Bắc Giang hướng về cơ sở trong công tác tổ chức xây dựng đảng với cách làm mới
Giao ban định kỳ theo quý với bí thư chi bộ thôn, khu phố ở Đảng bộ huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có 15 đảng bộ trực, 879 tổ chức cơ sở đảng, 4.130 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 70.592 đảng viên, những năm qua ban tổ chức cấp ủy các cấp đã quan tâm công tác tổ chức xây dựng đảng, hướng về cơ sở với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Quan tâm củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém

Xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác tổ chức xây dựng đảng, hằng năm Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng năm trước, để rà soát các tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở xuống còn có mặt hạn chế, yếu kém; trên cơ sở xác định cụ thể nguyên nhân, nội dung các vấn đề yếu kém, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xây dựng kế hoạch trong toàn đảng bộ, thành lập các tổ công tác do đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện uỷ làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, tăng cường củng cố; chỉ đạo từng tổ chức cơ sở đảng đăng ký trong sạch vững mạnh, xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình, biện pháp, trách nhiệm cụ thể để khắc phục yếu kém ở đơn vị mình.

Năm 2011, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lựa chọn, cử 10 cán bộ của các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh có năng lực, kinh nghiệm trong công tác đảng, vận động quần chúng, phát triển kinh tế, nông nghiệp… trực tiếp đi tăng cường, củng cố 5 xã yếu kém của huyện Lục Ngạn; chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện uỷ Lục Ngạn thành lập 5 Tổ công tác (mỗi tổ gồm 2 cán bộ của tỉnh và 3 cán bộ huyện) trực tiếp làm việc tại xã, tìm nguyên nhân yếu kém và đề ra biện pháp khắc phục. Trong thời gian củng cố, thành viên của các tổ công tác đã "ăn cùng dân, ở cùng dân" để nắm bắt tình hình tư tưởng và vận động nhân dân địa phương; trực tiếp cùng với đảng ủy, UBND, các ngành, đoàn thể xã đánh giá, nhận định các mặt hạn chế yếu kém để xây dựng kế hoạch củng cố; rà soát, sửa đổi, bổ sung và duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp uỷ và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; triển khai bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo hướng "cầm tay chỉ việc"; chấn chỉnh lề lối tác phong, giờ giấc làm việc của đội ngũ cán bộ xã; đề xuất thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực hoặc có hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.…

Sau 3 tháng trực tiếp tăng cường giúp cơ sở củng cố, bước đầu năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng đã được nâng lên; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền đã có bước chuyển biến rõ nét; lề lối, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở và thôn, bản đã có nhiều tiến bộ hơn so với trước đây… Với hiệu quả đạt được và sự đồng tình cao, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu chỉ đạo nhân rộng cách làm trên đến tất cả các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc; kết quả, năm 2012, toàn Đảng bộ tỉnh không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

Nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố  

Trước đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, Bắc Giang có 2.491 thôn, bản, tổ dân phố; trong đó chỉ có 1.190 trưởng thôn là đảng viên (chiếm 47,8%). Nhìn chung, ở những nơi trưởng thôn không là đảng viên phong trào quần chúng có nhiều hạn chế; dân chủ ít được phát huy; các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa được triển khai thực hiện kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của các chi, đảng bộ cơ sở.

Năm 2011, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 11-KH/BTCTU về nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố với nhiều nhiệm vụ, biện pháp cụ thể đó là: Các tổ chức cơ sở đảng và từng chi bộ rà soát, phân loại, nắm chắc đội ngũ trưởng, phó thôn chưa là đảng viên để phát hiện những nhân tố có khả năng, triển vọng kết nạp đảng; lựa chọn, giới thiệu quần chúng ưu tú là trưởng, phó thôn tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; phân công đảng viên có kinh nghiệm theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn và thường xuyên kiểm điểm đánh giá kết quả rèn luyện, phấn đấu đối với những trường hợp trưởng, phó thôn dự kiến kết nạp vào Đảng. Các cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ lựa chọn, phân công, giới thiệu đảng viên ưu tú tham gia ứng cử trưởng, phó thôn và trực tiếp lãnh đạo việc bầu cử trưởng, phó thôn. Triển khai điều chỉnh nhiệm kỳ trưởng thôn phù hợp với nhiệm kỳ đại hội chi bộ thôn theo hướng chi bộ đại hội trước sau đó kiện toàn trưởng thôn; nếu nhiệm kỳ trưởng thôn đến đại hội chi bộ nhiệm kỳ mới mà chưa hết thì rút ngắn thời gian nhiệm kỳ trưởng thôn; nếu đã hết nhiệm kỳ (còn dưới 12 tháng đến khi đại hội chi bộ) thì kéo dài thời gian nhiệm kỳ của trưởng thôn đến sau khi đại hội chi bộ…

Với các biện pháp chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sau gần 2 năm thực hiện, các cấp uỷ đảng đã kết nạp được 169 trưởng thôn, 52 phó thôn vào đảng, nâng tỷ lệ đảng viên là trưởng thôn hiện nay của Đảng bộ tỉnh lên 1.359 đồng chí (đạt tỷ lệ 54,5%); phấn đấu đến năm 2015, nâng tỷ lệ này lên 75%.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quản lý và phân công công tác cho đảng viên

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo cấp uỷ cấp huyện định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, kỹ năng điều hành chi bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ; tổ chức các hội thi nghiệp vụ như: thi bí thư chi bộ giỏi, thi chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra giỏi, thi báo cáo viên giỏi về truyền đạt nghị quyết đại hội Đảng…, qua đó giúp các đồng chí bí thư củng cố kiến thức và áp dụng lý luận vào các tình huống thực tế ở cơ sở. Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện đúng quy định về sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần; triển khai việc đăng ký nội dung sinh hoạt chuyên đề của chi bộ với cấp uỷ cấp trên; định hướng, lựa chọn chuyên đề có nội dung sát hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị để sinh hoạt như: thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng củng cố tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị; giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới… Chỉ đạo cấp uỷ cấp trên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ; phân công các đồng chí cấp uỷ viên và cán bộ, công chức các ban xây dựng đảng định kỳ hằng tháng đi dự sinh hoạt với chi bộ trên địa bàn phụ trách, thông qua đó nắm tình hình, hướng dẫn và rút kinh nghiệm để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ…

Với những biện pháp chỉ đạo cụ thể, sát thực, chất lượng sinh hoạt chi bộ thời gian qua đã có những chuyển biến tương đối rõ nét. Nội dung sinh hoạt của chi bộ đã có sự đổi mới thiết thực, hiệu quả hơn. Các chi bộ đã tổ sinh hoạt đúng kỳ hàng tháng; trong sinh hoạt đã dành thời gian sinh hoạt để thông tin thời sự chính sách và định kỳ tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức mọi mặt cho đảng viên. Nội dung sinh hoạt phong phú hơn; đã thẳng thắn, dân chủ và cởi mở; thể hiện tính chiến đấu; phát huy trí tuệ tập thể trong việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc ghi biên bản, nghị quyết hội nghị chi bộ đã được thực hiện nghiêm túc; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ cao hơn, đạt trên 90%...

Nhằm tạo điều kiện cho đảng viên rèn luyện, phấn đấu và làm cơ sở để phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan; từng bước khắc phục bệnh thành tích, ngày 25-6-2012, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã ban hành Hướng dẫn số 11-HD/BTCTU về quản lý và phân công công tác cho đảng viên ở chi bộ; trong đó cụ thể hoá 5 nội dung quản lý đảng viên (tư tưởng chính trị; thực hiện nhiệm vụ; các mối quan hệ xã hội; sinh hoạt đảng và việc giữ mối liên hệ với chi bộ, đảng uỷ cơ sở nơi cư trú); quy định rõ việc phân công đảng viên ở từng loại hình chi bộ và các phương pháp quản lý phân công công tác cho đảng viên).

Ban tổ chức cấp uỷ cấp huyện đã tham mưu ban hành văn bản lãnh đạo; phân công các đồng chí cấp uỷ viên theo dõi cơ sở trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, bảo đảm việc triển khai thực hiện đúng hướng dẫn, làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm. Năm 2012, tỷ lệ đảng viên đang sinh hoạt được phân công nhiệm vụ trong toàn Đảng bộ tỉnh đạt 89%, tăng 19,9% so với năm 2011. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên đã có tác dụng tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất