Là một tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn (152 xã, 20 phường, 12 thị trấn). Số cán bộ chuyên trách cấp cơ sở có 2.195 người, trong đó nữ chiếm 16,5%, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 25%. Số công chức chuyên môn là 2.032 người (nữ 27,1%, cán bộ người DTTS 14,4%).
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung và việc đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở nói riêng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo tổ chức quán triệt và thực hiện các Quy định 94 và 95-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương về quy định chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn; chỉ đạo xây dựng bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp uỷ và xác định rõ mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở thông qua Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 17-9-1999 của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện; Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 10-7-2002 về tăng cường cán bộ cho xã, phường, thị trấn; Chỉ thị 14-CT/TU, ngày 19-9-2002 về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, khối phố; Kế hoạch số 11a-KH/TU ngày 17-7-2006 về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Đảng đoàn HĐND và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các quyết định, chương trình, chính sách của Chính phủ từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở từng bước được nâng lên. Cụ thể: năm 2002, toàn tỉnh có 207 xã, phường, thị trấn, có 30,9% HĐND, 25,1% UBND xã, phường, thị trấn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 42,5% HĐND, 45,9% UBND hoàn thành tốt nhiệm vụ; 26,1% HĐND, 28,5% UBND hoàn thành nhiệm vụ; 0,5% HĐND, 0,5% UBND chưa hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2011, toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn (do chia tách qua tỉnh Đắk Nông) có 41,8% HĐND, 38,6% UBND xã, phường, thị trấn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 34,2% HĐND, 38,0% UBND hoàn thành tốt nhiệm vụ; 23,9% HĐND, 23,4% UBND hoàn thành nhiệm vụ; không có HĐND, UBND chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Cấp ủy cơ sở đã thể hiện được vai trò lãnh đạo, xây dựng HĐND và UBND, tạo điều kiện để HĐND thực hiện chức năng là cơ quan quyền lực, đại diện cho nhân dân và chức năng giám sát hoạt động của UBND cấp cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của cấp ủy đồng cấp, nhất là lĩnh vực sử dụng đất đai, quỹ công, tài sản công… Kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, giúp UBND thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền được giao. Hoạt động của chính quyền cơ sở đã dần đi vào nền nếp, tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính. Việc xây dựng văn phòng “một cửa” và một cửa liên thông đã phát huy hiệu quả, giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc được giao, chủ động hơn trong công tác, xử lý các tình huống nảy sinh từ cơ sở.
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, nhất là việc cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tế địa phương ở một số nơi còn lúng túng, bị động, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền ở một số cơ sở còn thiếu năng động, nhạy bén, chậm đổi mới, có nơi còn biểu hiện trông chờ, quan liêu, thiếu dân chủ. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở nhìn chung còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Trên 22,2% cán bộ chuyên trách và 2,8% công chức chuyên môn chưa được đào tạo về chuyên môn. Chế độ, chính sách cán bộ công chức ở cơ sở còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nguồn cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ về cơ sở công tác.
Để đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, các cấp ủy đảng thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
1. Nhận thức đúng vai trò quan trọng của chính quyền cơ sở. Đây là cấp thấp nhất, nhưng là cấp gần dân nhất trong bộ máy chính quyền của Nhà nước, là đầu mối đóng vai trò trực tiếp thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tiếp thu ý kiến của nhân dân để báo cáo với Đảng và Nhà nước. Cần kịp thời nắm bắt tư tưởng trong nhân dân, tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cách mạng cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hoá, tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, nông thôn giàu mạnh.
2. Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; công khai các hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Các cấp uỷ đảng lãnh đạo chính quyền cơ sở cụ thể hoá các chủ trương chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; không ngừng cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
3. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm để nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể một cách thiết thực. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí ở cơ sở. Quản lý và phát huy tốt mô hình cải cách thủ tục hành chính “một cửa” và “một cửa liên thông” đảm bảo không bị ách tắc, tránh gây phiền hà cho nhân dân.
4. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các kỳ họp, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với chính quyền cơ sở; nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, kịp thời phản ánh những vấn đề tồn tại ở cơ sở để đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong cộng đồng dân cư, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày thành điểm nóng.
5. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở vững mạnh về nhận thức chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Thường xuyên thực hiện tốt việc rà soát bổ sung quy hoạch, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở, nhất là trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, quản lý đất đai, vấn đề dân tộc, tôn giáo… cho đội ngũ cán bộ này. Chú trọng bồi dưỡng theo chức danh và kỹ năng xử lý tình huống ở cơ sở. Xây dựng chính sách hợp lý để hỗ trợ thêm cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố ngoài những chế độ quy định của Trung ương để họ an tâm công tác, tận tâm với công việc. Thực hiện tốt chủ trương lấy ý kiến nhận xét đánh giá của nhân dân trong quy trình bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ lãnh đạo chính quyền ở cơ sở.
6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, kịp thời đưa ra kế hoạch, biện pháp chỉ đạo cụ thể giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, ách tắc. Đối với các địa phương yếu kém, cần xác định đúng nguyên nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, giải quyết dứt điểm những nơi nội bộ mất đoàn kết, yếu kém kéo dài. Thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh về đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chính quyền cơ sở, để số cán bộ này vừa có điều kiện tiếp cận nắm bắt thực tiễn vừa để giúp cơ sở xây dựng, tạo nguồn cán bộ.
Nguyễn Phú Lập
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk