Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn ở Đồng Tháp
Hội nghị giao ban thường trực cấp ủy huyện, thị, thành... tỉnh Đồng Tháp, quý II năm 2012.

Thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 (khoá IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã xây dựng Chương trình hành động số 33-CTr/TU và triển khai, quán triệt trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện ủy, thị, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ xây dựng các hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của cấp ủy xã, phường, thị trấn; quy chế làm việc của các loại hình chi bộ trực thuộc; hướng dẫn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn... đối với cán bộ nói chung và xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) nói riêng; đồng thời giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo dõi chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và sơ, tổng kết trong quá trình thực hiện.

Qua 10 năm triển khai thực hiện đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở cấp xã. Cấp uỷ, uỷ ban nhân dân, uỷ ban mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, ngày càng thể hiện hạt nhân chính trị cơ sở trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; chăm lo đời sống của nhân dân, sát với dân, chú ý lắng nghe nhân dân góp ý về xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; củng cố được lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phục vụ nhân dân ngày càng được nâng lên và tốt hơn; cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc ở cấp xã được quan tâm đầu tư từng bước, giữ vững sự ổn định trong hoạt động của hệ thống, chăm lo đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng ở địa phương. 

Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ

Căn cứ các hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa bí thư cấp uỷ, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân, chủ tịch mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu các đoàn thể, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể theo quyền hạn, trách nhiệm của mình đề ra các giải pháp, tổ chức thực hiện sát thực tiễn hơn, khắc phục dần tình trạng chồng chéo công việc dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm; đồng thời thực hiện cơ chế bí thư cấp ủy đối thoại với nhân dân đã mang lại hiệu quả tích cực.

Công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ, công chức được đổi mới và chỉ đạo sát sao của cấp ủy cấp trên ngay từ năm đầu của từng nhiệm kỳ đại hội và thực hiện điều chỉnh quy hoạch hằng năm theo quy trình, tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, thử thách. Đồng thời, lãnh đạo cấp uỷ cơ sở xây dựng đề án tinh giản, kiện toàn bộ máy cấp xã bố trí kiêm nhiệm các chức danh để tinh gọn bộ máy, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và thực hiện thí điểm chủ trương này cùng với chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã.

Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trước hết đã làm chuyển biến tích cực đến phương thức điều hành của chính quyền cơ sở, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Tính dân chủ, công khai và thực hiện cải cách hành chính được thực hiện tốt, nhất là việc thông báo, niêm yết công khai các thủ tục hành chính của nhà nước có liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân được uỷ ban nhân dân xã niêm yết trước trụ sở cơ quan; thực hiện cơ chế “Một cửa”, phân công cán bộ tiếp dân và thực hiện lịch tiếp dân của chủ tịch uỷ ban nhân dân. Các chủ trương ở cơ sở về huy động sức dân ngày càng công khai, minh bạch và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.

Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân ở cơ sở chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc hoà giải, xử lý các nội dung khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, do đó các mô hình tổ hoà giải, tổ dân phòng - khuyến học ở khóm, ấp, ban hoà giải ở cấp xã được quan tâm thường xuyên củng cố và phát huy mạnh mẽ nhằm giải quyết thành công các vụ việc phát sinh từ cơ sở, hạn chế chuyển cấp và gửi đơn thư vượt cấp thuộc thẩm quyền cấp cơ sở; đồng thời gắn kết thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới với thực hiện quy ước ở khóm, ấp cũng đã góp phần hạn chế mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những điểm nóng ở cơ sở.

Đổi mới công tác mặt trận và các đoàn thể

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và kiện toàn tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đến năm 2015”, hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở đã có nhiều đổi mới, mạng lưới làm công tác dân vận, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể mở rộng đến các khóm, ấp; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền vận động tập hợp, tỷ lệ quần chúng được tập hợp vào các tổ chức ngày càng tăng; nội dung, phương thức hoạt động luôn được đổi mới phù hợp với cơ sở, khắc phục tình trạng hành chính hóa, nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đổi mới sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở

Định kỳ 6 tháng một lần, cấp uỷ cấp trên trực tiếp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của cấp uỷ, rút kinh nghiệm nơi thực hiện tốt, kịp thời uốn nắn những nơi thực hiện chưa tốt. Cấp uỷ viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm xây dựng đảng bộ, chi bộ nơi sinh hoạt và gương mẫu tham gia sinh hoạt chi bộ, chịu trách nhiệm khi đảng bộ, chi bộ nơi mình sinh hoạt yếu kém, khắc phục tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên đối với cơ sở, của chi bộ đối với đảng viên. 

Đạt được kết quả trên là do hầu hết các cấp uỷ, tổ chức đảng trong tỉnh nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới phương thúc lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bám sát Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và các văn bản cụ thể hoá của cấp mình; kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định: Một số nơi chưa thực hiện tốt việc điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc; một số phong trào quần chúng chưa đi vào chiều sâu; công tác nắm bắt tình hình quần chúng một số nơi còn hạn chế; việc bố trí cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp, từ đó làm hạn chế đến hiệu quả công việc, cán bộ không phát huy được sở trường đã được đào tạo.

Những kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết ở địa phương, cơ sở

Các cấp ủy thường xuyên bổ sung và thực hiện tốt quy chế làm việc; xác định rõ chức năng, trách nhiệm, và quyền hạn của các bộ phận, những người đứng đầu và mối quan hệ công tác của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động là nhân tố quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát cơ sở, các cơ quan chuyên môn, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp trên phối hợp thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp cơ sở tháo gỡ những vướng mắc, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục những sai sót nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức tại cơ sở.

Xây dựng được đội ngũ cán bộ đảng viên cơ sở có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống trong sạch, nhất là cán bộ chủ chốt thật sự có năng lực lãnh đạo, điều hành, tiêu biểu, gương mẫu; khi cần thiết, có thể tăng cường cán bộ cấp trên về củng cố; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp về chế độ, chính sách, điều kiện phương tiện làm việc là động lực thúc đẩy sự phấn đấu thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với tổ chức cá nhân trong hệ thống; đồng thời thường xuyên sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Quan tâm công tác tư tưởng chính trị, thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác cho cấp uỷ, cán bộ, đảng viên trong điều kiện mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất