Có thể nói, đất nước, dân tộc Việt Nam từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến nay đã đứng trên một vị thế mới - vị thế một quốc gia XHCN độc lập, tự chủ - trong thế giới hội nhập, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước cùng phát triển. Đó cũng là cơ duyên, vận hội để Phật giáo ngày càng gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự dân tộc vì cuộc sống hạnh phúc, an lạc.
Cánh cửa thời gian của năm 2010 đã khép lại, thời khắc đất trời giao hoà của năm 2011 đã hé mở cũng là báo hiệu Xuân Tân Mão đã về. Xuân Việt Nam thật kỳ diệu như một lẽ tự nhiên đã có sự gắn kết, hoà quyện của Xuân thiên nhiên, Xuân dân tộc và Ngày Xuân khai sinh Đảng Cộng sản Việt Nam trong cùng thời khắc, trở thành nét văn hoá truyền thống đặc sắc của Xuân: Mừng Xuân - mừng Đảng - mừng Đất nước đổi mới phát triển, thịnh vượng.
Trải bao thăng trầm của lịch sử với bao sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc, từ những chiến công hiển hách chống ngoại xâm từng vang vọng năm châu, bốn biển, đến những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đưa Tổ quốc Việt Nam vươn lên ngang tầm thời đại, hội nhập toàn cầu. Và Xuân này cả dân tộc Việt Nam trong đó có các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam hân hoan chào đón thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam với 81 mùa xuân xây dựng, trưởng thành.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh Phật giáo luôn gắn liền với dân tộc không chỉ trong thời bình mà cả khi đất nước, dân tộc bị xâm lăng. Chủ tịch Hồ Chí Minh vị cha già của dân tộc, lãnh tụ của Đảng đã khẳng định: Phật giáo với dân tộc như hình với bóng, trong hai mà một. Phật giáo cũng có câu: “Đạo pháp bất ly thế gian pháp”, nghĩa là Đạo - Đời gắn kết bền chặt như một chân lý tự nhiên. Đạo từ Đời mà sinh ra và phụng sự cho Đời. Đời nuôi Đạo và giúp Đạo trường tồn. Quả như vậy, trong hơn 2.000 năm có mặt trên đất Việt, Phật giáo đã ăn sâu, bén rễ và phát triển trong xã hội Việt, trở thành một bộ phận của văn hoá, tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam, luôn gắn bó, kề vai sát cánh cùng dân tộc dựng nước, giữ nước qua các triều đại từ Đinh - Lê - Lý - Trần cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Ngay từ thời nhà Đinh và tiền Lê, đích thân Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu là Tăng thống và ban hiệu Khuông Việt đại sư (Nhà sư giúp nước Việt).
Vua Lê Đại Hành khi lên ngôi đã mời Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Vạn Hạnh vào Triều làm quốc sư và cố vấn chính trị.
Đến thời Lý, Phật giáo được xem như quốc giáo của người Việt, các Thiền sư Không Lộ vừa là thầy thuốc có tài chữa mắt, vừa là nhà chính trị đoán vận nước giúp vua nhà Lý. Còn Tuệ Tĩnh vừa là thiền sư, vừa là danh y đại tài chữa bệnh cứu chúng sinh và để lại cho y học nước nhà và thế giới bộ dược học vô giá. Đặc biệt, nhà chính trị, ngoại giao tài ba Thiền sư Vạn Hạnh chính là người đã nuôi dạy Lý Công Uẩn từ nhỏ và đã cùng giới Phật giáo tác động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi báu. Lý Công Uẩn trở thành vị vua thông minh, tài đức, có nhãn quan chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hoá. Bằng nhãn quan chiến lược ấy, Lý Công Uẩn đã nhìn ra vị trí đắc địa vùng đất Đại La, đã ban “Chiếu dời đô” từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên là Thăng Long trở thành “Thượng đô cho muôn đời”. Công lao của Vạn Hạnh hơn 50 năm sau vẫn được vua Lý Nhân Tông đề thơ truy tặng:
Vạn Hạnh dung ba cõi
Thật hợp sấm thời xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy giữ kinh vua.
Cho đến đời Trần, các vị vua, quan đều là những phật tử thuần thành, không những tinh thông về Phật học mà còn giỏi về thế học; không những tu thân, rèn đức để trở thành những minh quân mà còn là những nhà chính trị và quân sự tài tình xuất chúng, biết cách biến sứ mệnh đạo Phật thành lý tưởng phục vụ cho đời, giải thoát khổ đau cho xã hội mà tiêu biểu là vua Trần Nhân Tông.
Thời đại Hồ Chí Minh không chỉ có các thiền sư mà đông đảo tăng ni, phật tử đã gắn bó, cống hiến cho Phật giáo, cho dân tộc qua các chặng đường lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, tổ chức “Phật giáo cứu quốc” đã ra đời tại chùa Bà Đá (Hà Nội), hơn 50 nhà sư đã gấp áo cà sa gửi lại cửa từ bi, khoác chiến bào xung vào đoàn quân Nam tiến. Nhiều nhà sư tham gia hoạt động cách mạng đã nêu cao tinh thần vô uý của Phật giáo, bất khuất trước kẻ thù đánh đuổi thực dân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhiều nhà sư miền Bắc đã xung vào đoàn quân vượt Trường Sơn đi cứu nước. Nhiều nhà sư ở miền Nam đã dũng cảm, kiên cường xuống đường đấu tranh chống Mỹ Nguỵ, một số nhà sư trẻ đã tự thiêu, đặc biệt Hoà thượng Thích Quảng Đức đã biến tấm cà sa vàng của mình thành dàn hoả thiêu giữa đường phố Sài Gòn làm chấn động địa cầu, rung chuyển Nhà trắng để chống đàn áp Phật giáo, đòi tự do tôn giáo và độc lập dân tộc.
Đất nước giành được độc lập, thống nhất từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, giang sơn gấm vóc thu về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi công dân; coi tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; coi đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã mở ra những điều kiện thuận lợi để các tăng ni, phật tử thực hiện tâm nguyện “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”, làm tròn bổn phận của mình với đất nước và Đức bổn sư Thích ca Mầu Ni Phật.
Sau 6 năm đất nước thống nhất, năm 1981 Đại hội Phật giáo toàn quốc lần đầu tiên đã từ 9 hệ phái thống nhất làm một trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam với đường hướng hoạt động: Đạo pháp - dân tộc -chủ nghĩa xã hội. Đường hướng đó phù hợp với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng chính là thời cơ, vận hội tạo cho Phật giáo phát triển, hoà nhập vào xu thế của thời kỳ đổi mới. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo nhờ đó mà phát triển khắp cả nước với trên 40 ngàn tăng ni và hàng triệu phật tử, sinh hoạt trong hàng vạn chùa chiền, tự viện. Không ít những ngôi chùa và cơ sở thờ tự được nhà nước và các cấp chính quyền đầu tư tu sửa, nâng cấp; tín đồ các tôn giáo được tự do hành lễ, tham quan vãn cảnh. Những ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cũng được Nhà nước cấp kinh phí để phục chế, tôn tạo. Với tinh thần “hộ quốc an dân” tín đồ Phật giáo cả nước đã nêu cao tinh thần yêu nước, hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, tham gia xoá đói, giảm nghèo; phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã nêu cao đạo lý sống, phát huy và giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Cùng với đó là phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng các gia đình chính sách, gia đình nghèo. Hàng trăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng ngàn trẻ mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ; hằng năm có hàng trăm nhà tình nghĩa được trao tặng, hàng trăm ngàn tỷ đồng được các tăng ni, phật tử tự nguyện quyên góp cho phong trào phật sự để giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn, hoạn nạn, mất mát của đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên tai, bão lũ.
Có thể nói, đất nước, dân tộc Việt Nam từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến nay đã đứng trên một vị thế mới - vị thế một quốc gia XHCN độc lập, tự chủ - trong thế giới hội nhập, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước cùng phát triển. Đó cũng là cơ duyên, vận hội để Phật giáo ngày càng gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự dân tộc vì cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Thật sung sướng thay, trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta hôm nay: đất nước phồn vinh, thịnh vượng, Phật pháp xương minh phát triển trong ánh vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một mùa Xuân nữa lại về! Xuân cửa thiền hoà cùng Xuân Đất nước và Đảng quang vinh. Xin cầu nguyện Chư Phật phù hộ cho quốc thái dân an, mọi nhà, mọi người đều được hưởng hạnh phúc, an lạc.
Thích Giác Phú