Người dân A Lưới đổi đời nhờ công cuộc đổi mới.
Khi Bác mất, mọi người có nguyện vọng mang họ Bác Hồ, thể hiện tâm nguyện sắt son của đồng bào các dân tộc một lòng đi theo con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ lựa chọn. Ðến nay, trên địa bàn huyện A Lưới có hơn 11.800 người tự nguyện mang họ Hồ của Bác. Phấn khởi chào mừng Ðại hội XI của Ðảng, bà Kan Lịch nói: “Tôi cũng như bà con ở đây đặt nhiều niềm tin ở các đại biểu. Mong Ðại hội thảo luận, quyết định nhiều vấn đề tạo bước đột phá cho sự phát triển của đất nước”.
Khắc ghi lời Bác dạy, đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cà Tu... ở A Lưới đã và đang cùng đảng bộ, chính quyền địa phương tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Mầu xanh bạt ngàn của cây tràm, cây quế, cao-su, khoai, sắn trải rộng khắp mọi nơi, phủ kín hố bom, phủ kín vùng đất hoang hóa ngày nào vốn bị chiến tranh hóa học hủy diệt. Cái nghèo đói, lạc hậu đang dần lùi xa. Con em các dân tộc có khá nhiều người đã là cử nhân, kỹ sư tình nguyện về phục vụ quê hương. Thế hệ "con cháu Bác Hồ" đã phá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, thoát được cảnh nghèo. Già làng Hồ Quỳnh Nhất (gần 80 tuổi), người đã lập ra làng A Pung thuộc xã Nhâm, kể: “Làng có 35 hộ, 170 nhân khẩu. Ngày trước, dân bản quen cuộc sống du canh, du cư, đau ốm đều cúng “giàng”, nay đã biết định canh, định cư, lập làng để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu. Nhà nào cũng đã thoát nghèo, có cái ti-vi để xem, có cái xe máy để đi lại. Già làng mong muốn qua Ðại hội lần này, Ðảng và Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Chúng tôi đến thôn Ân Triêng 1, xã Hồng Trung - một trong những khu dân cư tiên tiến xuất sắc của huyện A Lưới trong phong trào xây dựng cuộc sống mới. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thôn và cả huyện A Lưới đều rợp cờ Ðảng và cờ Tổ quốc xen lẫn các khẩu hiệu, pa-nô chào mừng Ðại hội Ðảng. Ông Hồ Văn Tết, bí thư chi bộ phấn khởi nói: Thôn có 65 hộ với hơn 400 nhân khẩu (chủ yếu là người Pa Cô) thì hầu hết có mức sống khá. Ðồng bào trong thôn thực hiện nhiều phong trào thiết thực xóa đói, giảm nghèo, nhất là mô hình tổ tương trợ, giúp nhau các công việc hằng ngày. Thôn đã thành lập "tổ đoàn kết" với 35 thành viên, mỗi gia đình có một lao động chính tham gia. Mỗi ngày "tổ đoàn kết" tập trung làm cho một hay vài gia đình nào đó, tùy theo khối lượng công việc, cứ làm xong công việc của nhà này rồi đến làm cho nhà khác, từ việc dọn rẫy, trỉa hạt, trồng lúa, đến việc thu hoạch. Nhờ đó, những vườn cây được chăm sóc chu đáo và xanh tốt trở lại, những nương ngô, sắn của nhiều hộ trước kia do thiếu công lao động, bị bỏ hoang, cỏ mọc ngập, nay đã được phát dọn sạch sẽ, thắm đượm mầu xanh của cây trái, hoa quả. “Tổ đoàn kết” đã giúp hàng nghìn ngày công xây dựng hàng chục ngôi nhà tình thương cho người nghèo.
Ðường Hồ Chí Minh đi qua huyện, cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tai, Tà Vàng - A Ðớt đang mở, tạo cho A Lưới một tương lai đầy hứa hẹn. Hàng trăm km đường bê-tông, đường nhựa đến tận các thôn, bản, đồng bào đỡ vất vả, không còn phải thiếu thốn thực phẩm. Hầu như 100% số xã đều có đường ô-tô vào tận nơi. Chợ A Lưới bây giờ tấp nập người bán, người mua, không còn cảnh đi chợ tuần hoặc đi từ tờ mờ sáng để trao đổi hàng hóa. Hơn 35 năm sau chiến tranh, khu vực sân bay A So (xã Ðông Sơn) bây giờ đã có một bộ mặt khác. Từ vùng đất chi chít hố bom, chất đi-ô-xin, bây giờ A So đã hồi sinh với những cánh rừng, những dãy nhà sàn tinh tươm...
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Xuân Trăng cho biết: A Lưới đang phấn đấu xây dựng thị trấn A Lưới từ đô thị loại năm lên đô thị loại bốn, trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, đủ sức lan tỏa đến các vệ tinh trên địa bàn, tác động và tạo đà cho các vệ tinh này phát triển, đưa A Lưới trở thành thị xã trong tương lai. Trong đó, trung tâm đô thị sẽ phát triển lĩnh vực dịch vụ, thương mại... và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện ở các vùng ngoại thị. A Lưới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng các điểm vệ tinh theo hướng hình thành một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ như ở Nhâm, Ðông Sơn... để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp, tạo tiền đề cho một đô thị năng động phía tây của Huế nay mai.
Ấm tình Cha Lo.
Trong căn nhà sàn còn thơm mùi gỗ, già Hồ Xon ở bản Y Leng, xã Dân Hóa xúc động nói: “Già đã qua 76 mùa rẫy nhưng chưa khi mô làm được ngôi nhà mới. Chừ nhờ ơn Ðảng, ơn cái bộ đội giúp cho vợ chồng già có nhà mới để ở. Tết ni có nhà mới, già vui cái bụng lắm”.
Ðồn trưởng Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo (Quảng Bình), Thượng tá Phan Thanh Tâm cho biết, trong những ngày diễn ra Ðại hội XI của Ðảng, đơn vị trực 100% quân số để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, làm tốt công tác dân vận, hỗ trợ để đồng bào ổn định đời sống; đồng thời bảo đảm sự thông thương ở cửa khẩu Cha Lo. Giáp Tết, lượng phương tiện, hàng hóa và người qua lại cửa khẩu quốc tế Cha Lo tăng cao nhưng Trạm kiểm soát cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với các ngành làm tốt thủ tục xuất nhập cảnh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không ách tắc... Dịp này, Ðồn biên phòng Cha Lo đón nhận tin vui được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong bốn năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thiếu tá Ðinh Xuân Hùng, Chính trị viên Ðồn biên phòng CKQT Cha Lo, cho biết: “Chúng tôi đã xác định, thực hiện Cuộc vận động là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng, nếu làm tốt sẽ tạo được bước chuyển thật sự trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Ðảng ủy, chỉ huy Ðồn đã ra nghị quyết lãnh đạo, triển khai học tập tới cán bộ, đảng viên và quần chúng; đồng thời, xác định rõ các khâu yếu để có giải pháp phù hợp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đơn vị”.
Bốn năm qua, Ðồn biên phòng CKQT Cha Lo tổ chức được 163 đợt với 1.089 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra bảo vệ địa bàn, 27,5 km đường biên và bốn cột mốc chủ quyền; phát quang đường tuần tra, đường công vụ phục vụ công tác phân giới cắm mốc hơn 50 km, truy quét, đẩy đuổi 934 đối tượng vi phạm quy chế biên giới làm trong sạch địa bàn... Xã biên giới Dân Hóa với diện tích 18.650 ha nhưng chỉ có 240 ha đất sản xuất, nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Nơi biên cương, trong những căn nhà nhỏ của đồng bào không lúc nào vắng hình ảnh người lính biên phòng. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, chỉ cho dân bản cách rào vườn trồng rau, làm chuồng nuôi trâu, bò, lợn. Những ngày mưa lũ, đồng bào gặp khó khăn, Bộ đội Biên phòng Cha Lo đã kịp thời giúp gạo, mì tôm, nước uống. Thực hiện Chương trình 134, 30a, Ðồn biên phòng CKQT Cha Lo cử hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dựng nhà, khai hoang đất trồng ngô, khám chữa bệnh... cho bà con. Qua từng công việc cụ thể, Bộ đội Biên phòng Cha Lo đã trở thành những người con thương yêu của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa. Già làng Hồ Pheo ở bản Ra Mai, xã Dân Hóa nói: “Không có Bộ đội Biên phòng Cha Lo dân bản chừ không thoát được đói. Bộ đội dạy cho con em cái chữ, dạy cho dân trồng thêm cây ngô, nuôi thêm con bò, con lợn... Dân bản coi Bộ đội Biên phòng là con của bản, làng rồi”. Ở Cha Lo, chúng tôi đã nghe được nhiều câu chuyện xúc động khác...
Hơn một tháng sau ngày cháu bé suýt bị chôn sống theo mẹ ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được cứu sống, chúng tôi đã gặp hai chiến sĩ kịp thời có mặt cứu đứa trẻ thoát khỏi sự oan nghiệt của tập tục lạc hậu. Ðó là Trung úy Trương Vĩ Lê và Thiếu tá Võ Duy Diễn. Các anh kể lại: Ngày 5-12-2010, tổ tuần tra của Ðồn đến bản Ka Ai để kiểm tra tình hình đời sống của bà con. Từ xa, các anh đã nghe tiếng khóc của một gia đình có người thân vừa qua đời. Ghé lại hỏi thăm mới biết một sản phụ vừa chết do bị băng huyết và cháu bé sắp bị chôn sống theo mẹ. Rất may mắn, khi bé trai vừa được đặt xuống huyệt mộ thì các anh ngay lập tức có mặt vận động, giải thích cho bà con dân bản không nên chôn sống đứa trẻ. Sau khi nghe Bộ đội Biên phòng giải thích, dân bản nghe theo. Hai anh đưa bé đến cho người chị ruột (đã có gia đình) của cháu chăm sóc, nuôi dưỡng. Cán bộ, chiến sĩ của Ðồn quyên góp được hơn hai triệu đồng làm quỹ để mua sữa, bột cùng với gia đình chăm lo cho Hồ Dưỡng (tên do Bộ đội Biên phòng Cha Lo đặt). “Bây giờ Hồ Dưỡng là con chung của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Cha Lo rồi đấy”- Thượng tá Phan Thanh Tâm nói vui.
Thêm một tin vui đến với Ðồn Cha Lo trong những ngày này, đó là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa có quyết định nhận chị Ðịnh Thị Hằng, vợ của Trung úy Hồ Thoong, Ðội trưởng trinh sát Ðồn biên phòng CKQT Cha Lo anh dũng hy sinh trong khi truy bắt lâm tặc cuối năm 2008, vào làm công nhân quốc phòng.
Về xã vùng sâu Chế Tạo.
Chúng tôi về xã vùng sâu Chế Tạo (thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) để vui Tết truyền thống của người Mông và chứng kiến không khí người dân phấn khởi chào mừng Ðại hội Ðảng. Vượt qua đèo Khau Phạ với chiều dài 27 km, sương mù dày đặc ngập kín cả vùng đèo núi. Từ quốc lộ 32 rẽ trái, thêm hơn ba giờ vượt qua các đỉnh Kim Nọi, Háng Giàng, Chế Tạo cao sừng sững, mới về đến Chế Tạo, xã cuối cùng của tỉnh Yên Bái có đường giao thông đến. Trong cái rét căm căm dưới 8oC, thanh niên, thiếu niên trong những bộ quần áo mới sặc sỡ vui chơi ùa đến vẫy chào khách, bởi quá lâu rồi mới có xe về Chế Tạo.
Cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 35 km, Chế Tạo là xã xa nhất tỉnh Yên Bái. Toàn xã có 275 hộ người dân tộc Mông sinh sống ở bảy bản, trong đó các bản Háng Tày, Pú Vá, Tà Xung cách trung tâm xã từ 15 đến 19 km. Chế Tạo xa xôi, cách trở về địa lý, điều kiện sinh sống cực kỳ khó khăn, chủ yếu tự cung tự cấp, không có điện, không có đường ô-tô, không điện thoại, cán bộ xã làm việc chung trong ngôi nhà gỗ lợp ván thông ba gian chật hẹp... Vì thế, hơn mười năm trước, một số bản đã xin tách khỏi Yên Bái để về với huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Tỉnh ủy Yên Bái đã đưa đoàn công tác do Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phùng Quốc Hiển (hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội) dẫn đầu, đi bộ từ sáng đến nửa đêm mới tới xã, vài ngày tìm hiểu, tổ chức họp với dân bàn cách khắc phục khó khăn, ổn định tình hình. Ý nguyện của đồng bào là xin Ðảng, xin tỉnh một con đường từ huyện lỵ tới xã, chỉ có như vậy mới giải quyết được thiếu chữ, thiếu ăn, thiếu ánh sáng, mới đuổi được con ma rừng quẩn quanh bắt người chỉ vì không có bác sĩ và xe cấp cứu khi có bệnh trọng.
Nghị quyết của Ðảng bộ Yên Bái xác định, đến trước năm 2010 có 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm. Sở Giao thông vận tải (GTVT) được tỉnh giao cho việc đỡ đầu xã đặc biệt khó khăn Chế Tạo. Từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, cộng với huy động sức dân các xã trong huyện Mù Cang Chải để làm đường giao thông nông thôn vào xã. Mỗi bao xi-măng phải chia đôi hai người cho vào gùi để vận chuyển bộ hàng chục km, dây cáp bằng thép thì không chặt được, mà gùi cũng không được vì quá nặng, thế là phải rồng rắn mỗi người một đoạn để đưa cáp vào xã làm cầu treo qua suối. Những nơi đường đi qua bị vướng đá núi, không được nổ mìn vì quy chế nghiêm ngặt bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, đồng bào phát huy kinh nghiệm dân gian là dùng củi khô đốt liên tục mấy ngày khiến đá vỡ tơi để thông đường. Cuối năm 2010, đường vào xã đã thông cho ô tô đến, dù chỉ vào mùa khô. Có đường giao thông đến bản làng, bộ mặt xã Chế Tạo thay đổi hẳn. Trạm y tế xã được xây mới và có y sĩ người Mông trực hằng ngày. Hơn 250 học sinh được đến lớp tại bốn điểm trường, trong đó có một điểm trường được xây hai tầng khang trang. Ðiện lưới tuy chưa có vì chi phí hàng trăm tỷ đồng cho kéo đường dây hơn 35 km đến xã với một tỉnh nghèo như Yên Bái là không thể thực hiện được, những nhà có điều kiện đã biết dùng sức nước làm thủy điện nhỏ để có điện xem ti-vi, xem băng hình.
Chủ tịch UBND xã Sùng A Tủa vui mừng cho biết: Nhà mình ở Háng Tày cách đây 17 km, ngày trước tới họp ủy ban phải đi bộ mất cả buổi sáng, nay được đầu tư của Nhà nước, cả bảy bản trong xã đều có đường giao thông nông thôn đến, nên mình mua cái xe máy đi về chỉ mất có hơn một tiếng thôi, tiện lắm. Những ngày diễn ra Ðại hội XI của Ðảng cũng là dịp Tết của đồng bào Mông. Mọi nhà ở đây đều làm bánh dày, mổ lợn, gà cúng ông bà, tổ tiên và cầu chúc cho mùa vụ mới tốt tươi. Bí thư Ðảng ủy xã Giàng A Tủa tâm sự: Thế mạnh của xã mình là rừng, cả xã có diện tích 23.658 ha, thì gần 17.000 ha là rừng khoanh nuôi bảo vệ do dân cùng khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo quản lý. Có tiền từ việc giữ rừng, làm 158 ha lúa một vụ ruộng bậc thang cộng với trồng cây thảo quả, nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ hơn 80% nay giảm dưới 50% là điều đáng ghi nhận. Ngay như lớp trẻ hôm nay cũng rất hiếu học, hàng chục em được gia đình cho ra phố huyện theo học trường dân tộc nội trú, nhiều em đã trở thành sĩ quan quân đội, công an, kỹ sư và cán bộ chủ chốt của huyện Mù Cang Chải. Trong ngôi nhà văn hóa xã, sàn được lát gạch hoa, rộng 120 m2, công trình trị giá 200 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Yên Bái hỗ trợ, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bùi Danh Tú, cho biết thêm: Những năm qua, ngoài việc trợ giúp làm nhà văn hóa xã, đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho các hộ nghèo và các cháu học sinh học giỏi.
Năm 2010 tỉnh đã đầu tư 60 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường nối quốc lộ 32 với trung tâm xã. Nhiệm vụ của ngành trước mắt là nối tuyến đường từ Mường La (Sơn La) đến Mù Cang Chải; đường nối quốc lộ 70 với quốc lộ 32C; đường tránh ngập đoạn qua Tp. Yên Bái... nhằm phá thế độc đạo, nhất là vào mùa mưa lũ, bảo đảm tốt giao thông trên địa bàn chiến lược vùng Tây Bắc. Những tuyến giao thông nông thôn về các xã Chế Tạo, Bản Mù, Phình Hồ, Tà Xi Láng, Nà Hẩu, Lành Nhì... đường đi đến đâu nông thôn miền núi có thêm sức sống mới, ánh sáng văn hóa tràn đến khắp các làng xa, bản gần.
Nguồn: Nhân dân điện tử