Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”; “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Thấm nhuần lời dạy của người, nhiều năm qua, từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, thực tế sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn nặng về hình thức, chất lượng chưa cao, cần có giải pháp khắc phục. Tạp chí Xây dựng Đảng xin điểm lại một số cách làm mới của một số địa phương để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Bình Phước
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tuyên dương các bí thư chi bộ tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam hằng năm và chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí xét duyệt, chọn bí thư chi bộ tiêu biểu (bí thư chi bộ cơ sở, bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở) để tuyên dương như sau:
Thứ nhất, bí thư chi bộ có 5 năm liên tục đạt tiêu chuẩn “đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, được huyện ủy hoặc cấp tương đương tặng giấy khen, Tỉnh ủy tặng bằng khen.
Thứ hai, những bí thư chi bộ tiêu biểu được tuyên dương phải là những bí thư tiêu biểu về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng đảng.
Thứ ba, phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, là người có mô hình mới, cách làm hay trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan (người dân địa phương), đóng góp vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sóc Trăng
Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương và đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU ngày 7-8-2018 về “Một số nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, với những điểm mới như sau:
Xây dựng bộ khung tiêu chí (5 tiêu chí cụ thể) để đánh giá 1 buổi sinh hoạt chi bộ; trọng tâm là tiêu chí thứ 3 “Tổ chức sinh hoạt chi bộ” được quy định cụ thể hơn.
Ví dụ, thời điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ: vào ngày 25 hằng tháng (đối với chi bộ ấp, tổ dân phố); vào ngày 28 hằng tháng (đối với chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã), nếu ngày sinh hoạt rơi vào thứ bảy hoặc chủ nhật thì bí thư chi bộ chọn ngày họp, báo cáo với cấp ủy cấp trên trực tiếp. Để có nhiều đảng viên tham gia phát biểu ý kiến, Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU cũng quy định chung thời gian phát biểu từ 5 đến 7 phút/lượt ý kiến; số lượng đảng viên tham gia phát biểu đạt từ 1/3 trở lên trong tổng số đảng viên chi bộ. Về thời gian sinh hoạt chi bộ: Đối với chi bộ có từ 9 đảng viên trở lên, thời gian sinh hoạt chi bộ bảo đảm từ 120 phút trở lên; nếu kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu 150 phút. Đối với chi bộ có dưới 9 đảng viên thì thời gian sinh hoạt ít nhất 90 phút; nếu kết hợp sinh hoạt chuyên đề phải đảm bảo từ 120 phút trở lên.
Phương pháp đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ được triển khai thực hiện chặt chẽ. Theo đó, chi bộ tự đánh giá: Kết thúc buổi sinh hoạt, chi ủy hoặc bí thư, phó bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) tổ chức đánh giá chất lượng sinh hoạt theo 4 mức, cụ thể: Xuất sắc, tốt, trung bình và yếu (Có mẫu phiếu và khung tiêu chí đánh giá cụ thể).
Đảng ủy cơ sở: Tổng hợp, đánh giá xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cả năm theo 4 mức, cụ thể: Xuất sắc, tốt, trung bình và yếu (Có mẫu phiếu và khung tiêu chí đánh giá cụ thể). Việc ban hành Hướng dẫn một số nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, kèm theo bộ tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình chi bộ theo 4 mức nêu trên của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, chi tiết hóa Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương, giúp các chi bộ dễ triển khai thực hiện và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; là cơ sở để các chi bộ phấn đấu cũng như cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên hằng năm. Qua đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Gia Lai
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2 năm 2018 “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện và phân công cụ thể các đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Phấn đấu trong năm 2018, mỗi địa phương có một điểm làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; cuối năm 2018 tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện nhân rộng ra tất cả các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ năm 2018 trở đi, việc xây dựng “làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số” phải ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; hằng năm đánh giá, rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện phát triển và điều kiện thực tế của địa phương. Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trở thành một phong trào toàn dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự tham gia của các hội, đoàn thể ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ban tổ chức các cấp tham mưu cấp ủy về việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị.
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng đã ban hành Kế hoạch số 2259/KH-BCH ngày 10-12 năm 2018 phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai; triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở 7 xã/3 huyện của khu vực biên giới. Các đảng viên được phân công phụ trách thông qua cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở thôn, làng nơi cư trú của hộ gia đình mình phụ trách để trao đổi, nắm chắc tình hình mọi mặt trên địa bàn phụ trách. Đồng thời, chủ động đến các gia đình để tìm hiểu những vấn đề cần nắm; kịp thời tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan giải quyết các vấn đề, các vụ việc phức tạp xảy ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.
Đảng bộ thị xã Ayun Pa thực hiện và phát huy hiệu quả "Cặp tài liệu bí thư chi bộ", đây là một mô hình hay đã được một số đảng bộ trong tỉnh học tập để triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Cặp tài liệu gồm 1 cặp đựng tài liệu, 2 cây bút (1 xanh, 1 đỏ), 1 đĩa CD nhạc nghi lễ, 1 sổ ghi biên bản sinh hoạt chi bộ, 1 sổ thu chi đảng phí và đặc biệt 1 sổ tay bí thư chi bộ (trong sổ tay có đầy đủ các tài liệu về lịch sử cũng như hướng dẫn công tác đảng). Qua đó, các đồng chí bí thư chi bộ được nâng cao về nghiệp vụ công tác đảng, tổ chức sinh hoạt chi bộ theo đúng hướng dẫn và hiệu quả; khi bàn giao giữa 2 đồng chí bí thư cũ và mới được bàn giao đầy đủ, dễ tiếp cận công việc, không hụt hẫng trong công tác; cặp tài liệu cũng là nơi lưu trữ, ghi chép những văn bản nghiệp vụ mới mà cấp ủy cấp trên bàn giao.
Ngọc Thảo