Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Bình Định tổ chức quán triệt trong toàn thể cán bộ, đảng viên nắm vững yêu cầu, nội dung và xây dựng chương trình triển khai Nghị quyết, cụ thể: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị (LLCT). Định hướng công tác nghiên cứu, vận dụng lý luận và thực tiễn vào giảng dạy, xây dựng bộ máy tổ chức hợp lý, hoạt động có hiệu quả, từng bước tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội nghị, hội thảo để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ sở đặt ra. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm về nghiên cứu và giảng dạy LLCT, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo chất lượng, có trình độ LLCT, định hướng xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng LLCT, đáp ứng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.
Đối với công tác giáo dục lý luận chính trị, Nhà trường thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy LLCT theo nội dung về chương trình khung của Học viện CT - HC quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Tập trung đổi mới tư duy lý luận, khắc phục biểu hiện giáo điều và chủ quan duy ý chí.
Tiếp thu chương trình đào tạo trung cấp LLCT, Trường đã cụ thể hóa phù hợp với công tác đào tạo cán bộ ở địa phương Bình Định, trên cơ sở lấy tiêu chuẩn phù hợp từng đối tượng để xây dựng chương trình theo hướng thiết thực, vừa đảm bảo trang bị thế giới quan, phương pháp luận cần thiết, vừa đảm bảo kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lý luận.
Từng bước đổi mới phương pháp giáo dục lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ chỗ chỉ giảng dạy chuyên đề, đến nay nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được giảng dạy trong chương trình trung cấp với tư cách là bộ môn độc lập. Các bài giảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng đều có tính lý luận cao, thực hiện tốt phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn. Chuyển dần phương pháp giảng dạy truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích tư duy sáng tạo, nâng dần mức tự nghiên cứu và tính chủ động của người học, chuyển dần từ quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Về công tác nghiên cứu lý luận, Trường chủ trì đề tài cấp tỉnh "Khảo sát đánh giá và đề xuất những giải pháp nhằm bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường Chính trị tỉnh Bình Định trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; tham gia biên soạn đề tài cấp tỉnh: Việc thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" của tỉnh Bình Định; tham gia biên soạn Lịch sử Đảng bộ Dân chính Đảng tỉnh Bình Định (1960-2006); biên soạn Lịch sử Đảng bộ phường Lê Lợi; biên soạn Kỷ yếu Trường Chính trị tỉnh Bình Định 45 năm xây dựng và trưởng thành (1961-2006), một số cán bộ, giảng viên tham gia một số đề tài nghiên cứu của tỉnh của sở, ngành và địa phương trong tỉnh.
Trường tích cực triển khai biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ kịp thời công tác giảng dạy và học tập, như: Giáo trình “Tình hình và nhiệm vụ địa phương” (tỉnh Bình Định); tài liệu “Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã”; tài liệu “Bồi dưỡng ngạch cán sự”; tài liệu “Bồi dưỡng Trưởng thôn”; tài liệu “Bồi dưỡng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”;...viết các bài báo mang tính lý luận và thực tiễn đăng trên các tạp chí chuyên ngành; tạp chí, báo địa phương phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy; xuất bản Nội san Trường Chính trị tỉnh Bình Định (1 số/năm) với nhiều nội dung mang tính lý luận cao và thực tiễn phong phú.
Hằng năm giảng viên các khoa, cán bộ các phòng thực hiện được hàng chục đề tài nghiên cứu phục vụ giảng dạy cấp khoa; thường xuyên tổ chức cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đi nghiên cứu thực tế và viết bài về thực tiễn ở địa phương trong tỉnh; tổ chức từ 3-4 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học với nhiều tham luận có tính lý luận và sát hợp với nhiệm vụ chuyên môn của Trường.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy nhà trường, trước năm 2000, Trường có từ 25-30 cán bộ, công chức (CB, CC), trong đó chỉ có 12 giảng viên (1 thạc sĩ), với 3 khoa, 2 phòng. Hiện nay, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà trường đã được sắp xếp theo Quyết định 184 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, có 45 CB, CC gồm: Ban Giám hiệu, 4 khoa, 3 phòng, có 16 giảng viên chính và tương đương; 16 thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 63% so với giảng viên), có 23 người có trình độ cao cấp LLCT...
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường được đầu tư đáng kể, có 1 khu hiệu bộ diện tích sàn sử dụng 600 m2, với 15 phòng làm việc được trang bị khá đầy đủ phương tiện làm việc; 8 phòng học đều được trang bị hệ thống loa, máy projeter tạo điều kiện thuận lợi cho giảng dạy và học tập; 1 thư viện đầy đủ giáo trình, tài liệu học tập cho học viên và có khoảng 5.000 đầu sách, hiện Trường đã xây dựng Tủ sách kinh điển của Các-Mác, Lê-nin, Ăng-ghen..., tủ sách Hồ Chí Minh, tủ sách pháp luật, tủ sách Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và của tỉnh Đảng bộ qua các thời kỳ, mỗi tủ có khoảng 100 đầu sách phục vụ cho học viên nghiên cứu và học tập. Hàng năm, với nguồn kinh phí tỉnh cấp từ 5-6 tỷ đồng, trong đó kinh phí đảm bảo đủ cho hoạt động nghiên cứu lý luận.
Trong 20 năm (1992-2012), Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức lý luận chuyên sâu, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nói riêng của Trường luôn được quan tâm. Trường đã mở được 650 lớp, đào tạo, bồi dưỡng 63.200 học viên. Sau đào tạo đội ngũ cán bộ về địa phương, đơn vị đã là nhân tố quan trọng triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên của Trường hiện vẫn còn thiếu về số lượng, chưa có cán bộ giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị có trình độ tiến sĩ, số giảng viên đầu ngành về lý luận chính trị còn ít. Nhà trường chưa mạnh dạn cử giảng viên đi đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu tác phẩm kinh điển. Một số ít giảng viên còn chủ quan, giản đơn trong chuyên môn nên có bài giảng, tiết giảng chưa đạt chất lượng cao. Việc phát huy năng lực cán bộ trẻ nghiên cứu khoa học, giảng dạy chưa cao. Chưa có chính sách khuyến khích làm công tác nghiên cứu lý luận; sự chỉ đạo, phối hợp trong công tác lý luận của trường chưa thường xuyên, chưa sâu sát và ít quan tâm đến đội ngũ làm công tác giảng dạy lý luận. Chế độ cho công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học thấp. Công tác tổ chức cán bộ mới tập trung giải quyết những yêu cầu cấp bách trước mắt về đào tạo cán bộ lý luận, chưa có kế hoạch đào tạo dài hạn. Chưa thu hút đội ngũ sinh viên khá, giỏi chuyên ngành lý luận Mác - Lê nin để dự nguồn cho đội ngũ cán bộ giảng dạy...
Để tiếp tục làm tốt công tác lý luận, thời gian tới, Trường coi trọng các giải pháp:
1. Đảng ủy, Ban Giám hiệu tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên làm công tác lý luận phát huy thế mạnh về lý luận, tích cực phấn đấu hoàn thành nhiện vụ chính trị.
2. Thường xuyên chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác lý luận; xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn đối với công tác tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ, phát huy năng lực số cán bộ làm công tác lý luận của Trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác lý luận.
3. Động viên khen thưởng kịp thời, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, giảng viên làm công tác lý luận; hàng năm, thực hiện tốt công tác sơ, tổng kết, đề ra chủ trương, giải pháp kịp thời đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận của nhà trường.
4. Tiếp tục rà soát cơ cấu tổ chức và hoạt động của nhà trường theo Quyết định 184 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị; chú trọng quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm những cán bộ làm công tác lý luận có năng lực. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác lý luận hợp lý, phù hợp với năng lực, sở trường.
5. Tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu lý luận cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa liên quan đến nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.