Đến Phước Năng, Phước Sơn, Quảng Nam vào đúng đợt gió mùa đông bắc, cơn mưa rừng đã làm cho con đường độc đạo dẫn vào xã bị sạt, lở, đất chắn ngang đường, phải chật vật tới 3 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vào đến xã. Bên mâm cơm giản dị với chai rượu cần còn vương mùi khói bếp, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Hồ Văn Dủi say sưa cho chúng tôi biết về câu chuyện xóa đói, giảm nghèo đầy gian khó nhưng cũng đáng tự hào của đồng bào các dân tộc trong xã.
Là một xã nằm cách trung tâm huyện lỵ gần 10 km, Phước Năng có 376 hộ gia đình người Bhnong, Ca Dong, Giẻ, Kinh… cùng sinh sống rải rác ở 5 thôn, làng. Những năm về trước, nơi đây là xã "trắng" về cơ sở hạ tầng, trường học, trạm xá còn tạm bợ, chỉ có những con đường mòn quanh co nằm vắt ngang sườn núi. Bà con các dân tộc đã quen đốt rừng làm nương rẫy, nên đất đai dần trở nên khô cằn. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo (theo tiêu chí cũ) chiếm tới 80%. Gian nan nhất là hơn 40 hộ ở thôn Lách không có điện, trường học, nước sinh hoạt thiếu thốn, ít ruộng, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Bà con phải ăn ngô, sắn trừ bữa là chuyện thường.
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra mục tiêu hàng đầu đó là xóa đói, giảm nghèo, đồng thời củng cố bộ máy lãnh đạo thôn làng, nhằm tạo điều kiện triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình 134, 135, Dự án giảm nghèo… chỉ trong vòng 7 năm (2003-2010), hằng trăm công trình điện, giao thông thôn bản, trạm xá, điểm bưu điện văn hóa xã đã được thi công. Các em học sinh không còn phải học trong những lớp tranh, tre, nứa, lá, thay vào đó là những ngôi trường xây kiên cố, mái ngói khang trang, sạch đẹp, có phòng ở nội trú cho giáo viên và dụng cụ học tập cho các em khá đầy đủ…
Từ khi có điện lưới quốc gia, xã như được “thay da, đổi thịt”, nhiều ngôi nhà xây, mái ngói đã mọc lên, đường sá ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Bà con các dân tộc trong xã không còn gùi hàng bằng đôi vai nữa mà có thể dùng xe máy, xe thồ vận chuyển hàng hóa xuống thị trấn để trao đổi những vật dụng cần thiết. Việc cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là sử dụng máy cày, máy xay xát ngày càng trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với người dân Phước Năng. Nhiều tập quán lạc hậu như du canh, du cư, chăn nuôi gia súc thả rông trong rừng đã được bỏ. Giống cây mới được bà con đưa vào trồng trên diện rộng và bước đầu hình thành vùng chuyên canh quy mô 2-5 ha. Dự án giảm nghèo của huyện còn đầu tư xây hơn 10km kênh mương dẫn nước, cải tạo hàng chục héc-ta đất một vụ thành hai vụ. Nhờ vậy, năng suất lúa ở đây liên tục tăng từ 37 tạ/ha (năm 2007) lên 47tạ/ha (năm 2010), bình quân lương thực đạt 450- 480kg/người/năm.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phước Năng còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc. Đàn gia súc tăng từ 290 con trâu, bò (năm 2007) lên 870 con (năm 2010). Tiêu biểu là hộ anh Hồ Văn Thân với 15 con trâu, bò, đàn dê, kết hợp với trồng rừng, thảo quả và dịch vụ xay xát, mỗi năm gia đình anh thu nhập không dưới 65 triệu đồng. Cũng nhờ áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mỗi năm anh Hồ Văn Thân (thôn Đắc Tôn) thu 5 tấn bắp, xuất hơn 5 tạ lợn thịt, thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đói nghèo trong xã thấy anh Thân, anh Dủi từ những người nghèo nhất làng bản, nay không những sắm được ti-vi, xe máy mà còn xây được nhà cửa khang trang, trong nhà lúc nào cũng đầy ngô, lúa nên bà con trong xã đã tìm đến học hỏi. Có chủ trương đúng đắn, có cán bộ, đảng viên đi trước thành công nay làng Đắc Tôn không còn hộ đói; hộ nghèo giảm còn 29%.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Mặc dù tỉ lệ hộ đói nghèo còn cao, đời sống bà con còn vất vả, nhưng đối với người dân nơi đây, đó là một thành tích để tự hào. Một điều đáng ghi nhận là nếp sống văn hóa mới đã dần dần hình thành và ngày càng đi sâu vào từng gia đình, từng người dân bản địa. Thông qua những buổi họp dân, bàn bạc thống nhất, xã đã xây dựng hương ước, quy ước và tổ chức cho các gia đình ký cam kết thực hiện. Đám ma, đám cưới, giỗ chạp chỉ còn tổ chức 1-2 ngày, nhất là không còn tình trạng mời thầy mo đến cúng bái, không tổ chức ăn uống tốn kém, kèn trống linh đình... Để có được điều đó một phần là do bà con quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, một phần nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên, trưởng thôn, trưởng làng biết gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào”.
Cái khó nhất hiện nay ở Phước Năng là việc ổn định số lượng giáo viên để ngày càng có nhiều trẻ em đến tuổi đi học được đến trường. Trên thực tế, số trẻ em bỏ học ở Phước Năng không phải là ít, nhất là ở cấp THPT bởi nhà các em xa trường, kinh tế gia đình khó khăn. Chính quyền xã đã mở các lớp bán trú THCS dân nuôi tại xã và bổ sung giáo viên tại các phân hiệu nhưng biện pháp ấy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó không chỉ là sự trăn trở của riêng Đảng ủy, các cấp chính quyền nơi đây mà còn là sự nghiệp chung của cả huyện miền núi vùng cao này.
Bài và ảnh: Trần Cao Anh
Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III
232 Nguyễn Công Trứ, Sơn Trà, TP.Đà Nẵng