Bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị ở trường Đại học Chính trị - vài kinh nghiệm
Mục tiêu đào tạo cán bộ chính trị phân đội, sĩ quan chính trị là đồng thời phải trở thành đảng viên để vừa đảm nhiệm chức trách cán bộ chính trị, vừa đủ tiêu chuẩn làm bí thư chi bộ, đảng bộ. Nguồn đào tạo cán bộ chính trị phân đội ở trường Đại học Chính trị hầu hết là đoàn viên nên số lượng đảng viên dự bị ở các chi bộ đại đội học viên rất lớn. Trong số này hầu hết chưa được rèn luyện, thử thách trong hoạt động chính trị - xã hội, thực tiễn quân sự, mà chủ yếu chỉ trong môi trường của nhà trường với những điều kiện khá thuận lợi. Thực tế đó tạo nên mâu thuẫn giữa số lượng đông và yêu cầu chất lượng cao của đội ngũ đảng viên dự bị, đòi hỏi phải được giải quyết trong thời gian của một khoá học.

Nhận rõ tính chất đặc thù đó, công tác bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị ở các chi bộ đại đội học viên đã được chú trọng. Đa số đảng viên dự bị đã phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu, hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên - học viên, góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng mục tiêu đào tạo cán bộ chính trị. Điều đó chứng tỏ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tiến hành công tác bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị của các chi bộ học viên đóng vai trò quyết định trực tiếp; tính tự giác, chủ động, tích cực tự bồi dưỡng, rèn luyện của mỗi đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.


Từ thực tiễn công tác bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị của các chi bộ đại đội học viên ở trường Đại học Chính trị trong những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:


Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời của các cấp uỷ đảng
.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của đảng uỷ các cấp, của cơ quan chức năng, đặc biệt là đảng uỷ cơ sở (đảng uỷ tiểu đoàn) đối với công tác bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị của các chi bộ đại đội học viên đào tạo cán bộ chính trị phân đội luôn giữ vai trò quyết định. Dựa vào các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn và sự chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của cấp trên, các chi bộ đại đội học viên xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn và xây dựng kế hoạch phù hợp, bảo đảm tính khoa học, liên tục, chặt chẽ, cụ thể và phân công thực hiện gắn với trách nhiệm từng cấp, làm cho công tác bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị thực sự được quan tâm đúng mức, chất lượng ngày càng được nâng cao, đi vào chiều sâu, tránh hiện tượng hình thức hoặc xem nhẹ công tác này.


Hai là, gắn chặt quá trình bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị với quá trình “học - rèn” của học viên trong thực hiện mục tiêu đào tạo.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo cán bộ chính trị, quá trình bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị phải trực tiếp góp phần làm cho đảng viên dự bị thực sự có đủ tiêu chuẩn trở thành đảng viên chính thức - tiền đề quan trọng để họ trở thành người cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở sau này. Do đó, quá trình bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị phải được tiến hành đồng thời với quá trình giáo dục, đào tạo trong sự gắn kết chặt chẽ và thống nhất với nhau. Từ nội dung, hình thức, biện pháp, kế hoạch đến quy trình bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị đều được cụ thể hoá theo từng năm học, trong mỗi khoá học sao cho phù hợp với từng “chặng đường” tiến tới hoàn thiện mục tiêu mô hình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Như vậy, quá trình “học - rèn” của học viên không chỉ là quá trình lĩnh hội kiến thức, trau dồi năng lực nghề nghiệp chuyên môn, xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người sĩ quan mà còn là quá trình tôi luyện tư cách của người đảng viên cộng sản - cán bộ chính trị.

Ba là, thường xuyên phát huy vai trò trách nhiệm của tập thể chi uỷ, chi uỷ viên, đội ngũ đảng viên chính thức trong bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị.
Sự gương mẫu của chi uỷ viên, đảng viên chính thức về mọi mặt (nhất là đảng viên được phân công hướng dẫn, giúp đỡ đảng viên dự bị) chính là những tấm gương thiết thực thúc đẩy đảng viên dự bị noi theo, phấn đấu vươn lên. Do đó, tập thể chi uỷ, từng chi uỷ viên, đảng viên chính thức phải nỗ lực rất cao, thường xuyên sâu sát, đề cao trách nhiệm “là người thầy trực tiếp”, từ việc xác định chủ trương, biện pháp, kế hoạch, đến phân công trách nhiệm cụ thể trong tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra chu đáo; đặt ra yêu cầu cao đối với mỗi đảng viên dự bị và kịp thời có biện pháp giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.
Thực tiễn cho thấy, chi bộ nào có tập thể chi uỷ, từng chi uỷ viên và đội ngũ đảng viên gương mẫu, quan tâm chăm lo và tận tụy với công tác bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị thì ở đó đội ngũ đảng viên dự bị trưởng thành nhanh chóng, chi bộ đoàn kết, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng lên. Ngược lại, chi bộ nào thiếu quan tâm, đảng viên lơ là, buông xuôi, để mặc đảng viên dự bị “tự thân vận động”, thì ở đó có tình trạng đảng viên dự bị dừng lại, kết quả học, rèn giảm sút.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để tạo ra hiệu quả toàn diện và vững chắc trong
bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị.
Trong từng tháng, quý, học kỳ, năm học và cả khoá học, đảng uỷ các cấp cần xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo và cụ thể hoá bằng nghị quyết, kế hoạch, nội dung lãnh đạo công tác phát triển đảng viên và nội dung bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị, có thể ra các nghị quyết chuyên đề. Chi bộ, chi uỷ chú trọng việc lựa chọn, giao nhiệm vụ cho đảng viên chính thức trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ đảng viên dự bị trong khoá học phù hợp với khả năng, trình độ của từng người, tạo điều kiện cho đảng viên dự bị thực sự yên tâm, nỗ lực phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục triệt để những yếu kém. Các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân đại đội cần được phát huy tối đa trong tham gia xây dựng Đảng nói chung, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị nói riêng. Cần phát huy vai trò trách nhiệm, tính chủ động, tích cực thường xuyên của chi đoàn trong việc quản lý, giáo dục, rèn luyện nguồn phát triển đảng và đảng viên dự bị. Sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên tham gia xây dựng Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên dự bị sẽ tạo ra sức mạnh và kết quả tổng hợp, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên dự bị, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.


Năm là, chú trọng phát huy vai trò tự bồi dưỡng, rèn luyện của đảng viên dự bị.
Đó là một biện pháp quan trọng
nhằm phát huy tính năng động chủ quan của mỗi đảng viên dự bị trong suốt thời gian được tổ chức đảng thử thách. Chi bộ cần có biện pháp chỉ đạo, giáo dục, động viên, hướng dẫn đảng viên dự bị đề cao ý thức tự giác, lòng tự trọng, ý chí tự lực vươn lên để khẳng định mình, tự hoàn thiện phẩm chất và năng lực theo tiêu chuẩn đảng viên và mục tiêu đào tạo. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo, từ chủ trương, biện pháp lãnh đạo và kế hoạch của chi bộ, từng đảng viên dự bị cần xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, rèn luyện một cách cụ thể thiết thực, sát với khả năng của mình. Chi uỷ, tổ đảng và đảng viên được phân công theo dõi cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, lấy đó làm cơ sở để xem xét, đánh giá và phân tích chất luợng đảng viên dự bị một cách chính xác, chỉ ra những biện pháp cần thiết giúp họ phấn đấu vươn lên, khắc phục biểu hiện trung bình chủ nghĩa, thiếu tinh thần tích cực tự bồi dưỡng, rèn luyện.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất