Thị xã Đông Triều (trước đây là huyện Đông Triều, trở thành thị xã từ ngày 11-3-2015) nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 397,2 km2 , dân số gần 180.000 người. Thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đông Triều gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực nông thôn. Sau 5 năm tích cực triển khai, Đông Triều đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Đông Triều, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị. Do vậy, triển khai Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã (khóa 23) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 21-12-2010 về “xây dựng nông thôn mới Đông Triều đến năm 2020”. Sau đó, cấp ủy các địa phương cũng ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phòng, ban của thị xã đều có chương trình, kế hoạch triển khai nghị quyết. Tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, thị xã về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ thị xã đến cơ sở; chỉ đạo tổ chức hội nghị cấp xã, thôn để quán triệt tới chi bộ, cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đông Triều đã lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều đổi mới và những đột phá tích cực, quyết liệt, sáng tạo, bám sát thực tiễn địa phương. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Đông Triều đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; lập Đề án xây dựng nông thôn mới của 19 xã; quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của thị xã; quy hoạch khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường hoạt động liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Kết quả đạt được
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 01, Đông Triều đã huy động tổng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên 28.500 tỷ đồng. Các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có bước phát triển; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế với một số thương hiệu như: Nếp cái hoa vàng Đông Triều, Na Đông Triều, Sữa Đông triều… Hằng năm, giải quyết việc làm và dạy nghề cho trên 2.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn thị xã đạt 66%.
Diện mạo nông thôn của thị xã Đông Triều đã đổi thay nhanh chóng, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn tăng từ 14,5 triệu đồng (2010) lên 27,9 triệu đồng (2014). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,63% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt về thời gian, chất lượng như: 100% số xã có đường liên xã, trục xã, liên thôn (174,4 km) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới. Xây mới 29 trường học, hoàn thành và đưa vào sử dụng 50 phòng học thông minh. Đầu tư và xây mới 87 nhà văn hóa, sửa chữa lớn 48 nhà. An sinh xã hội được bảo đảm. An ninh trật tự được củng cố và giữ vững. Năm 2015, cùng với các huyện Xuân Lộc, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Đơn Dương (Lâm Đồng), Hải Hậu (Nam Định), Thị xã Đông Triều đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiệm vụ trọng tâm
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01 về xây dựng nông thôn mới ở thị xã Đông Triều, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, khó khăn, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã chú trọng lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vận động sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng phát triển đô thị.
Hai là, tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 cho phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và đầu tư, phát triển hạ tầng thiết yếu.
Ba là, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Huy động các nguồn vốn từ các kênh tín dụng để tập trung cho vay và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bốn là, thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Chú trọng liên kết vùng thu hút đầu tư phát triển mạnh chuỗi dịch vụ du lịch gắn với khai thác, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt - Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều và các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn.
Năm là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các nhà văn hóa, sân thể thao ở các thôn; sân vận động trung tâm xã, nhà thi đấu đa năng. Tạo điều kiện để cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Xây dựng mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự trong thôn, xóm; xây dựng hương ước, nêu cao tính tự giác, đoàn kết trong cộng đồng.
Sáu là, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ cơ sở và đội ngũ cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới về kiến thức chuyên môn, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy biên chế” (Đề án 25) để nâng cao chất lượng cán bộ; bố trí công chức xã chuyên trách thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Bá Thắng và TL