Đắc Nông củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI
Đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Nông kết luận buổi kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tại huyện Chư Jút.

Đắk Nông hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện với 71 xã, phường, thị trấn và 777 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố, có 39 dân tộc anh em (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 32,97%). Những năm qua, Tỉnh ủy Đắk Nông luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Nghị quyết 02-NQ của Tỉnh ủy về “đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện”. Trong đó chú trọng đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các xã thuộc khu vực biên giới, vùng sâu, vùng khó khăn, do đó hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, củng cố về tổ chức bộ máy và hoạt động tương đối hiệu quả.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắc Nông xác định: Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, là bước đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt” và chọn mũi đột phá là công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ gắn với điều động, luân chuyển, sắp xếp vị trí công tác cho hợp lý. Từ đó tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở.

Kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém

Kết quả đánh giá, phân loại tổ chức đảng năm 2011, 4 đảng bộ xã và 12 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở yếu kém (trong đó 9 chi bộ thôn, 1 chi bộ cơ quan, chi bộ quân sự 1 và chi bộ trường học 1). Để có biện pháp khắc phục cụ thể, phù hợp đối với mỗi tổ chức đảng, ban thường vụ huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc chỉ đạo xác định nguyên nhân dẫn đến yếu kém của từng TCCSĐ. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là: Đội ngũ cấp ủy ở một số cơ sở, nhất là cán bộ xã có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị thấp, năng lực yếu, không đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở. Một số nơi do cán bộ, cấp ủy viên cơ sở, đảng viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng, phẩm chất đạo đức kém, thiếu ý thức phấn đấu vươn lên, mất uy tín, không quy tụ được nhân dân. Một số tổ chức cơ sở đảng không thống nhất về phương pháp làm việc, dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một số chi bộ, đảng bộ cơ sở theo các quy định của Ban Bí thư chưa đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ; chưa thực hiện vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở. Sự lãnh đạo của một số cấp ủy cấp trên cơ sở chưa chủ động, thống nhất, kịp thời; chưa đề ra kế hoạch, biện pháp giúp đỡ các cơ sở đảng yếu kém, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, uốn nắn những sai trái, lệch lạc từ cơ sở. Có những vụ việc, trường hợp không giải quyết khách quan, còn để kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến phong trào chung ở cơ sở.

Xác định rõ nguyên nhân, các huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc tỉnh đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác liên ngành xuống giúp cơ sở theo nguyên tắc: Tổ chức đảng yếu kém liên quan đến lĩnh vực nào thì cấp ủy cấp trên phải phối hợp với các ngành chuyên môn thuộc lĩnh vực đó để xử lý, giải quyết.

Đối với các tổ chức đảng yếu kém do năng lực cán bộ, do mất đoàn kết nội bộ, cùng với các biện pháp như tăng cường giáo dục, kiểm tra, xác định nguyên nhân gây mất đoàn kết, ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng kiên quyết chỉ đạo thay thế cán bộ cơ sở, có đơn vị tăng cường cán bộ từ huyện về làm bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND xã (Đảng uỷ xã Đak Sôr, Đảng uỷ xã Đak Nang, Đảng uỷ xã Nam Xuân, huyện Krông Nô). Sau khi thay thế cán bộ, hoạt động của tổ chức đảng ở những nơi này tiến bộ rõ, cán bộ, đảng viên đã yên tâm công tác, lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.n Với các tổ chức đảng có sai phạm về tài chính, huyện ủy cử các đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra, xác định rõ sai phạm, đề ra giải pháp giúp cơ sở khắc phục yếu kém. Với những tổ chức đảng yếu kém do cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, làm rõ sai phạm của cán bộ, kiên quyết xử lý kỷ luật. Với tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng cấp ủy cấp trên tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng.

Ban thường vụ các cấp uỷ trực thuộc tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng; điều chỉnh, phân công phụ trách địa bàn cho các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành; tổ chức họp cấp ủy, họp chi bộ tham gia góp ý cho các đồng chí sai phạm… Đồng thời các đảng uỷ, UBND xã tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, nội quy, quy định theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, từng cá nhân, nhất là người đứng đầu và mối quan hệ công tác trong thực hiện nhiệm vụ; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ trong cơ quan, đơn vị để phát huy tốt năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ, công chức ở cơ sở.

Cuối năm 2012, 4/4 tổ chức cơ sở đảng và 11/12 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đã được củng cố, không còn yếu kém (trong đó 4 tổ chức cơ sở đảng và 10 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở vươn lên đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ; 1 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đạt hoàn thành nhiệm vụ), còn 1 chi bộ thôn I, đảng bộ xã Ea Pô, huyện Cư Jút vẫn còn yếu kém do chi bộ lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các huyện uỷ, thị uỷ thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020; đồng thời rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong đó đặc biệt chú ý quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số; kiên quyết không phê duyệt quy hoạch của cấp ủy nếu không bảo đảm đưa vào quy hoạch tỷ lệ cán bộ nữ trên 15%.

Đến ngày 31-1-2013, các cấp ủy cơ sở cơ bản đã hoàn thành quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 theo phương châm "mở" và "động", rà soát những người không đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi quy hoạch và bổ sung vào quy hoạch những người xứng đáng. Qua kiểm tra triển khai công tác quy hoạch giai đoạn 2015-2020 và rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2010-2015 cho thấy, các cấp ủy đã thực hiện theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai. Cán bộ được quy hoạch các cấp uỷ đều đạt tỷ lệ từ 1,5 đến 2 lần so với cấp uỷ đương nhiệm và cơ bản đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, cơ cấu nữ theo quy định; các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp hầu hết đều quy hoạch được từ 2 đến 3 người cho một chức danh, có người quy hoạch tối đa 4 chức danh; Tỷ lệ nữ quy hoạch vào ban chấp hành đảng bộ xã là 23,34%; dân tộc thiểu số 19,85%; trẻ dưới 30 tuổi là 21,64%; chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch hầu hết đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; khắc phục trước một bước tình trạng quy hoạch thì nhiều, nhưng đến khi cần nhân sự lại khó lựa chọn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được các cấp, các ngành của Đắk Nông tiếp tục được quan tâm. Năm 2012, cử đi đào tạo, bối dưỡng 4.962 lượt người, trong đó:

Đối với cán bộ chuyên trách đã đào tạo 86 lượt, bồi dưỡng 15 lượt về lý luận chính trị - hành chính. Bồi dưỡng theo chức danh về quản lý nhà nước cho 116 lượt. Đào tạo trình độ thạc sĩ cho 1 cán bộ; trình độ cao đẳng, đại học cho 37 cán bộ, trình độ trung cấp cho 30 cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn và các kỹ năng 644 lượt.

Đối với công chức chuyên môn: Tổ chức Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính cho 117 lượt công chức, trong đó, cao cấp 1, trung cấp 73 lượt, bồi dưỡng 43 lượt. Bồi dưỡng 129 lượt về quản lý nhà nước. Đào tạo 126 lượt đại học; cao đẳng 47 lượt; trung cấp 62 lượt. Bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng 494 lượt.

Cán bộ không chuyên trách, trưởng thôn, buôn, bon đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính, quản lý nhà nước, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng theo vị trí việc làm cho 3.055 lượt.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 1 lớp đào tạo kiến thức thực tiễn cho cán bộ nguồn dài hạn của tỉnh (53 đồng chí). Kết thúc khóa đào tạo (giữa tháng 6-2013) số cán bộ này được luân chuyển về cơ sở.

Qua đào tạo, bồi dưỡng đã nâng tỉ lệ đạt chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh từ 57% của năm 2011 lên 64,8% đến cuối năm 2012 theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV về quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

Bố trí, sắp xếp và luân chuyển cán bộ về cơ sở

Nhằm khắc phục một trong những yếu kém trong công tác cán bộ qua kiểm điểm Trung ương 4 đã chỉ ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các huyện, thị thực hiện việc nhận xét, đánh giá từng cá nhân cán bộ giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư đảng uỷ; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch và phó chủ tịch UBND; trưởng các đoàn thể xã, phường, thị trấn. Nội dung nhận xét, đánh giá gồm: Mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thể hiện ở khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả của công việc trong từng vị trí, từng thời gian; tinh thần trách nhiệm trong công tác. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và chiều hướng, triển vọng phát triển. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá cán bộ, các huyện, thị uỷ lập danh sách số lượng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã không bảo đảm tiêu chuẩn chức danh cán bộ cần phải kiện toàn, củng cố. Đồng thời xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm kiện toàn, củng cố đối với từng chức danh. Qua đánh giá, đã thay ngay 14 đồng chí; chuẩn bị nhân sự để thay trong nhiệm kỳ (2010- 2015) 14; thay khi hết nhiệm kỳ 18; cần cử đi đào tạo 50 và điều động bố trí công việc khác 10 đồng chí.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ nguồn dài hạn về công tác tại cơ sở. Theo kế hoạch, trong năm 2013 sẽ thực hiện luân chuyển 22 cán bộ nguồn (4 cán bộ đang công tác tại các sở, ban, ngành của tỉnh; 18 cán bộ đang công tác tại các huyện, thị) về giữ các cương vị chủ chốt ở cơ sở; trong đó, luân chuyển về làm bí thư đảng uỷ xã 2; phó bí thư đảng uỷ 8; chủ tịch UBND cấp xã 2; phó chủ tịch UBND cấp xã 10.  


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất