“Người dân tộc thiểu số chúng tôi đã tin ai thì tin nhất mực. Chúng tôi mong Đảng luôn là người lãnh đạo sáng suốt, tận tâm, tận lực vì dân, luôn xứng đáng với niềm tin của dân bản…”. Đó là tâm sự chung của nhiều bà con người dân tộc thiểu số sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Niềm tin ấy đã chuyển thành tình cảm...
Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông Diệp Minh Tài và bà Trương Thị Loan ở làng Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã đứng chờ ở cổng trong trang phục cổ truyền dân tộc mình. Gia đình ông Tài có đến 12 đời ở làng này và đang là dòng họ lớn nhất, chiếm trên 50% trong tổng số gần 60 hộ gia đình người dân tộc Sán Dìu sinh sống ở Tam Thái.
Ông Tài sinh năm 1946, tham gia bộ đội năm 19 tuổi. Suốt 10 năm quân ngũ, ông được làm nhiệm vụ bảo vệ ATK, tham gia xây dựng K9 - nơi giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và là tiểu đội phó tiểu đội 259 bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1975, ông chuyển ngành làm cán bộ kiến thiết cơ bản tại UBND huyện Đồng Hỷ. Cuộc sống của ông bà có những giai đoạn rất vất vả nhưng luôn hạnh phúc vì các con của ông bà học hành thành đạt, là những người hữu ích cho gia đình, dòng tộc và xã hội. Đến nay, 4 người con của ông, bà có thể thành lập được chi bộ.
Câu chuyện của chúng tôi trở nên sôi nổi hơn khi đề cập đến Đại hội lần thứ XI của Đảng. Ông Tài bày tỏ những ý nghĩ mình về Đảng: Tôi nghĩ, mỗi kỳ đại hội Đảng là mỗi lần thêm ánh sáng đối với đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi. Trong mọi giai đoạn lịch sử, người dân tộc thiểu số chúng tôi đều được Đảng quan tâm các chính sách ưu đãi. Tôi nhớ thời bao cấp khó khăn, mỗi người chỉ được 4 mét vải/năm, nhưng những người dân tộc thiểu số chúng tôi được 5 mét. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, trình độ học vấn của người dân tộc thiểu số đã phát triển nhanh. Trước đây chúng tôi khó mơ có thạc sĩ, tiến sĩ, nay riêng làng tôi đã có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, con gái tôi có 2 bằng đại học, gia đình tôi có 4 người là đảng viên.
Tuy nhiên, ông Tài băn khoăn: Người nông dân nói chung, người nông dân là người dân tộc thiểu số nói riêng hiện vẫn còn nhiều lo lắng trên mảnh đất canh tác của mình. Đảng, Nhà nước đưa nhiều chương trình, dự án về với nông dân và chúng tôi tin tưởng Đảng lãnh đạo thực hiện. Nhưng nhiều dự án sản phẩm không biết bán ở đâu. Nguyện vọng của tôi là chương trình dự án của trên đưa xuống nên có cả vốn, quy trình, chế biến và đặc biệt là nơi tiêu thụ thì bà con mới thoát được nghèo. Trường học dành cho con em người dân tộc thiểu số nhưng chủ yếu lại là con em dân tộc vùng ven đô được vào học. Con em người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa vào học chưa nhiều. Trước đây - ông Tài nói - trường Dân tộc được gọi là Trường rẻo cao, nghĩa là trường dành cho người ở trên núi cao xuống học, nay thực tế không đạt được như thế. Riêng về dân tộc mình, ông bày tỏ: Dân tộc Sán Dìu trên toàn quốc có 9,5 vạn người, hầu hết bà con đã biết sử dụng tiếng phổ thông nhưng chưa hiểu hết nghĩa, hơn nữa, được nghe thông tin bằng tiếng nói của dân tộc mình dễ tiếp thu hơn, dễ “vào” hơn. Vì thế tôi đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam hay Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh có chương trình nói tiếng dân tộc Sán Dìu…
Khi chia tay chúng tôi, ông Tài nói như tâm sự: Tôi là người ngoài Đảng nhưng luôn là công dân tốt một lòng theo Đảng. Người dân tộc thiểu số chúng tôi đã tin ai thì tin nhất mực, nhưng chúng tôi thấy trong Đảng có người này tham nhũng, người kia tiêu cực, quả thật, rất buồn. Chúng tôi mong Đảng xử lý thích đáng những cán bộ, đảng viên làm sai để Đảng luôn xứng đáng với niềm tin của dân bản.
Tạm biệt làng cổ Tam Thái xinh đẹp với những con đường bê tông chạy đến chân các thửa ruộng, những cánh đồng rau vụ đông xanh mướt cho thu nhập cao, trong diện mạo làng bản ngày hôm nay có sự đóng góp của ông Diệp Minh Tài, một quần chúng có uy tín, trách nhiệm với cộng đồng và hết lòng theo Đảng, chúng tôi tiếp tục bước trên con đường đất đỏ mới đắp dẫn lên nhà ông Hoàng Minh Sáng, dân tộc Cao Lan, xóm Dộc Mấu, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Ngôi nhà xây khang trang của ông tọa lạc giữa bát ngát mầu xanh của vườn chè. Chúng tôi gặp ông Sáng lúc đang bón phân cho vườn chè của gia đình với hy vọng sẽ được thu hoạch thêm một lứa chè đông trước khi đến Tết Nguyên đán.
|
Ông Hoàng Minh Sáng: Sự lãnh đạo của Đảng có
vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Ảnh: Quang Minh
|
Với gia đình ông Sáng và tất cả người dân xóm nhỏ Dộc Mấu, cuộc sống hiện tại so với khoảng 20 năm trước đây là một sự thay đổi lớn. Sinh năm 1952, tham gia quân ngũ 10 năm ở Sơn Tây tại đơn vị Phòng tham mưu, Bộ Tư lệnh Thiết giáp, năm 1982 ông Sáng phục viên trở về địa phương. Gắn bó với quê hương và nhiều năm liên tục được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm, ông Sáng là người cảm nhận rõ hơn ai hết những đổi thay trong đời sống của bà con trong xóm.
Xóm Dộc Mấu hiện có 75 hộ với 316 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em: Cao Lan, Sán Chí, Kinh, Tày và Sán Dìu. Cách đây khoảng 20 năm, hầu hết người dân trong xóm thuộc diện hộ nghèo, trong đó quá nửa gia đình thiếu đói từ 4 đến 6 tháng mỗi năm, có thời điểm cả xóm phải lên đồi đào củ mài ăn thay cơm. Thế nhưng đến nay xóm đã không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo cũ), hầu hết nhà ở đều được kiên cố hóa, 100% trẻ em được đi học đúng độ tuổi, xóm đã được sử dụng điện lưới quốc gia từ năm 1991. Theo ông Sáng, đổi thay này xuất phát từ đường lối, chính sách ưu tiên cụ thể của Đảng và Nhà nước với khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng xóm Dộc Mấu trong những năm qua đã được đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển giao thông nông thôn, lưới điện, nhà văn hóa. Các lớp tập huấn về IPM trên cây chè, chăn nuôi… cùng với vay vốn ưu đãi cho người nghèo đã giúp bà con trong xóm thay đổi từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Ông Sáng khẳng định: Bà con dân tộc thiểu số ở địa phương tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trên cương vị là Trưởng xóm, tuy không phải là đảng viên nhưng tôi luôn gương mẫu, tự hào vì có Đảng dẫn đường.
Thời gian này, ông Sáng dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội XI của Đảng. Ông chia sẻ: Tôi rất đồng tình với những quyết sách mà đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội XI đã đưa ra, đặc biệt là các chính sách với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên tôi nhận thấy, đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị có lẽ cần nhiều thời gian mới có thể rút ngắn. Một nguyên nhân của tình trạng này là trình độ canh tác lạc hậu do người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ít được cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật mới, thiếu nhiều vốn sản xuất, thiếu thông tin về thị trường... nên một số chương trình, dự án đầu tư cho địa phương hiệu quả chưa cao. Tôi mong muốn, Đảng bộ tỉnh cụ thể hoá đường lối, chính sách do Đại hội XI của Đảng đề ra, quan tâm hơn nữa vùng nông thôn, miền núi, trang bị cho nông dân chúng tôi cái “cần câu” là kiến thức, thông tin về sản xuất, thị trường. Có chính sách ưu tiên đào tạo cử tuyển và thu hút nguồn nhân lực đến với vùng sâu, vùng xa và con em dân tộc đã qua đào tạo về địa phương công tác. Sự lãnh đạo của Đảng có vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Tôi mong tổ chức đảng ở cơ sở, đặc biệt là cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu để bà con noi theo. Thường xuyên lựa chọn, bồi dưỡng những quần chúng trẻ, ưu tú, nhất là con cháu người dân tộc thiểu số kết nạp vào Đảng để bổ sung nguồn sinh lực cho Đảng.
Đến với Mường Tè (Lai Châu), tôi được gặp một người con ưu tú của dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng - Lù Phì Nhự. Sinh năm 1986 trong một gia đình có 5 anh chị em. Trước đây bố Nhự là Trưởng ban Văn hóa huyện, Cụm trưởng cụm Pắc Ma nên rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Nhự vẫn nhớ như in những khó khăn của thuở mới đi học. Tiếng Kinh chưa sõi, Nhự không theo kịp bạn. Học được nửa năm Nhự bỏ về. Bố Nhự kiên quyết đưa Nhự trở lại trường và may mắn của Nhự là bố mẹ đều biết tiếng Kinh và chăm chút cho việc học của con. Nhự như cái cây bén lại rễ nên bắt nhịp được với bạn, với lớp. Cấp 3 Nhự học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Tốt nghiệp PTTH, Nhự tiếp tục học Trung cấp nông nghiệp huyện. Xã Ka Lăng có 19 bản, 2 dân tộc sinh sống, người La Hủ chiếm 20%, Hà Nhì chiếm 80%. Nhự được đi tập huấn các lớp về phụ nữ ở huyện. Khi đi học, Nhự làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ không chuyên trách. Từ tháng 3-2009 Nhự là Chủ tịch hội. Nhự đã đi hết các bản Hà Nhì, một số bản của La Hủ để tuyên truyền cho bà con thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
|
Lù Phì Nhự: Đại hội XI của Đảng có cách làm cho
bà con dân tộc đủ ăn, đủ mặc, ngày càng giàu to
để có điều kiện chăm sóc cho trẻ em, phụ nữ.
Ảnh: Hồng Cơ
|
Làm công tác phụ nữ ở xã, Nhự nhớ những dịp thăm bà con La Hủ ở bản Là Si phải đi bộ gần 5 giờ đồng hồ, những buổi đến bản Mù Cả đi tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, hướng dẫn bà con các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Bà con hỏi, có những câu Nhự trả lời được ngay, nhưng cũng có những câu hỏi Nhự phải khất, về tìm sách báo đọc, hỏi những người đi trước rồi mới trả lời được. Từ tháng 7-2010, Nhự vừa được điều chuyển làm cán bộ Hội phụ nữ huyện Mường Tè. Đường sá xa xôi, mỗi lần về nhà đi lại vất vả nhưng được sự tín nhiệm, phân công của tổ chức Nhự không nề hà. Nhiệm vụ của Nhự hiện nay là phụ trách các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cảng. Đây đều là những địa bàn khó khăn nhưng Nhự tâm sự: Em không bao giờ ngại khó, được đi cơ sở tiếp xúc với nhiều người em rất vui. Nhự kể những lần đi cơ sở nhiều hội viên mù chữ, tuyên truyền khó. Nhưng thuận lợi là Nhự biết tiếng dân tộc. Nhự trực tiếp nói chuyện, giải thích cho bà con, dịch từng câu trong văn bản ra tiếng dân tộc. Không chỉ tuyên truyền cho dân bản, Nhự còn học cái hay, cái sáng tạo của nơi này trong kinh nghiệm sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt để sang nơi khác truyền đạt, hướng dẫn cách làm. Vì thế, Nhự càng được bà con tin yêu
Những công việc mới Nhự được các chị cùng Hội giúp đỡ, động viên. Nhự hồn nhiên kể: 5 chị của 5 dân tộc, học hỏi được nhiều điều lắm. Nhự khoe: Mới đây em là một trong hai người của huyện được đi tập huấn ở lớp Nâng cao năng lực giảm nghèo bền vững ở Hà Nội đấy.
Khi tôi hỏi về nguyện vọng trở thành đảng viên, Nhự tâm sự: Em muốn được như bố em, như anh cả em, như các chị cùng phòng, được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhự khoe: Em được đi học lớp cảm tình đảng từ hồi còn ở xã Ka Lăng đấy. Các chị cùng hội giúp đỡ em nhiều lắm, các chị chỉ dẫn đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng, công việc hoàn thành tốt, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể.
Em mong Đại hội XI của Đảng có cách làm cho bà con dân tộc đủ ăn, đủ mặc, ngày càng giàu để có điều kiện chăm sóc cho trẻ em, bà mẹ. Đặc biệt là phụ nữ được quan tâm, bình đẳng, được hướng dẫn nhiều về cách làm ăn, chăm sóc gia đình, tạo điều kiện cho trẻ con được đến trường. Ở Nhự tôi cũng gặp mong muốn như ông Diệp Minh Tài ở làng Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, phải có nhiều trường dân tộc thiểu số và các trường đều hoạt động đúng mục tiêu. Em trưởng thành như hôm nay nhờ rất nhiều ở các thầy cô trường Dân tộc Nội trú Mường Tè. Chia tay Nhự, tôi nhớ nụ cười tươi trẻ, ánh mắt trong trẻo của em. Em hẹn tôi lần sau về với Ka Lăng quê em, em sẽ đèo đi bằng xe máy. Đường trơn mưa rừng em cũng đi được...
Trên đường phố đang ngập sắc hồng của cờ hoa chào mừng Đại hội XI của Đảng, tin tưởng những mong muốn của ông Tài, ông Sáng, Phì Nhự và bà con dân tộc người thiểu số sẽ được đáp ứng. Mong sao cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc. Bởi đó là lý tưởng của Đảng ta.
Hồng Tâm - Như Lê