Kết quả bước đầu trong triển khai đề án đưa trí thức trẻ về cơ sở ở Hà Giang
Các trí thức trẻ huyện Mèo Vạc tham gia cấy lúa cùng bà con trong Lễ hội xuống đồng ở xã Nậm Ban.


Hà Giang là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, có 22 dân tộc cùng chung sống, tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố, có 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, với 195 xã, phường, thị trấn, trong đó có 141 xã đặc biệt khó khăn. Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, những năm qua thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ đầu tư cho tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn đã chủ động, tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện dự án 600 phó chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) xã và đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện đạt kết quả bước đầu.

Hội đồng tuyển chọn tỉnh Hà Giang đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chỉ tiêu, điều kiện, tiêu chuẩn... tham gia dự án, đề án. Thành lập Hội đồng tuyển chọn trí thức trẻ gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện thuộc dự án theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Đồng thời, ban hành quy chế tuyển chọn và quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, thống nhất các quy định trong tuyển chọn và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia thực hiện. Hội đồng tuyển chọn đã lựa chọn được 67 đội viên trúng tuyển Dự án 600 phó chủ tịch xã và 22 đội viên trúng tuyển Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện.

Tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng vận động nhân dân, nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; các chính sách của địa phương về xóa đói giảm nghèo... cho các đội viên trúng tuyển, sau đó đưa về xã công tác. Qua quá trình công tác, phần lớn các em đã vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên, an tâm công tác; tiếp cận nhanh với công việc được phân công, chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm cơ sở đánh giá đội viên từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên đều đạt 100%. Trong đó một số đã được cấp ủy cơ sở cử đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và trung cấp lý luận chính trị trong năm đầu tiên.

Khi về các xã công tác, được bố trí đúng với chuyên ngành đào tạo phát huy tốt kiến thức đã học vào thực tiễn; tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền xã có hiệu quả. Công tác cập nhật thông tin, tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ với cấp trên kịp thời. Một số sinh viên phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm, tạo sự tin tưởng của cấp ủy và chính quyền địa phương nơi công tác.

Các tri thức trẻ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào của đoàn, hội, nhiều sinh viên thể hiện được bản lĩnh và năng lực hoạt động của bản thân, được lãnh đạo và nhân dân địa phương tín nhiệm, nhiều em được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021.

Thời gian điều hành công việc trên cương vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã chưa nhiều, đa phần đội viên dự án bước đầu tiếp cận được với công việc, tham gia nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và giữ vững an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Các đội viên bước đầu nắm được cơ cấu tổ chức, quy trình vận hành của bộ máy chính quyền cấp xã, vận dụng quy chế hoạt động của ủy ban nhân dân xã, gắn nhiệm vụ với thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành. Một số đội viên chủ động đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức ở cơ sở… hỗ trợ chính quyền xã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế - nông lâm nghiệp, xóa đói, giảm nghèo; chỉ đạo hoàn thành tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo và thôn đặc biệt khó khăn; công tác phổ cập giáo dục; triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sửa chữa chuồng trại, trồng cỏ theo nguồn vốn sự nghiệp 30a...

Tuy nhiên, đội viên dự án vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn và sự am hiểu phong tục tập quán, tiếng địa phương; chất lượng tham mưu, điều hành ở một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao; kiến thức chuyên môn và lý luận tiếp thu được ở trường vận dụng trong thực tiễn công tác chưa đạt kết quả như mong muốn, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội viên tại các xã còn khó khăn....

Qua triển khai dự án 600 phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã và đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện, Hà Giang rút ra một số vấn đề cần quan tâm:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu của dự án, đề án trên địa bàn. Các phòng, ban chuyên môn và ủy ban nhân dân các xã quan tâm, giúp đỡ đội viên về vật chất, tinh thần và chuyên môn nghiệp vụ; phân công phân nhiệm bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, tạo điều kiện để đội viên được cọ sát, thử sức với thực tiễn ở cơ sở. Phân công cán bộ lãnh đạo theo dõi, hỗ trợ đội viên trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện tốt nhất để các đội viên được cống hiến sức trẻ, khả năng; đoàn kết, tin tưởng, phối hợp tốt với các trí thức trẻ để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, định kỳ tổ chức giao ban tại huyện để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, tâm tư, nguyện vọng của trí thức trẻ và công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cơ sở; tạo ra kênh thông tin hai chiều giúp đội viên được trao đổi học tập kinh nghiệm, gắn bó mối quan hệ đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền xã và trí thức trẻ với nhân dân. Trong hoạt động tại cơ sở cần đặt ra các mục tiêu và có kế hoạch cụ thể, xây dựng được các chương trình, đề án trên lĩnh vực mình phụ trách; vận dụng tốt những kiến thức đã được trang bị… vào công tác và chỉ đạo nhân dân trong sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, các đội viên dự án, đề án nỗ lực vượt lên khó khăn; rèn luyện tu dưỡng đạo đức, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của cán bộ địa phương về công tác quản lý, điều hành; tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương, đặc biệt là tiếng địa phương, thường xuyên xuống các thôn. Các đội viên tìm hiểu tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và làm tốt công tác dân vận. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa các đội viên, học tập cách làm hay, cách giải quyết những vướng mắc trong công tác để có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với xã, huyện, tỉnh.


Thủy Hương

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất