Ngày mới Đam Rông
Đại hội Thể dục thể thao ở Đam Rông, tháng 5-2013.

Vượt qua khó khăn ban đầu

Sau khi được Chính phủ đưa vào diện là một trong 62 xã nghèo của cả nước (huyện 30a), Đam Rông nhận đựợc sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh Lâm Đồng và sự hỗ trợ của các bộ ngành, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từ đó có điều kiện để vươn lên phát triển.

Đến nay, sau 10 năm thành lập, bộ mặt của huyện Đam Rông đã nhiều thay đổi. Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất đạt 8.709 tỷ đồng; trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 5.752 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng 967 tỷ đồng, thương mại dịch vụ 1.988 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,9%; GDP bình quân đầu người (cuối năm 2014) đạt 24,1 triệu đồng, tăng gần 6 lần so với năm 2005. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 1.972 tỷ đồng.

Về văn hóa - xã hội: tỷ lệ hộ nghèo từ 73,2% (năm 2005) giảm chỉ còn 9,65% cuối năm 2014; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm từ 82,5% xuống còn 15,8%; số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 94,5%. Có 3 trạm y tế xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia; 8/8 xã có bác sỹ; 100% trường học được xây dựng kiên cố; có 4/37 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; trên 85% thôn, 74,5% cơ quan đạt chuẩn văn hoá; trên 70% số hộ đạt gia đình văn hoá, có 1 xã đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh...

Về đầu tư phát triển, với tổng vốn được bố trí từ nguồn vốn ngân sách trong 10 năm là 1.083 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng 407 công trình, tập trung vào các công trình thiết yếu như: hệ thống đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc, cơ sở y tế, văn hóa và xây dựng khu Trung tâm hành chính huyện. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đồng bộ. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2014 là 1.374 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách nhà nước 24,3 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình khác 707,4 tỷ đồng; nguồn vốn tài trợ 81,1 tỷ đồng; nguồn vay tín dụng 540,9 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tài sản, công sức tương đương số tiền 20,1 tỷ đồng, 11.661 ngày công lao động, 102.596 m2 đất xây dựng và 1.700 cây trồng các loại để xây dựng các công trình dân sinh, công cộng.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Đảng bộ huyện Đam Rông chú trọng phát huy tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng bộ, tập trung công tác xây dựng đảng thực sự trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh làm “chỗ dựa” để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những năm đầu mới thành lập, phần lớn cán bộ lãnh đạo của huyện Đam Rông được tăng cường từ các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng về đây “đồng cam cộng khổ” để xây dựng huyện từng bước phát triển. Những năm gần đây, Đảng bộ huyện Đam Rông đã gắn công tác xây dựng đảng với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đảng bộ chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền. Đảng bộ thường xuyên quan tâm công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, đặc biệt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tuyển dụng và bố trí cán bộ trẻ, cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân... Nhờ đó, chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Từ lúc chỉ có 400 đảng viên sinh hoạt tại 21 tổ chức cơ sở đảng (năm 2005), đến nay toàn Đảng bộ huyện Đam Rông có 1.310 đảng viên, với 32 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Cùng với sự phát triển, lớn mạnh về tổ chức, uy tín của Đảng và tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được khẳng định trong thực tiễn công tác, được nhân dân tin tưởng.

Từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ huyện Đam Rông đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; một trong những phương pháp đó là tổ chức chào cờ sáng thứ hai đầu tuần gắn với báo cáo kiểm điểm, tự phê bình của từng đảng viên, cán bộ theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh mỗi cá nhân tự báo cáo kiểm điểm, có ý kiến phản biện của tổ giúp việc của Huyện ủy. Đây là mô hình có hiệu quả trong công tác xây dựng đảng của Đam Rông đang được Tỉnh uỷ Lâm Đồng nghiên cứu nhân rộng.

Về Đam Rông trong những ngày thu tháng tám, đi dưới những con đường mới còn thơm mùi nhựa, hai bên đường xanh ngút ngàn những vườn cà phê trĩu quả, nghe tiếng cười trong trẻo các cô gái Kơ Ho trong đêm hội mùa… mới thấy hết sức sống của một vùng đất mới đang gọi mời.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất