Một số giải pháp nâng cao chất lượng cấp ủy đảng ở cơ sở

Hiện nay, toàn Đảng có hơn 57.000 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có hơn 23.000 đảng bộ cơ sở và hơn 34.000 chi bộ cơ sở, hơn 230.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Trong tổng số tổ chức cơ sở đảng trên có thể phân theo năm loại hình cơ bản: ở xã, phường, thị trấn có hơn 11.000 tổ chức cơ sở đảng; cơ quan hành chính có hơn 18.000; các loại doanh nghiệp có hơn 10.000; các đơn vị sự nghiệp có gần 7.000; lực lượng vũ trang có gần 8.500. Với 23.000 đảng bộ cơ sở thì cũng có chừng ấy cấp ủy đảng cơ sở, nhiều nhất là ở cơ quan hành chính, sau đó là ở xã, phường, thị trấn, kế đến là ở các loại doanh nghiệp.

Thời gian qua, đa số cấp ủy cơ sở trưởng thành khá vững vàng về nhiều mặt, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở tiếp tục được đổi mới…

Bên cạnh đó cũng còn không ít cấp ủy cơ sở có những hạn chế như chất lượng lãnh đạo chưa cao, bí thư cấp ủy chưa phát huy hết vai trò của mình, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu còn thấp, công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nề nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt… Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chất lượng cấp uỷ chưa cao. 

Từ thực trạng có thể đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng của cấp ủy đảng cơ sở sau đây:

Một là, cấp ủy viên được bầu phải thật sự là người tiêu biểu, thực đức, thực tài.

Việc giới thiệu ứng viên để bầu vào cấp ủy cần có ý kiến rộng rãi của từng chi bộ. Thậm chí, có thể mở rộng để quần chúng giới thiệu. Trong đại hội, trước khi bầu cấp ủy mới cần chỉ rõ tiêu chuẩn cấp ủy viên, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng ứng viên để đại biểu có sự lựa chọn đúng đắn, tránh chủ quan cảm tính.

Trong việc bầu cấp ủy, yếu tố có ý nghĩa quyết định chất lượng của cấp ủy là tiêu chuẩn, phải là những người tiêu biểu nhất của đảng bộ, thực đức, thực tài. Muốn có được cấp ủy mới ở cơ sở vừa đủ tiêu chuẩn vừa đảm bảo cơ cấu thì cần có sự chuẩn bị một cách chủ động với tầm nhìn xa. Chẳng hạn, trong cấp ủy cần có cấp ủy viên là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số… thì phải quan tâm chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng từ rất sớm để đến khi bầu họ đã có đủ tiêu chuẩn, không gượng ép, không vì cơ cấu châm trước tiêu chuẩn. Những cán bộ trong diện cơ cấu phải nỗ lực vươn lên, hoàn thiện tiêu chuẩn về mọi mặt theo yêu cầu của chức danh thì mới được giới thiệu vào các chức danh ấy.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI yêu cầu: “Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời  thay thế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”. Trong quá trình hoạt động của cấp ủy cơ sở, cần nhanh chóng thay thế đối với những cấp ủy viên yếu về năng lực, kém về phẩm chất, hoạt động ít hiệu quả hoặc không hoạt động, vi phạm tư cách, thoái hóa, biến chất... nhằm đảm bảo sự hoạt động đều tay của cấp ủy.

Hai là, nâng cao năng lực và phát huy vai trò của bí thư.

Bí thư cấp uỷ là hạt nhân chủ chốt, người chịu trách nhiệm cao nhất của đảng uỷ. Bí thư phải là người tiêu biểu nhất của đảng bộ. Bầu bí thư cần đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, đạo đức lối sống, phong cách lãnh đạo. Cố gắng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và lựa chọn sao cho người bí thư đảng ủy cơ sở đạt được các yêu cầu cơ bản: Có bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của cấp trên vào thực tiễn cơ sở; chủ động xây dựng, chỉ đạo điều hành đảng bộ; có năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, nghị quyết; có tác phong khoa học, dân chủ, tập thể; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm; phải sâu sát thực tế cơ sở, gắn bó với nhân dân, có năng lực làm công tác quần chúng; có uy tín và khả năng quy tụ, đoàn kết trong cấp ủy, trong đảng bộ và quần chúng.

Thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng tri thức, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Thực hiện chủ trương trên gắn với việc xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát để ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán.

Ba là, ra nghị quyết đúng đắn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát tốt.

Để ra nghị quyết đúng đắn, cấp ủy cơ sở phải am hiểu lý luận, nắm vững nghị quyết của Trung ương và đảng bộ cấp trên, gần nhất là cấp huyện hoặc tương đương; phải am tường chính sách, pháp luật của nhà nước; phải hiểu rõ thực tiễn và những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn tại cơ sở của mình thông qua điều tra, nghiên cứu, khảo sát; phải nghiên cứu kinh nghiệm của các cấp ủy cơ sở đồng cấp, cấp trên, trung ương và nước ngoài; phải xuất phát từ ý chí nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trên cơ sở có nghị quyết đúng đắn, đảng ủy có kế hoạch và chương trình hành động để thực hiện nghị quyết. Trong quá trình đó phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết; qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, xử lý những trường hợp sai sót hoặc vi phạm và rút kinh nghiệm kịp thời

Bốn là, xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc khoa học.

Tác phong làm việc khoa học của cấp uỷ và người lãnh đạo được thể hiện qua những yếu tố: biết xây dựng và kiên trì thực hiện đúng quy chế hoạt động của cấp uỷ, người lãnh đạo, ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết; lập kế hoạch chương trình công tác; tổ chức thực hiện kế hoạch, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; có tinh thần, thái độ độc lập, tự chủ, trung thực, nghiêm túc, sáng tạo; có cách thức, phương pháp làm việc khoa học, phù hợp, nắm vững thực chất sự việc, tôn trọng và tuân theo quy luật khách quan, có tầm nhìn xa, sâu rộng…

Để làm việc một cách khoa học và có lề lối nghiêm túc cần phải xây dựng và thực hiện đúng quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở. Khi xây dựng quy chế làm việc cần phải thống nhất với quy chế và các quy định của cấp trên, kế thừa quy chế của đảng bộ cùng cấp các khóa trước và bổ sung thêm những nội dung mới của đảng bộ lần này. Trong quá trình xây dựng quy chế, cấp ủy cơ sở cần lấy ý kiến của các chi ủy chi bộ trực thuộc, của đảng viên. Sau khi hoàn thiện, phải quán triệt cho cấp ủy và toàn thể đảng bộ. Từng cấp ủy viên cần nắm vững những quy định về trách nhiệm và quyền hạn của mình của các cơ quan lãnh đạo tập thể để thực hiện cho đúng. Tất cả đảng viên trong đảng bộ cơ sở cũng phải hiểu biết quy chế để thực hiện đúng trong quan hệ công tác và hoạt động. Cấp ủy và bí thư đảng ủy cơ sở nắm vững và làm việc theo quy chế, đồng thời thường xuyên nhắc nhỡ, điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong thực hiện quy chế.

Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở.

Chất lượng sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cấp ủy. Cấp ủy cần sinh hoạt một cách đều đặn theo điều lệ, quy chế và kế hoạch công tác; Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ “Đảng ủy, chi ủy cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần”. Trước mỗi kỳ họp cần chuẩn bị chu đáo, các văn bản cần thảo luận phải được gửi trước cho từng cấp ủy viên. Phát huy dân chủ, công khai trong họp cấp ủy, bảo đảm cho từng cấp ủy viên và đảng viên được phát biểu ý kiến. Cấp ủy đảng cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến cấp dưới, ngăn ngừa và kiên quyết chống những biểu hiện độc đoán, gia trưởng, truy chụp, nể nang, thiếu trung thực; không định kiến, thành kiến với những người có ý kiến bảo lưu. Cùng với các cấp trên, cấp ủy cơ sở phải thường xuyên và “nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế” theo tinh thần  Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng". 

Sáu là, đào tạo căn bản, bồi dưỡng định kỳ cho cấp ủy viên.

Để nâng cao trình độ, năng lực, phong cách làm việc khoa học của cấp ủy đảng ở cơ sở, trước hết các cấp ủy viên đã phải được đào tạo một cách căn bản để đạt tiêu chuẩn. Sau khi được bầu vào cấp ủy mới, họ rất cần được bồi dưỡng để làm việc có hiệu quả. Do vậy rất cần định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho bí thư, phó bí thư và các cấp ủy viên. Sau đại hội, cần thiết mở ngay các lớp bồi dưỡng và trong nhiệm kỳ cũng cần nhiều lớp bồi dưỡng. Nên chăng quy định rõ, các cấp ủy viên cần được bồi dưỡng một số tiết học nhất định trong nhiệm kỳ hoặc hàng năm để họ cố gắng tham gia đầy đủ. Cần có những lớp riêng dành cho từng chức danh: bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ. Các chương trình bồi dưỡng cho cấp ủy cơ sở rất cần thiết có một số nội dung cơ bản như: bổ sung những tri thức mới trong lý luận và tổng kết thực tiễn, những vấn đề mới trong đường lối, chính sách; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thực hành, kỹ năng tác nghiệp trong từng chức danh cụ thể của từng cấp ủy viên; đặc biệt cần có những báo cáo điển hình của một số cấp ủy cơ sở khác để người học tham khảo; trong quá trình bồi dưỡng rất cần có sự chia sẻ kinh nghiệm của học viên ngay trong lớp học; thông qua các lớp bồi dưỡng cũng rèn luyện thêm phong cách làm việc khoa học và kỷ luật, kỷ cương cho các cấp ủy viên của đảng bộ cơ sở.      

Trên đây là một số giải pháp cơ bản xuất phát từ yêu cầu thực tế nhằm nâng cao chất lượng của cấp ủy đảng ở cơ sở, góp phần vào việc xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo trước toàn xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất