Đào tạo nghề cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự
10 năm qua, quán triệt nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương tích cực xây dựng chính sách, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động xã hội, trong đó ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN), các cơ sở đào tạo nghề quân đội có bước phát triển về năng lực quản lý, tổ chức đào tạo.

Hằng năm, các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm (TTDN và GTVL) hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao; tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ; từng bước phát triển quy mô ngành nghề và đa dạng hoá loại hình đào tạo, tận dụng cơ sở vật chất, mở rộng liên kết trong và ngoài nước; phát huy thế mạnh về cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức quản lý chính quy, tạo môi trường tin cậy, có tác dụng thu hút, thúc đẩy việc học tập, rèn luyện và tăng nhanh số lượng học viên, giải quyết một phần công tác đào tạo nghề và việc làm cho BĐXN, các đối tượng chính sách xã hội. Công tác đào tạo nghề đã có kết quả tích cực:

Một là, mạng lưới các cơ sở dạy nghề trong quân đội đã được quy hoạch và công tác đào tạo nghề được quản lý thống nhất.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về dạy nghề trong “Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010” và Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ngày 14-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002-2010, Bộ Quốc phòng đã quy hoạch và mở rộng mạng lưới dạy nghề trong quân đội với nhiệm vụ chính là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN, các đối tượng chính sách xã hội (CSXH) và đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Đến nay, hệ thống giáo dục trong quân đội đã có 4 trường cao đẳng nghề (CĐN), 17 trường trung cấp nghề (TCN), 8 TTDN và GTVL. Cơ sở đào tạo nghề được giao cho các đơn vị quản lý và phân bố trong phạm vi cả nước. Đa số các trường nằm trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế của cả nước, nơi có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, có điều kiện để mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo.

Đáp ứng nhu cầu thực tế, các cơ sở đào tạo nghề trong quân đội từng bước mở thêm nghề đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, tăng lưu lượng học viên đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển dần từ đào tạo ngắn hạn (dưới 12 tháng) sang đào tạo ở trình độ cao đẳng và trung cấp (9 nghề ở trình độ cao đẳng và 37 nghề ở trình độ trung cấp) và mở rộng liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài quân đội.

Hai là, công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Từ năm 2001-2010, đã đào tạo được 958.553 học viên, gồm: 13.350 CĐN, 47.870 TCN, 821.637 sơ cấp nghề. Trong đó có 404.415 BĐXN (chiếm 42%); 302.408 đối tượng CSXH (31,5%); liên kết đào tạo 52.175 học viên, sinh viên các loại. Năm 2010, Trường CĐN số 3 và số 8 đã tổ chức thi tốt nghiệp khoá 1 CĐN theo đề thi chung của Tổng cục Dạy nghề với chất lượng cao, tỷ lệ  tốt nghiệp 90%, trong đó có 16% giỏi, 50% khá.

Chất lượng đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Học viên tốt nghiệp ra trường có kiến thức chuyên môn khá, có kỹ năng nghề, tiếp cận được với khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới. Học viên đào tạo CĐN, TCN tốt nghiệp 95%-98%, sơ cấp nghề tốt nghiệp 93%-95%, trong đó tỷ lệ khá và giỏi chiếm 60% trở lên; 60-70% học viên tốt nghiệp ra trường được các công ty, xí nghiệp nhận vào làm việc.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có BĐXN, hội cựu chiến binh, các cơ quan trong và ngoài quân đội để làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh cho BĐXN, các đối tượng khác có nhu cầu. 10 năm qua, các cơ sở đào tạo nghề đã tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho hàng chục vạn người, trong đó: 553.860 BĐXN và các đối tượng CSXH.

Bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn đào tạo định hướng xuất khẩu lao động (XKLĐ). Riêng, giai đoạn 2005-2011, đã đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 630.000 người; trong đó BĐXN được dạy nghề là 171.188 người, được giới thiệu việc làm là 82.357 người và đi lao động ở nước ngoài là 13.101 người.

Ba là, các yếu tố bảo đảm chất lượng dạy nghề được tăng cường.

Những năm qua, cùng với quá trình phát triển về quy mô đào tạo nghề, Cục Nhà trường đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo từng nghề theo chương trình khung của Bộ LĐ, TB và XH ban hành. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo CĐN, TCN, các nghề mũi nhọn, trọng điểm, tập trung nâng cao năng lực thực hành tay nghề cho người học. Giai đoạn 2001-2010 đã xây dựng, hoàn thiện 9 chương trình đào tạo CĐN, 26 chương trình cho TCN, chỉnh sửa và hoàn thiện 35 chương trình đào tạo sơ cấp nghề; xây dựng một số chương trình đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế.

Phương pháp giảng dạy, đào tạo nghề luôn được đổi mới như: Mời chuyên gia đầu ngành giảng dạy chuyên đề cho giáo viên; giảng thử, giảng mẫu, thi giáo viên dạy giỏi, tập huấn theo chuyên đề... Tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên về nghiệp vụ sư phạm, công nghệ mới, đi tập huấn tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, có uy tín. Năm 2010, tổ chức Hội thi tay nghề cấp Bộ Quốc phòng lần thứ nhất đã chọn được 20 thí sinh tham dự Hội thi tay nghề Quốc gia, có 15/20 thí sinh đoạt giải khuyến khích và nhận giấy khen của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ, TB và XH.

Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề trong quân đội có 3.139 người. Trong đó, giáo viên 2.235 người (sau đại học có 107, chiếm 4,78%; đại học, cao đẳng có 1.115, chiếm 49,88%; trung học chuyên nghiệp và thợ bậc cao có 1.111, chiếm 49,7%); giáo viên cơ hữu có 1.929 người, chiếm 86,3%; 100% giáo viên đạt chuẩn.

Công tác biên soạn, in giáo trình, tài liệu dạy nghề đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo các nghề ở trình độ CĐN, TCN. Một số trường đã triển khai thư viện điện tử với mạng quản trị cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đào tạo.

Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm với nhiều đề tài đã được ứng dụng trong quản lý và dạy học. Đã có hàng trăm thiết bị, mô hình, học cụ dạy nghề tự làm áp dụng có hiệu quả, thiết thực trong giảng dạy và học tập. Tại hội thi mô hình, học cụ tự làm toàn quốc năm 2005 do Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ, TB và XH tổ chức, các trường đã dự thi 17 mô hình trang thiết bị tự làm, đạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Từ năm 2006 đến nay, các cơ sở dạy nghề được hỗ trợ nguồn kinh phí từ: Dự án tăng cường năng lực dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo đến năm 2010 tổng cộng 221 tỷ đồng; Dự án đầu tư nâng cấp các trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng (ODA 7) cho 7 trường với tổng kinh phí là 15 triệu EUR. Đến nay, về cơ bản 29 cơ sở dạy nghề có môi trường đào tạo tương đối phù hợp, có hệ thống phòng học lý thuyết, thực hành, nhà xưởng, trang thiết bị đào tạo và khu nội trú cho học sinh, sinh viên.

Về ngân sách hỗ trợ học nghề. Từ năm 2006-2010, các trường nghề trong quân đội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho BĐXN. Đối với hạ sỹ quan, binh sỹ hết nghĩa vụ quân sự được hưởng mức trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng lương tối thiểu. Từ cuối năm 2009, BĐXN còn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 121/2009/QĐ-TTg ngày 09-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng CSXH như con em thương binh, liệt sỹ; con cán bộ quân đội; dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; gia đình đặc biệt khó khăn… cũng được cấp ngân sách.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho BĐXN vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Đó là nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN hằng năm lớn nhưng năng lực của hệ thống đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm trong quân đội chưa đáp ứng được. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm so với yêu cầu đào tạo trước mắt và lâu dài còn nhiều bất cập; đội ngũ giáo viên chưa cân đối, còn thiếu ở một số chuyên ngành, thiếu giáo viên thực hành giỏi và thợ có tay nghề bậc cao. Việc đổi mới phương pháp dạy và học vẫn còn hạn chế, phần lớn giáo viên vẫn còn sử dụng phương pháp dạy học truyền thống, người học thụ động, hiệu quả chưa cao. Quy mô đào tạo còn nhỏ, ngành nghề chưa đa dạng. Chất lượng đào tạo nghề còn bất cập. Việc gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm, đào tạo theo địa chỉ chưa chặt chẽ. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm còn hạn chế. Quản lý, tổ chức các hoạt động đào tạo nghề và giải quyết việc cho BĐXN theo chính sách và chương trình chưa thống nhất, phân tán, thiếu sự gắn kết. Trình độ năng lực của cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho BĐXN trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề cho BĐXN. Nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, về định hướng nghề nghiệp, về quyền lợi và nghĩa vụ của BĐXN.

Thứ hai, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các bộ, ngành các cấp, cấp cơ quan chức năng của quân đội; của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề; tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho BĐXN.

Thứ ba, tăng đầu tư của nhà nước cho đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN.

Thứ tư, giải quyết tốt về tổ chức biên chế, chế độ, chính sách đối với các trường CĐN, TCN để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ là động lực to lớn, thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho BĐXN trong tình hình hiện nay, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X)  ngày 25-7-2008, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất