Những đứa trẻ nơi đây, từng ngày lớn lên, dũng mãnh như cây gụ, cây lim giữa rừng đại ngàn, vươn thẳng, đón nhận ánh mặt trời nhờ có thêm bàn tay chăm sóc của những người làm công tác tiêm chủng như chị.
Nhớ lại, năm 2000, tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Đà Nẵng, chị Phượng ra trường và xung phong tình nguyện lên công tác tại huyện miền núi vùng cao Phước Sơn và rồi chị gắn bó với nơi này từ đó đến nay.
Với chi, tuổi trẻ cần phải sống và cống hiến cho đất nước. Những ngày mới lên nhận công tác, chị không khỏi lo lắng và suy nghĩ: Không hiểu mình sẽ làm được gì cho đồng bào các dân tộc đã nhường cơm, sẻ áo, chở che cho bộ đội, cho cách mạng trong những năm tháng kháng chiến? Nhẫn nại, bền bỉ trên những cung đường, với những lối mòn, hành trang mang tên vắc-xin, chị mong mai này, những đứa trẻ của núi rừng lớn lên khoẻ mạnh như cây lim, cây gụ giữa rừng đại ngàn, hiên ngang đón nhận ánh mặt trời.
Những năm đầu chị lên làm công tác tiêm chủng ở Phước Sơn cũng là lúc ngànhy tế đang đẩy mạnh công tác xoá các thôn, bản "trắng" về tiêm chủng. Trên những con đường đất đỏ, lội ngược dòng theo những con suối, cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng như chị miệt mài mang vắc-xin đến từng bản làng xa xôi. Thời điểm đó, Phước Kim, Phước Lộc trong số những xã khó khăn nhất của huyện miền núi vùng cao Phước Sơn. Hoạt động TCMR ở đây lại càng khó khăn hơn. Các xã vùng cao này không có chợ, chỉ có những chiếc xe ôm gùi, chở hàng từ thị trấn vào. Ấy là mùa nắng. Mùa mưa thì chỉ toàn lội bộ. Mọi thứ cần vận chuyển bà con phải gùi bằng đôi vai của mình. Nhiều xã chia cắt nhau bởi con sông Đắc My, muốn vượt sông chỉ có thể đi thuyền hoặc qua những cây cầu khỉ. Đồng bào đi làm nương rẫy từ rất sớm, 6 giờ sáng là không còn ai trong làng, bọn trẻ cũng theo cha mẹ lên rẫy... Vì vậy, các chị phải đi tiêm chủng từ 5 giờ sáng và có khi 8, 9 giờ đêm mới trở về trạm.
Cuộc hành trình mang vắc-xin lên các xã vùng cao để xoá thôn, bản "trắng" vắc-xin như một thử thách lớn lao đối với chị và đồng nghiệp. Ngày đó, không phải cứ mang vắc-xin đến thôn, bản là dân làng quen ngay với tiêm chủng. Chị kể, có chuyến lên Phước Lộc, xã vùng cao, vùng sâu, xa nhất huyện, cách trung tâm huyện cả ngày đường ô tô. Già làng hồ hởi chào đón những người thầy thuốc của Đảng và Nhà nước. Nhưng khi nói đến tiêm chủng, họ bảo: “Bọn mình chưa tiêm bao giờ, có đau ốm đâu mà tiêm?”. Nói rằng, tiêm cho mẹ mang thai sẽ phòng được bệnh cho con. Họ hỏi: “Thế tiêm cho bố có phòng cho con được không?”... Và trẻ con, phụ nữ mang thai trốn hết vì sợ đau. Chị nói với già làng rằng, nếu không tiêm được thì đá và vắc-xin sẽ hỏng hết, mà cái bụng của Đảng, của Nhà nước sẽ rất buồn vì dân làng không được chăm sóc y tế đầy đủ. Già làng bảo: “Đá ngoài suối nhiều lắm, cán bộ không sợ thiếu đâu”. Phải đưa tận tay già làng chạm vào phích đựng vắc-xin, ông mới bảo: “Ừ, lạnh như thế này thì đá ngoài suối ở làng mình không có”. Rồi ngay sau đó, ông cho đi gọi cô con dâu đang mang thai và mấy đứa cháu về nhưng mọi người vẫn sợ. Để chứng minh cho sự đơn giản của mũi tiêm, các chị phải tiêm mẫu cho già làng trước.
Bây giờ thì tiêm chủng đã thành thói quen trong cuộc sống của bà con các dân tộc xã Phước Lộc. Câu chuyện đưa vắc-xin về làng trở thành kỷ niệm vui quanh bếp lửa hồng trong ngôi nhà rông ở Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim, Phước Công… của huyện Phước Sơn.
Đã hơn mười năm lên nhận công tác tại huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, gắn bó với công tác tiêm chủng mở rộng, chị Phượng không nhớ hết mình đã ở lại bao lần trên những căn nhà rông, đặt chân đến bao bản làng, bao lần vượt ngầm, lội qua bao con suối… Chị chỉ biết rằng, mỗi lần trở về nơi đã đi qua, chị được chào đón như người con thân thiết của bản làng. Niềm vui của chị như được nhân lên gấp bội khi người dân ngày một gắn bó với những mũi vắc-xin mà chị và đồng nghiệp giữ gìn, nâng niu trên từng cây số.
Mỗi chuyến đi tiêm chủng, ngoài những lọ vắc-xin, chị cố gắng mang thật nhiều những thứ có thể giúp cho cuộc sống của đồng bào bớt thiếu thốn và mang đến niềm vui cho trẻ nhỏ như: thuốc men, mì ăn liền, chỉ thêu, sách, vở, cây kim may vá quần áo... và không chỉ mang vắc-xin phòng bệnh mà còn mang đến cho đồng bào tình cảm, sự quan tâm của những người ruột thịt dành cho nhau. Ban ngày lăn lội đi tiêm chủng, tối đến, các chị lại tập trung khám bệnh cho đồng bào, nhiều khi đến tận khuya. Chị biết, từ những ngôi làng lọt thỏm giữa cánh rừng đại ngàn này, đường đến trạm, trung tâm y tế xã thật xa. Y, bác sĩ về làng là cả sự mong đợi. Đây cũng là cơ hội cho những người như chị được chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào, hiểu và chia sẻ với họ những tâm tình mộc mạc trong cuộc sống. Và chị hiểu, việc làm nhỏ bé của các chị sẽ góp phần giúp cho ý Đảng, lòng dân thêm hòa làm một.
Trong mỗi chuyến đi, y sĩ Phượng không chỉ đơn thuần thực hiện việc tiêm chủng cho từng đứa trẻ, từng bà mẹ mang thai, mà bản thân chị còn có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho mỗi cán bộ y tế thôn, bản bán chuyên trách tại cơ sở. Vừa làm, chị vừa giám sát, vừa rút kinh nghiệm cho từng vùng, từng khu vực sao cho cách vận dụng hoạt động tiêm chủng mở rộng linh hoạt, hiệu quả nhất.
Chia tay y sĩ Trần Thị Phượng, mọi người trong đoàn thầm cảm ơn chị và có chung suy nghĩ: Nếu không có một tấm lòng với Đảng, với đồng bào miền núi thì những người như y sĩ Phượng đâu có dễ gì gắn bó được với mảnh đất này!
Trần Cao Anh
Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III
232 Nguyễn Công Trứ, Sơn Trà, TP.Đà Nẵng