Lâm Đồng sau một năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Phát triển cây chè ở Lâm Đồng.

Lâm Đồng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hoá và an ninh quốc phòng, là cầu nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Toàn tỉnh có 10 huyện, 2 thành phố với 148 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên gần 9.765 km2; dân số toàn tỉnh 1.184.000 người, với 42 dân tộc; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,6% (riêng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17% dân số). Lâm Đồng hiện có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, với tổng số 711.500 tín đồ (chiếm trên 60% dân số toàn tỉnh)…

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Lâm Đồng đã vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương. Với phương châm tập trung phát huy nội lực, kết hợp khai thác ngoại lực đưa kinh tế Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững; quan tâm công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh làm nền tảng, tiền đề cho sự phát triển; giữ vững quốc phòng an ninh. Chủ đề của Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nêu rõ mục tiêu, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong giai đoạn mới này: “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”.

Kết quả

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX trong phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 gặp nhiều khó khăn, thách thức… Song với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Lâm Đồng xác định tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, trước hết là đầu tư phát triển nông nghiệp và dịch vụ - du lịch, xem đây là 2 khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết, tăng trưởng GDP 14,6%; GDP bình quân đầu người đạt 25,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: khu vực I chiếm 46,4%; khu vực II chiếm 21,6%; khu vực III chiếm 32%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 12.700 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 4.000 tỷ đồng. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,1%; (trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 25,64%); giải quyết việc làm cho 31.000 người; lao động qua đào tạo đạt 38%. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, xây dựng nông thôn mới... có nhiều chuyển biến tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của 809 tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến, thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện ở cơ sở.

Tuy nhiên, Lâm Đồng hiện vẫn là tỉnh nghèo, tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức, khả năng hội nhập, năng lực cạnh tranh của tỉnh thấp; chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế còn hạn chế; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ, một số vấn đề xã hội bức xúc như đào tạo nghề, việc làm, phân hoá giàu nghèo, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn, giải quyết kịp thời. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiệu quả hoạt động của chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở một số nơi còn hạn chế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định...

Đảng bộ Lâm Đồng xác định nhiệm vụ sắp tới là:

Về kinh tế, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội theo thứ tự ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng GDP, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư các dự án trọng điểm; đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, xem phát triển nông nghiệp, du lịch - dịch vụ là 2 khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế địa phương; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Tích cực phối hợp với các ngành của Trung ương, các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động.

Về văn hoá - xã hội, tiếp tục đầu tư phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thể dục thể thao, trước hết là lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương; bảo đảm an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn; từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với huyện Đam Rông và các xã, thôn nghèo của tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên.

Về quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội, tăng cường thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế, đẩy lùi các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, hạn chế tai nạn giao thông. Chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

Về xây dựng Đảng, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, chỉ đạo đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các loại hình tổ chức. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác dân vận của Đảng, của hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất