Bát Xát là huyện miền núi vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, diện tích tự nhiên xấp xỉ 1.060 km2 với 23 xã, thị trấn, trong đó có 16 xã đặc biệt khó khăn. Dân số trên 72.300 người, gồm 14 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là người Mông, Dao, Dáy... Hiện nay, đảng bộ huyện có trên 2.400 đảng viên, sinh hoạt tại 57 chi, đảng bộ cơ sở.
Năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, đợt rét đậm rét hại kéo dài đã làm chết hơn 2.800 con trâu, bò và thiệt hại hàng trăm hecta cây trồng; lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất, hệ thống giao thông bị huỷ hoại nghiêm trọng. Giá cả hàng hoá tăng cao, thiếu vốn đầu tư xây dựng các chương trình dự án, tình trạng di cư tự do, tệ nạn xã hội diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong huyện vượt qua khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2011, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Thành tích nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức cao, 14,7%. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông - lâm nghiệp 41,56%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản 43,44%; thương mại - dịch vụ 15%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,3 triệu đồng/năm (tăng 1,6 triệu đồng so với năm 2010). Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, tổng sản lượng lương thực đạt trên 38.600 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2010, vượt 15% kế hoạch. Bình quân lương thực đầu người trên 500 kg/năm. Giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác đạt trên 48 triệu đồng/ha. Chăn nuôi đại gia súc và gia cầm có bước phát triển và ổn định, đặc biệt là một số mô hình mới như nuôi lợn rừng ở Quang Kim, nuôi nhím ở thị trấn Bát Xát, nuôi cá hồi, cá tầm ở Ý Tý, Dền Sáng, bước đầu cho thu nhập cao, nhiều hộ doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng.
Năm 2011, toàn huyện đã trồng được 350 ha rừng, 100 ha cây cao su. Thực hiện việc quy hoạch bàn giao đất cho các doanh nghiệp trồng cây cao su, lập hồ sơ thanh lý 878 ha rừng, được tỉnh phê duyệt 377 ha. Hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 22 xã, phát động phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới toàn huyện và 5 xã giai đoạn I. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí đối với 5 xã giai đoạn I. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Năm 2011, giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 25% so với năm 2010. Các làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường như rượu San Lùng, Sin San, các nông sản như gạo Séng Cù Mường Vi, chè A Mú Sung.
Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 54,22% xuống còn 44%; hỗ trợ kịp thời 136 tấn gạo cho đồng bào thiếu lương thực trong dịp tết, cấp phát 55.178 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện, giống cây trồng, phân bón cho 8.055 hộ nghèo; chỉ đạo mở 11 lớp đào tạo nghề ngắn hạn và kỹ năng làm du lịch cho 369 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 1.050 người.
Về giáo dục đào tạo, hiện nay toàn huyện đã có 20 trường đạt chuẩn quốc gia, xây mới 35 phòng học, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 80%, chuyển đổi 2 trường phổ thông cơ sở thành trường phổ thông dân tộc nội trú.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Trong năm đã chỉ đạo thực hiện tốt diễn tập 2 cụm tác chiến biên phòng, diễn tập phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy rừng và huấn luyện các đơn vị dân quân tự vệ. Ngăn chặn kịp thời các vi phạm về quản lý biên giới, buôn lậu, gian lận thương mại. Thành lập 5 tổ công tác vận động nhân dân tại các xã trọng điểm để giải quyết, ổn định tình hình, ngăn chặn di cư tự do, phụ nữ bỏ đi khỏi nơi cư trú, truyên truyền đạo trái pháp luật. Các hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị.
Trong công tác xây dựng đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã coi trọng việc chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp các tổ chức đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Năm 2011, tiến hành việc chia tách, thành lập mới 9 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; kết nạp 175 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ trên 2.400 người. Tỷ lệ thôn bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ đảng đạt gần 70%, tăng 2,60% so với năm 2010. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được coi trọng, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Đến nay cán bộ chủ chốt các ban ngành đoàn thể cấp huyện 96,2% có trình độ đại học, đội ngũ cán bộ công chức xã 96% có trình độ từ trung học cơ sở trở lên; 72% có trình độ chuyên môn trung cấp (trong đó 21% đại học). Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cấp huyện là 25%, tăng 10% so với nhiệm kỳ trước.
Hiện nay, Bát Xát là huyện duy nhất của tỉnh Lào Cai thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, mô hình đã tạo được sự chuyển biến tích cực, nội bộ đoàn kết thống nhất, khắc phục được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc nhanh chóng. Mô hình nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện đã đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò trách nhiệm, tính chủ động của phó bí thư cấp uỷ, phó chủ tịch UBND huyện và đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan huyện uỷ và UBND huyện.
Tuy nhiên, Bát Xát vẫn là một huyện nghèo, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng đều giữa các vùng, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm nói chung quy mô còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường. Một số xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 70% so với tiêu chí mới) như Pa Cheo, Ngải Thầu, Ý Tý, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng. Việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới còn yếu. Trình độ, năng lực, phương pháp lãnh đạo của cấp ủy, trước hết là bí thư, phó bí thư cấp ủy ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ chuẩn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn chưa cao.
Để lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như công tác xây dựng đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất giống lúa và nâng cao vùng lúa cao sản, lúa có giá trị kinh tế cao; tăng diện tích trồng ngô lai mới có năng suất cao; đưa cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vào sản xuất. Tiếp tục tăng mạnh diện tích vụ đông xuân trên chân ruộng 1 vụ. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh, chú trọng các dự án nuôi thuỷ sản nước lạnh. Bảo vệ, chăm sóc rừng hiện có, thực hiện tốt phương án phòng chống cháy rừng. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, phát triển mạnh trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ, trồng cây phân tán, mở rộng diện tích trồng cây cao su để từng bước tạo thành vùng cây công nghiệp.
Hai là, thực hiện tốt cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện, vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến nông-lâm sản. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu và củng cố phát triển các làng nghề truyền thống.
Ba là, mở rộng hệ thống dịch vụ tài chính, tín dụng, phát triển hệ thống thương mại, hệ thống chợ từ huyện đến các khu vực vùng cao, nông thôn, đảm bảo cung ứng hàng hoá, vật tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư vào địa bàn huyện. Phối hợp với các địa phương khác có các điểm du lịch để kết nối với các tuyến, các tua du lịch trên địa bàn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bốn là, tập trung cao độ cho chương trình giảm nghèo, phấn đấu năm 2012 còn 36% và đến năm 2015 còn 17% hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đẩy lùi tiến tới xoá bỏ nạn tảo hôn, tình trạng thả rông gia súc và một số hủ tục lạc hậu khác.
Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy cơ sở. Tổng kết việc thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở; quan tâm quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số... Chú trọng luân chuyển cán bộ huyện về cơ sở, gắn luân chuyển với điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ theo yêu cầu công tác. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp ủy viên cơ sở xã, thị trấn hằng năm. Tiếp tục nghiên cứu rút kinh nghiệm thực tiễn về việc thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã; mô hình cấp huyện không tổ chức HĐND.
Hà Phương
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Lào Cai