Hội Thạnh là 1 trong 6 ấp của xã Trung An (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) cách thị trấn Củ Chi trên 10km. Là một ấp đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, có khu công nghiệp Tân Quy nằm trên điạ bàn nên có nhiều gia đình tham gia kinh doanh: 101 hộ kinh doanh phòng trọ, với số công nhân đang trọ là 2.600, gấp đôi số dân của ấp; 110 hộ buôn bán nhỏ... từ đó nảy sinh nhiều vấn đề về trật tự, an ninh, môi trường…. Trước tình hình ấy, nhiệm vụ đặt ra cho chi bộ là phải lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể ấp sớm giải quyết những vấn đề phức tạp mới nảy sinh.
Chi bộ ấp Hội Thạnh có 19 đảng viên, đa số đảng viên đã từng công tác ở các cơ quan, đơn vị quân đội, có nhận thức vững vàng. Chi bộ đã bàn bạc thống nhất thực hiện 4 mô hình, qua 3 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả.
Mô hình tổ chức câu lạc bộ nhà trọ. Tại ấp Hội Thạnh đang có 101 hộ kinh doanh phòng trọ, chiếm 24,96 % tổng số hộ trong ấp. Công nhân (CN) thuê nhà trọ phần lớn là con em của các hộ nông dân trong huyện và một số tỉnh lân cận. Chi uỷ bàn với ban nhân dân ấp, các đoàn thể trong ấp vận động và được hầu hết các hộ có nhà trọ tham gia câu lạc bộ. Các buổi sinh hoạt hằng tuần, các thành viên câu lạc bộ nhà trọ phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chủ trương của huyện ủy, UBND huyện Củ Chi, đảng bộ và UBND xã Trung An. CN được sinh hoạt văn hoá sau giờ làm việc, nâng cao ý thức đề cao cảnh giác trước kẻ xấu, phát hiện đối tượng trộm cắp trà trộn vào những khu nhà trọ. Chi bộ chỉ đạo chính quyền phối hợp với các nhà máy thành lập câu lạc bộ tự quản của CN, tổ chức đội dân phòng tuần tra, canh gác bảo vệ trật tự trị an tại các khu nhà trọ. Câu lạc bộ nhà trọ đã tổ chức ra đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền, múa lân nhằm thu hút các bạn trẻ CN giao lưu, gặp gỡ sau ngày nghỉ, giờ nghỉ.
Mô hình “ba không”, “hai có”. Là một ấp nông thôn nên người dân vẫn có thói quen xả rác thải, đi vệ sinh tuỳ tiện… Chi bộ lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể, đảng viên, nhân dân, CN tập trung xây dựng và thực hiện ba không: không xả rác, chất thải chăn nuôi gia đình, chất thải công nghiệp ra môi trường; không vứt súc vật chết ra nơi công cộng; không phóng uế bừa bãi. Và thực hiện hai có: có thùng rác và hệ thống xử lý rác; có nhà vệ sinh tự hoại, hợp vệ sinh. Cùng với việc chỉ đạo các tổ tự quản thực hiện, chi bộ chỉ đạo ban nhân dân ấp thành lập 2 tổ thu gom rác ở các khu vực nhà trọ và các hộ kinh doanh với 3 xe tải chở rác do 6 chủ thu rác dân lập thực hiện. Chủ trương này được đưa ra cho toàn thể các tổ nhân dân bàn bạc cách làm, cách tổ chức thực hiện. Kết quả, hai năm nay, nhiều con đường, khu nhà trọ trong ấp đã trở thành con đường văn hóa, nhà trọ văn hóa. Ấp Hội Thạnh luôn được UBND huyện Củ Chi công nhận là ấp văn hóa, có nhiều sáng kiến xây dựng ấp văn hoá ở vùng nông thôn.
Mô hình tổ nhân dân tự quản, là cách quản lý hiệu quả các điạ bàn trong 8 tổ nhân dân của ấp. Nội dung của mô hình này là làm tốt việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, kể cả số người tạm trú; quản lý an ninh trật tự; quản lý vệ sinh môi trường… Dưới sự chỉ đạo sát sao của chi bộ, mỗi tổ định kỳ hằng tháng sinh hoạt để phổ biến các chủ trương, chính sách, các vấn đề pháp luật tại địa phương, chương trình xã hội như Vì người nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo; vận động người hồi gia chấp hành đúng pháp luật, vận động người cai nghiện trở về tái hoà nhập cộng đồng tham gia lao động, giúp đỡ họ vươn lên. Chi bộ phân công mỗi đảng viên có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ một người chậm tiến trong ấp, kể cả liên hệ với ngành chức năng của xã, huyện để giúp đỡ những người này sớm có việc làm. .
Mô hình tiếng kẻng tự quản. Chi bộ thống nhất cùng ban nhân dân ấp cắt cử người luân phiên dùng kẻng khi cần. Như để tập hợp lực lượng, báo động, truy bắt kẻ xấu, cướp giật, nhắc nhở mọi người dân trong ấp cùng tham gia giữ gìn trật tự trị an.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Đảng uỷ xã Trung An, sự phân công rõ trách nhiệm trong cấp ủy, đảng viên, sự tham gia tích cực của ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể ấp, những năm qua tình hình an ninh trật tự của ấp Hội Thạnh luôn được bảo đảm, đem lại bình yên cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương phát triển.
Bài và ảnh: Phạm Bá Nhiễu
Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh