Phước Sơn là một trong những huyện miền núi vùng cao, vùng xa của tỉnh Quảng Nam; giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân dân nghèo khó nhưng bà con các dân tộc nơi đây lúc nào cũng một lòng với Đảng, với Bác. Chuyện giải tỏa để lấy đất xây dựng những công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn, làm đau đầu lãnh đạo nhiều địa phương thì tại Phước Sơn, một huyện miền núi vùng cao, người dân tự nguyện hiến đất đã trở thành phong trào. Kết quả đó không phải ngẫu nhiên có được.
Khi ý Đảng hòa với lòng dân
Hầu hết những người mà chúng tôi đã gặp trong chuyến đi công tác nghiên cứu thực tế lần này đều có chung một câu trả lời, đại loại: “vì mình, vì mọi người”, “vì cái chung, mình thiệt thòi ít, được lợi cho cộng đồng nhiều hơn”. Chúng tôi muốn kể hết những tấm gương cao cả của những người còn nghèo khó ở nơi này, bởi họ xứng đáng được tuyên dương…
Anh Hồ Văn Thuyền, cán bộ nông lâm của thị trấn Khâm Đức đưa chúng tôi đi một vòng quanh thị trấn. Hiện ra trước mắt chúng tôi là tuyến đường vành đai phía đông, phía tây và các con đường liên khu, liên xóm đang được thi công, ngổn ngang đất, đá. Anh Thuyền tâm sự: “Từ năm 2009 đến nay, người dân thị trấn đã hiến cho Nhà nước 87.245m2 đất để làm đường giao thông nông thôn mà không lấy một đồng đền bù hay đòi hỏi bất cứ điều kiện gì”.
Trong tổng số 47 hộ ở thị trấn Khâm Đức tự nguyện hiến đất, nhiều hộ gia đình có cuộc sống hết sức khó khăn. Chúng tôi thật sự xúc động khi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Hay, khu phố 4. Chồng làm ruộng, chị ở nhà nội trợ, bình quân thu nhập mỗi ngày gia đình chị kiếm được khoảng 50.000 đồng để trang trải cuộc sống và nuôi 5 đứa con ăn học. Gia đình chị vẫn sống trong căn nhà cấp 4, chật chội và xập xệ. Ấy vậy mà khi cán bộ xuống vận động, chị sẵn sàng hiến 10m trên tổng số 30m đất mặt tiền của nhà mình cho Nhà nước làm đường (Diện tích hiến là 300m2. Theo giá thị trường, 1m2 đất mặt tiền giá 15 triệu đồng). Khi chúng tôi đặt câu hỏi chị có thấy tiếc không, chị trả lời rất thật: “Ban đầu cũng tiếc vì nếu đem bán, gia đình tôi giải quyết được nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi thấy mình đã quyết định đúng và chúng tôi hạnh phúc vì đã đóng góp được một phần trách nhiệm của mình với Nhà nước và bà con nơi đây”.
Chia tay chị, chúng tôi sang khu phố 2 thăm gia đình bác Hồ Thái. Nhà bác có 5 sào đất, nhưng khi có chủ trương, vợ chồng bác đã hiến 1,4 sào đất (trị giá 100 triệu đồng) để làm đường. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn viết bài, bác xua tay: “Thôi thôi, có gì đâu mà viết. Chúng tôi ở đây ai cũng vậy mà”. Vợ bác cho biết, có 2 đứa con đang học đại học ở Tp. Đà Nẵng và Tam Kỳ, Quảng Nam, còn một đang học lớp 12. Từ đầu năm đến giờ, vợ chồng bác đã phải chu cấp 10 triệu đồng cho các cháu.
Vâng, chúng tôi hiểu rằng với người nông dân, trong thời buổi giá cả đắt đỏ, nuôi một người con học đại học vất vả lắm! Họ phải chắt chiu, tích cóp từng đồng, giảm mọi chi phí trong gia đình để gửi tiền cho con ăn học. Từ đó, ta mới hiểu được giá trị, tấm lòng của bà con khi họ sẵn sàng hiến hàng ngàn mét đất cho Nhà nước.
Chúng tôi đến xã Phước Năng, nơi đã có 105 hộ tham gia hiến đất với khoảng 40 ngàn m2. Có người hiến nhiều, người hiến ít; người vài chục m2, người vài ngàn m2. Thật là việc làm hết sức cao cả. Tôi vẫn nhớ những cái tên như: ông Hồ Văn Dũi ở thôn Đắc Tôn hiến 500m2 đất trồng cây trẩu, cây tiêu 2-3 năm tuổi đang cho thu hoạch. Ông Hồ Văn Thân dời nhà và chặt bỏ 50 cây tiêu, xoài để bàn giao 900 m2 đất cho địa phương. Nhân dân thôn Làng Khôn đã tự nguyện chặt bỏ cây mít, cây tiêu để Nhà nước làm đường giao thông... Không thể thống kê con số thật chính xác, nhưng nếu Nhà nước phải bỏ tiền đền bù theo giá thị trường hiện nay, có lẽ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Chỉ biết rằng, riêng về thiệt hại hoa màu của bà con, theo tính toán của UBND huyện Phước Sơn đã lên đến hơn 4 tỷ đồng.
Kinh nghiệm từ Phước Sơn
Hiện nay, chuyện giải tỏa dân để lấy đất xây dựng những công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn, làm đau đầu lãnh đạo nhiều địa phương thì tại Phước Sơn, một huyện miền núi vùng cao, người dân tự nguyện hiến đất đã trở thành phong trào. Kết quả đó không phải ngẫu nhiên có được. Nó thể hiện tình đoàn kết và sự đồng thuận cao giữa “ý Đảng và lòng dân”; nói lên vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong công tác vận động quần chúng. Bởi thực tế đã chứng minh rằng: Khi lòng dân đã tin, người dân đã đồng lòng, góp sức thì mọi việc dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ thành công. Kinh nghiệm của huyện Phước Sơn:
Một là, phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch đối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Công khai các tuyến đường theo quy hoạch, tổ chức tuyên truyền để lấy ý kiến nhân dân, giúp nhân dân thấy rõ được ý nghĩa về kinh tế-xã hội cũng như dân sinh của từng con đường khi được đầu tư.
Hai là, mọi chủ trương, phương châm thực hiện đều được quán triệt sâu sắc, tạo ra sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân.
Ba là, giao trách nhiệm cụ thể cho bí thư, chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong việc vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, coi đây là tiêu chí trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở.
Bốn là, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện phải dành thời gian dự và chủ trì các hội nghị ở cơ sở đối với những con đường liên quan đến nhiều hộ dân phải giải tỏa.
Năm là, chính quyền phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề đạt chính đáng của nhân dân nhằm giải quyết công việc một cách hợp lý, công bằng, công khai, dân chủ.
Sáu là, khi đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng thì dự án phải thực hiện đúng tiến độ, để đảm bảo lòng tin đối với nhân dân.
Bảy là, sau mỗi dự án phải có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và tìm ra những nhân tố tích cực trong thực hiện tốt chủ trương để tuyên dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Cao Anh
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III