình vệ sinh, xây dựng gần 1.000 cổng theo mẫu chung đã tạo nên bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc.
Từ thực tiễn xây dựng NTM ở xã Tân Thịnh cho thấy:
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã và các chi bộ trong xây dựng NTM, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung tay xây dựng NTM. Mỗi tổ chức, mỗi đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên có vai trò, nhiệm vụ rõ ràng trong xây dựng NTM.
Coi trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM tao đồng thuận trong toàn Đảng bộ và hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn nhưng thực sự hợp lòng dân, do người dân nông thôn là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò tổ chức, khuyến khích và hỗ trợ. Tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích và duy ý chí.
Đảng ủy quan tâm lãnh đạo công tác quy hoạch và phải đi trước một bước, việc xây dựng đề án, kế hoạch phải thống nhất và bám sát quy hoạch, xây dựng đề án chính xác, trên cơ sở thực tế của thôn, của xã, xác định rõ những việc phải làm, cái gì trước, cái gì sau… định ra kế hoạch đúng. Tránh tư tưởng: “nhà nhiều - dân ít” (nhà nước đóng góp nhiều - nhân dân đóng góp ít), “xã nhiều - dân ít”, “chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… ít chú trọng phát triển sản xuất”. Nâng cao ý thức mỗi cán bộ, đảng viên - họ phải là những tuyên truyền viên vận động nhân dân coi việc xây dựng NTM là công việc của chính họ, là làm lợi cho họ.
Công khai minh, minh bạch trong quản lý tài chính, nhất là kinh phí dự án, mức phí cho từng dự án. Tài chính của thôn, xã được quản lý chặt chẽ trong kho bạc Nhà nước để chủ động trong công việc và tránh tình trạng gian lận, tham ô…
Làm tốt liên doanh, liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Chú trọng phát triển những sản phẩm thế mạnh, đã có thị trường tiêu thụ như thuốc lá, cà chua bi và nhiều sản phẩm khác...
Mở rộng dân chủ, tăng cường sự giám sát của người dân, người dân vào cuộc, giám sát từng công trình; mở rộng dân chủ từng thôn, do thôn quyết định cái gì cần làm trước, cái gì làm sau. Mọi hoạt động trong xây dựng nông thôn mới phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ, thực hiện triệt để nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi".
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, công tác kiểm tra, đôn đốc và đánh giá, rút kinh nghiệm cần được duy trì thường xuyên để kịp thời phát hiện, phổ biến cách làm mới, hiệu quả và những bất cập cần điều chỉnh.
Kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Thịnh cùng với việc mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân Tân Thịnh có đời sống văn hoá tinh thần phong phú, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong đó, điều quan trọng nhất là đã tăng cường, mở rộng và phát huy dân chủ ở nông thôn, mọi người dân đã thực sự quan tâm đến việc chung của thôn, xã, ý thức cộng đồng được nâng lên rõ rệt, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết; vai trò của người dân thể hiện rõ qua tham gia ý kiến, giám sát từ khâu quy hoạch đến các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; chủ động, tự giác tham gia các sinh hoạt văn hoá, đầu tư cải tạo vườn tạp, công trình vệ sinh, xây dựng cổng ngõ, chỉnh trang nhà ở sạch đẹp và trực tiếp tham gia đóng góp sức người sức của xây dựng nông thôn mới, người dân thêm yêu quê hương và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thôn xóm ổn định và phát triển.
Nguyễn Văn Hùng
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh