Mặc dù đất canh tác ngày càng thu hẹp theo tiến trình đô thị hoá, nhưng sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng vẫn liên tục phát triển. Nông dân thành phố đã làm nhiều mô hình mới với nhiều phương pháp sản xuất-kinh doanh năng động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao… Kết quả trên do nhiều yếu tố cộng lại, trong đó vai trò của tổ chức đảng và đảng viên góp một phần không nhỏ.
Vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng
Giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình là một trong ba phong trào lớn của Hội Nông dân thành phố. Từ năm 2006 đến nay, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ, hội nông dân các cấp của Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 40.000 lượt hội viên trong đó có các đảng viên về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản… và tín chấp cho hàng vạn lượt hội viên được vay vốn từ các kênh ưu đãi. Trên địa bàn thành phố có hàng trăm mô hình nông dân và các đảng viên là nông dân ứng dụng khoa học vào thực tế sản xuất-kinh doanh đạt kết quả tốt. Từ đó tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh và số nông dân có mức sống khá trở lên không ngừng tăng mạnh. Trong 5 năm qua, toàn thành phố có 21.393 lượt hội viên đạt danh hiệu Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi (các cấp) và mỗi năm sản xuất-kinh doanh đạt giá trị từ 600-650 tỷ đồng. Nhiều cá nhân là nông dân, đảng viên điển hình trong sản xuất-kinh doanh, xoá đói giảm nghèo. Tiêu biểu như anh Thái Bá Quang ở xã Hoà Phong đã biến cả một vùng gò đồi hoang dại thành trang trại tổng hợp (nuôi cá, nuôi heo, trồng tiêu cùng nhiều loại cây cao sản), mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhờ giỏi áp dụng khoa học-kỹ thuật, anh Đặng Thuần ở phường Hoà An đã mở xưởng cơ khí, rồi phát triển dần qui mô kinh doanh và đã trở thành một công ty lớn, chuyên lắp ghép khung nhà tiền chế, được khách hàng gần xa hết sức tín nhiệm. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Ba ở xã miền núi Hoà Ninh nổi tiếng với mô hình nuôi gà trong nhà lạnh. Trong trang trại của ông có các phân xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi, có khu vực nuôi gà hậu bị và có đến 6 dãy chuồng nuôi gà đẻ trứng (mỗi dãy nuôi 7.000 con), được lắp đặt hệ thống điều hoà, hệ thống làm vệ sinh tự động và dây chuyền công nghệ biến phân gà thành khí mê-tan để phát điện, tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động…
Thi đua xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các tổ chức đảng đã sâu sát trong chỉ đạo, phối hợp với các cấp hội nông dân và các đảng viên gương mẫu đi đầu, tích cực vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hăng hái đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, chấp hành nghiêm chủ trương giải toả, quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Trong 5 năm qua, nông dân toàn thành phố đã hiến hàng chục hec-ta đất cùng với vật kiến trúc trên đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông, bàn giao hàng trăm hec-ta đất sản xuất trước thời hạn cho các ban quản lý dự án xây dựng và đóng góp gần 10 tỷ đồng, 27.000 ngày công để xây dựng các tuyến đường lớn, nhỏ. Toàn thành phố có 568 chi hội nhận duy tu, bảo dưỡng 568km đường giao thông nông thôn. Được sự quan tâm của cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể, các cấp hội nông dân tích cực tuyên truyền vận động hội viên thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị. Hằng năm, có trên 81% hộ nông dân đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", trong đó có nhiều hộ "Gia đình văn hoá tiêu biểu" là đảng viên. Bên cạnh đó, các cấp uỷ quan tâm, tạo điều kiện để hội nông dân các cấp đã tổ chức các buổi tuyên truyền về nhiều vấn đề để thu hút hội viên như an toàn giao thông, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống ma tuý và huy động hàng ngàn hội viên ra quân thực hiện "Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp". Mặt khác, các cấp hội chủ động phối hợp với công an, bộ đội biên phòng cùng các ban, ngành, đoàn thể, thường xuyên tổ chức tuyên truyền về Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Luật Nghĩa vụ quân sự, các qui định về khai thác hải sản và tích cực vận động gia đình hội viên tham gia dân quân, dân phòng. Đặc biệt, mô hình “Xây dựng chi hội không có hội viên và con em hội viên buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma tuý và không mắc tệ nạn xã hội” được 100% hội viên hưởng ứng, thiết thực góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trong từng xã, phường, thôn, xóm… Góp phần xây dựng tổ chức đảng tại cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục hướng phát triển
Nghị quyết XX nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ Tp.Đà Nẵng xác định: Phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Xây dựng nông thôn mới văn minh, kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường… Nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống Ban Chấp hành Hội Nông dân Tp.Đà Nẵng xác định: Trong những năm tới tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó giảm nghèo, làm giàu chính đáng, nỗ lực phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá và khu dân cư văn hoá; tích cực vận động nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội, nhiệt tình xây dựng địa phương và thực hiện Chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố. Dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, các cấp hội nông dân sẽ có chương trình, kế hoạch cụ thể và tăng cường công tác tuyên truyền, vừa tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về phong trào nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Hội Nông dân thành phố đang phấn đấu thực hiện hai đề án lớn. Một là, chủ trì xây dựng Đề án Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, nhằm tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật, dịch vụ, vốn, vật tư, thiết bị máy móc nông nghiệp và tổ chức dạy nghề tại chỗ, ngắn hạn cho nông dân. Hai là, chủ trì phối hợp với Liên minh các hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng thí điểm một số mô hình hợp tác xã, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên trên địa bàn thôn.
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm
80 Hùng Vương, Đà Nẵng