Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, có đường biên giới dài 270 km, khu vực biên giới của tỉnh gồm 22 xã, 224 bản, thuộc 3 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, có 10 dân tộc anh em sinh sống. Địa hình các xã biên giới chia cắt, địa bàn rộng, trên 70% diện tích có độ dốc trên 15%; giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (63,67%), tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ trên 80%.
Đến nay mới có 10/22 xã thành lập đảng bộ cơ sở, 116/224 thôn, bản có chi bộ đảng với 974 đảng viên. Chất lượng hoạt động của cấp ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể từ xã đến bản còn nhiều hạn chế, hằng năm có từ 3-4 chi, đảng bộ cơ sở thuộc diện yếu kém; hiện còn 47,08% cán bộ trình độ tiểu học, 82,8% chưa qua đào tạo về chuyên môn, 58,18% chưa qua đào tạo về lý luận chính trị.
Từ thực trạng hệ thống chính trị các xã biên giới, Đảng bộ tỉnh xác định tập trung lãnh đạo xây dựng các tổ chức cơ sở đảng các xã biên giới, bảo đảm lãnh đạo giữ vững chủ quyền biên giới, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn... Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề giành cho các xã khu vực biên giới: Nghị quyết “Về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã biên giới đến năm 2010 và những năm tiếp theo”; “Về phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2007-2015” và một số nghị quyết khác có liên quan đến khu vực biên giới như: Nghị quyết “Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2006-2010”; “Tăng cường chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng tại các thôn, bản chưa có chi bộ” (giai đoạn 2006-2010)…
Đồng thời, Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường cán bộ của huyện xuống giúp xã; luân chuyển cán bộ tỉnh, cán bộ biên phòng xuống giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã, ban hành các chính sách giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức xã có trình độ thấp, năng lực hạn chế nghỉ hưu trước tuổi, tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ vào thay thế. Quan tâm chăm lo củng cố hệ thống chính trị xã, bản. Tạo nguồn phát triển đảng viên; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thí điểm đưa đảng viên các đồn biên phòng về sinh hoạt với chi bộ thôn, bản; tăng cường các lực lượng xuống nắm tình hình cơ sở.
Kết quả sau 8 năm (từ năm 2004 đến nay), hoạt động của hệ thống chính trị có những bước chuyển biến tích cực; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên, đến nay tỷ lệ cán bộ công chức xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 39,6% (năm 2004 là 7,93%); trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên chiếm 31,3% (năm 2004 là 9,25%). Tăng cường, luân chuyển 7 cán bộ huyện, 13 cán bộ biên phòng xuống các xã giữ các chức vụ chủ chốt (2 bí thư đảng uỷ, 10 phó bí thư thường trực đảng ủy, 2 thường trực đảng ủy; 2 chủ tịch UBND, 4 phó chủ tịch UBND); tập trung vào việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các xã biên giới.
Đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức đảng: Từ năm 2004 đến nay đã kết nạp được 894 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 1.868 đảng viên. Chất lượng đảng viên từng bước được nâng lên: 72% có trình độ văn hóa THCS trở lên, 35,7% có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên; 21,6% có trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên. Tăng dần tỷ lệ đảng viên là người dân tộc (80,9%), đảng viên nữ (16,3%), một số dân tộc ít người trước đây chưa có đảng viên đến nay đã có đảng viên (Mảng 84, La Hủ 192 đảng viên). Đến nay 100% các thôn, bản có đảng viên, thành lập mới 68 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 184/224 thôn, bản có chi bộ đảng; nâng cấp 11 chi bộ cơ sở xã lên thành đảng bộ cơ sở, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài đối với đảng bộ một số xã.
Các cấp uỷ cơ sở đã thực hiện nghiêm túc việc xây dựng quy chế và làm việc theo quy chế, gắn công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương; chi bộ thôn, bản từng bước thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, đặc biệt phát huy những đảng viên là già làng, trưởng thôn bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Vận dụng thí điểm Quy định 76-QĐ/TW, ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” các cấp ủy đã giới thiệu các chiến sĩ ở Đội xây dựng cơ sở của quân đội là đảng viên đóng trên địa bàn xuống tham gia sinh hoạt với các chi bộ thôn, bản còn ít đảng viên, chưa có chi bộ để tăng cường sự lãnh đạo của đảng ở cơ sở.
Từ kết quả công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các xã biên giới, Lai Châu rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, thường xuyên làm tốt việc quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc các xã biên giới, coi đây là nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính lâu dài.
Ba là, thường xuyên chăm lo củng cố hệ thống chính trị, coi trọng xây dựng quy hoạch cán bộ, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ sở.
Bốn là, chăm lo làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức đảng; tập trung những nơi còn ít đảng viên, chưa có chi bộ và các chi bộ còn sinh hoạt ghép; chú trọng kết nạp đảng viên tại chỗ để có đủ điều kiện thành lập chi bộ độc lập, có tính bền vững. Sau kết nạp có kế hoạch đào tạo văn hóa cho đảng viên đảm bảo tiêu chuẩn đúng quy định.
Năm là, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc trong cấp ủy và đảng viên. Coi trọng phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp uỷ, bí thư chi bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định; nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ cụ thể, thiết thực, gắn liền với thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Sáu là, cấp uỷ, đảng viên được phân công phải thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm chắc những ưu điểm, hạn chế của từng tổ chức cơ sở đảng để tham mưu, đề xuất và hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời. Các huyện biên giới phối hợp tốt với Đảng uỷ Biên phòng tỉnh điều động cán bộ, đảng viên có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia cấp uỷ ở tổ chức cơ sở đảng yếu kém kéo dài. Đồng thời, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên.
Phúc Sơn (tổng hợp)