Để giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời hạn chế các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động, Quận ủy Cầu Giấy (Hà Nội) đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp.
Trong những năm qua, thực hiện đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trên địa bàn quận Cầu Giấy tăng về số lượng, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động. Tính đến tháng 12-2012, toàn quận có khoảng 6.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có trên 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số gần 11.000 lao động, 37 doanh nghiệp sử dụng từ 50 lao động trở lên, khoảng 800 doanh nghiệp sử dụng trên 30 lao động.
Để giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời hạn chế các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động, Quận ủy Cầu Giấy đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đã được thành lập nhằm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp. Ban có từ 5 đến 7 thành viên, do đồng chí bí thư cấp uỷ hoặc giám đốc doanh nghiệp làm trưởng ban, duy trì chế độ sinh hoạt hằng quý. Ban chỉ đạo đã chủ động phối hợp tham mưu xây dựng quy chế, quy ước dân chủ, công khai đến người lao động gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, Quận ủy Cầu Giấy giao cho Ban chỉ đạo hướng dẫn tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp phối hợp với ban giám đốc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân lao động về thực hiện quy chế dân chủ. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền dân chủ trong việc tham gia đóng góp ý kiến, giám sát và quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động.
Đại diện ban chấp hành công đoàn ở các doanh nghiệp đều trực tiếp tham gia xây dựng các nội quy, quy chế hoạt động của công ty, tham gia trong hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng lương... Chính vì vậy, các vấn đề liên quan đến quyền lợi và chế độ chính sách đối với người lao động luôn được công đoàn kiến nghị với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.
Qua triển khai thực hiện, quy chế dân chủ đã phát huy tác dụng tốt trong công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động được quan tâm đúng mức, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp đã góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng khiếu kiện, tranh chấp trong lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, động viên người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế: Số doanh nghiệp quan tâm và thực hiện tốt quy chế dân chủ mới chỉ dừng lại ở số doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể. Các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề dân chủ và đảm bảo quyền làm chủ của người lao động. Cá biệt có doanh nghiệp chưa xây dựng các quy chế, quy ước dân chủ hoặc có xây dựng nhưng thực hiện hình thức, thiếu tính khả thi. Tổ chức công đoàn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ, nhất là việc xây dựng thoả ước lao động tập thể giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động.
Để tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn quận, Ban Thường vụ Quận ủy Cầu Giấy đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là tuyên truyền, quán triệt Nghị định số 87/2007/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong công ty cổ phần, công ty TNHH, các quy chế, quy ước dân chủ tới cán bộ, người lao động; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tập trung chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
3. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy ước dân chủ trong doanh nghiệp, làm căn cứ để phát huy quyền làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp.
4. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng nếp sống văn minh công nghiệp... qua đó động viên, khuyến khích người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tham gia xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
5. Quan tâm xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Phát huy vai trò giám sát của tổ chức công đoàn đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, uốn nắn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Lê Thị Tú
Ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội