Xuân về trên cao nguyên Đạ Nhim
Sắc xuân Tây Nguyên. Ảnh: Hà Hữu Nết
Nằm cách trung tâm huyện hơn 40 cây số, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 23.903 ha, trong đó diện tích rừng chiếm 85%. Toàn xã có 3.637 nhân khẩu, 90% là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, trên 90% đồng bào ở đây có đạo Tin lành và Cơ đốc giáo. Đạ Nhim là xã được chọn xây dựng thí điểm nông thôn mới của tỉnh. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã không ngừng phấn đấu, xây dựng Đạ Nhim có hệ thống chính trị (HTCT) vững mạnh, kinh tế - xã hội phát triển, buôn làng giàu đẹp, văn minh...

Chuyển hướng phát triển kinh tế - xã hội

Đạ Nhim được tách ra lập xã mới từ năm 2005. Là một trong 16 xã nghèo của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo khi mới lập xã chiếm gần 50%), cơ sở hạ tầng nông thôn thấp kém, “điện, đường, trường, trạm...” hầu hết chưa được xây dựng, cộng với đa số là đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, ban đầu chưa biết làm kinh tế, chủ yếu là trồng sắn, trồng ngô một mùa trên nương rẫy theo tập quán du canh, phá rừng. Vì vậy, cái đói, cái nghèo luôn bám theo dân làng.

Trong điều kiện như thế, phấn đấu để đạt mục tiêu do Đảng bộ đề ra “Trên cơ sở xây dựng HTCT vững mạnh, lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng buôn, làng giàu đẹp, văn minh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước...” là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Để thay đổi được lối làm ăn cũ và những phong tục, tập quán lạc hậu của vùng đồng bào, Đảng ủy đã ra nghị quyết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí cấp ủy viên động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần tự lực, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào trợ cấp của trên. Đích thân đồng chí Bí thư Đảng ủy đi vận động bà con phải biết thay đổi cách nghĩ, cách làm và tích lũy kinh tế từ cái nương, cái rẫy ổn định, không du canh, du cư, không phá rừng. Mở đầu cho sự chuyển hướng làm kinh tế ở Đạ Nhim, Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân cùng với sản xuất cây lương thực, phải phát triển mạnh cây cà phê. Cả HTCT đều vào cuộc vận động bà con trồng cà phê để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thay đổi đời sống. Ban đầu, huyện và tỉnh hỗ trợ cây cà phê giống và phân bón cho bà con theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Hơn 100ha cà phê đầu tiên đã được trồng trên đất Đạ Nhim với số tiền tỉnh đầu tư gần 2 tỷ đồng. Đảng uỷ chỉ đạo UBND xã phân công cán bộ khuyến nông xuống vận động, kiểm tra và hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây cà phê. Giờ thì cây cà phê không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành sản phẩm hàng hóa làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Cùng với phát triển cây cà phê, chủ trương chuyển hướng thứ 2 là Đảng bộ lãnh đạo việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng cho bà con, thực hiện “rừng phải có chủ”. Đến nay đã có trên 15.000ha rừng được giao khoán đến từng hộ. Nhờ đó, tình trạng phá rừng giảm hẳn. Đã có 276/558 hộ được nhận chi trả dịch vụ bảo vệ rừng.

Đồng thời với chuyển hướng kinh tế, cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm... làm thay đổi bộ mặt nông thôn cao nguyên Đạ Nhim.

Sự đổi thay kỳ diệu

Xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chủ trương chuyển hướng của Đảng uỷ, kinh tế - xã hội ở Đạ Nhim ngày càng phát triển, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Thu nhập hiện nay bình quân đạt trên 16 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2005. Cái đói, cái nghèo đã cơ bản được đẩy lùi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 23,44%.

Đến nay, Đạ Nhim đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đó là: 100% số hộ đã được dùng điện; 100% các thôn, buôn có đường nhựa cấp phối; 80% số hộ dân được dùng nước sinh hoạt nông thôn; hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm theo chương trình 134; 100% trường học được xây dựng kiên cố, tỷ lệ trẻ em được huy động đến trường của bậc mầm non, tiểu học đạt 100%, bậc trung học cơ sở đạt 96,2%; trạm y tế đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, công tác trực khám chữa bệnh cho nhân dân được đảm bảo 24/24 giờ.

Đặc biệt, đến nay đã có 19 dự án được tỉnh và huyện chấp nhận cho đầu tư phát triển kinh tế ở Đạ Nhim, có 16 dự án đã triển khai, trong đó 6 dự án của 5 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, gồm thủy điện, chế biến gỗ, trồng rau và hoa, nuôi cá nước lạnh. Hoạt động của các doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích, hiệu quả về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn tạo sự thay đổi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đạ Nhim hôm nay, cùng với sự phát triển về kinh tế là sự tiến bộ về văn hóa, tư tưởng trong đồng bào. Có những chuyện tưởng như rất bình thường nhưng lại là tập quán lạc hậu từ ngàn đời không dễ gì vận động thay đổi. Vậy mà đến nay đã có trên 90% gia đình có nhà tắm, nhà vệ sinh; các con vật nuôi đã có chuồng trại riêng; cơ bản không còn tảo hôn; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm xuống còn 37%... Đồng chí Lơ Mu Ha Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài các chương trình giúp bà con thoát nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới đến với bà con được tiếp nhận với đầy sự phấn khởi, giúp cho thôn, buôn xã Đạ Nhim ngày càng phát triển, tiến bộ, niềm tin vào Đảng, Nhà nước của bà con dân tộc ít người chúng tôi không gì có thể chuyển lay!”.

Đảng bộ vững mạnh

Đảng bộ xã Đạ Nhim từ 1 chi bộ cơ sở với 32 đảng viên năm 2005, đến năm 2006 được nâng lên thành đảng bộ cơ sở với 36 đảng viên. Sau 8 năm phát triển, đến nay Đảng bộ đã có 79 đảng viên (37 đảng viên là người dân tộc thiểu số), sinh hoạt tại 10 chi bộ, trong đó có 5 chi bộ thôn, đạt 100% số thôn có chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2011-2015 có 15 đồng chí, trong đó 11 là người dân tộc thiểu số và 4 là người Kinh (2 trong Thường trực Đảng ủy và 2 là hiệu trưởng trường tiểu học và trung học cơ sở). Đây có thể xem như một thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lại có đông đồng bào theo đạo. Xây dựng đảng bộ, các chi bộ, nhất là các chi bộ thôn TSVM, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, gắn với xây dựng, củng cố HTCT vững mạnh được đảng bộ xác định là nhân tố quyết định lãnh đạo thành công xây dựng nông thôn mới ở Đạ Nhim.

Để có sự đổi mới trong phong cách lãnh đạo của cấp ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, trách nhiệm của từng cấp ủy viên. Trong chỉ đạo, ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện xây dựng chương trình công tác hằng tháng, hằng quý và kế hoạch công tác hằng tuần. Cùng với củng cố tổ chức, kiện toàn bộ máy và các chức danh chuyên môn, Đảng ủy đổi mới nội dung, quy trình ra nghị quyết, xác định rõ vấn đề trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng và xử lý đảng viên vi phạm. Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 05, nay là Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là các chi bộ thôn, buôn. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được gắn với thực hiện học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều chi bộ đã chấn chỉnh nền nếp sinh hoạt đảng, thực hiện tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, từng bước cải tiến nội dung, chú trọng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Nhờ đó, nội dung sinh hoạt phong phú hơn và đạt hiệu quả thiết thực, điển hình như Chi bộ thôn Đạ Tro, Chi bộ Trường Tiểu học Đạ Nhim, Chi bộ quân sự xã...

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là phải tăng cường chỉ đạo công tác phát triển đảng viên. Với Đạ Nhim đây là một nhiệm vụ không dễ dàng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Hoàng Quý Tỵ cho biết: “Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc ít người lại có đông đồng bào theo đạo vừa khó khăn, vừa vất vả. Bởi không chỉ là phát triển mà quan trọng là phải gắn liền với giáo dục, rèn luyện đảng viên sau kết nạp, phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, thuyết phục được quần chúng chấp hành nghị quyết của chi bộ, quyết định của chính quyền”. Vì vậy ở Đạ Nhim, sau khi có nghị quyết của Đảng ủy, các đồng chí đảng ủy viên, chi ủy viên, bí thư chi bộ thôn, buôn tập trung chỉ đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú tạo nguồn phát triển đảng viên. Kết quả là 6 năm qua, Đảng bộ xã Đạ Nhim đã kết nạp được 47 đảng viên, trong đó có 22 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Từ chỗ còn 3 thôn chưa có đảng viên, nay cả 3 thôn đã có đảng viên và đều lập được chi bộ.

Việc lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được Đảng ủy quan tâm chỉ đạo, coi đây là cách dựa vào dân để xây dựng Đảng. Thực tế cho thấy, dù là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhân dân đã thực hiện quyền dân chủ của mình trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví như việc công khai các khoản thu, chi ngân sách của địa phương, nhất là việc thu, chi từ nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp để dân biết và giám sát. Đảng ủy chỉ đạo chính quyền xã tổ chức cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp thông qua bầu cử trưởng thôn; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ của HTCT.

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các tổ chức trong HTCT (chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân) từ xã đến thôn không ngừng được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chăm lo xây dựng tổ chức đảng, dựa vào dân để xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Đạ Nhim đã nhiều năm liên tục giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Trong 10 chi bộ trực thuộc, qua phân tích chất lượng hằng năm chỉ có 1 chi bộ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; còn lại 9 chi bộ (có 5 chi bộ thôn) đạt TSVM. Số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn đạt trên 85%.

Chia tay Đạ Nhim trong những ngày xuân mới, chúng tôi tràn ngập hi vọng và tin tưởng rằng, những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã nêu: Đến năm 2015 thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm; giữ độ che phủ rừng đạt trên 88%; 95% số hộ dân được dùng nước sạch nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, nâng tỷ lệ đảng viên so với dân số đạt 2,5% (hiện nay là 2,1%), hoàn thiện các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới... nhất định được thực hiện thắng lợi. Và nếu 19 dự án đầu tư vào Đạ Nhim đã duyệt được triển khai đồng bộ, có hiệu quả thì tương lai không xa sẽ hình thành mô hình kinh tế nông - lâm - công nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Xuân của sự giàu có cả về vật chất và tinh thần không còn chỉ là mơ ước mà sẽ thành hiện thực tỏa sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên Đạ Nhim.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất