Khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nông thôn?
Cầu Bồng Sơn - một cây cầu mới xây của huyện Hoài Nhơn, Bình Định
Tôi quen một cậu em gần nhà, do thi hỏng đại học, cha mẹ mở cho một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động. Việc buôn bán mặt hàng này ở quê không đắt. Thời gian rảnh rỗi, cậu thường tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do đoàn thanh niên xã, thôn tổ chức. Tháng 8 vừa qua, Đoàn Thanh niên xã xét thấy đoàn viên này nhiệt tình, tích cực trong các phong trào nên giới thiệu cho chi bộ. Chi bộ làm thủ tục giới thiệu lên tổ chức đảng cấp trên xem xét, kết nạp. Tuy nhiên, có một điều khá buồn cười là cậu em chưa hiểu gì về Đảng, hay nói cách khác là chưa được “giác ngộ về Đảng” nhưng vẫn bằng lòng: “Ừ thì vào, nghe cũng hay hay”! Vậy là chi bộ “giải quyết” được nỗi lo: Đủ chỉ tiêu để báo cáo lên cấp trên. Nhưng, chỉ bốn tháng sau, gặp lại cậu em, nghe cậu bùi ngùi tâm sự: “Em bỏ sinh hoạt đảng 3 kỳ, nên chi bộ đề nghị cho ra khỏi Đảng rồi”. Hỏi cậu vì sao lại bỏ sinh hoạt đảng, cậu em nói từ khi được chi bộ xét kết nạp vào Đảng, cậu chưa thấy ai quan tâm, giúp đỡ gì để tiến bộ cả (ý nói một đảng viên phân công giúp đỡ); cậu cũng chẳng được giao nhiệm vụ gì để được gọi là thử thách, rèn luyện bản thân; đi dự họp thấy không thú vị gì, toàn nghe đọc văn bản, chủ trương, rồi chẳng ai nói gì thêm… Cậu cũng chẳng biết phải góp ý gì, đâm ra chán. Cha mẹ bảo cậu về chuyên tâm cho công việc buôn bán thì hơn!

Câu chuyện trên thật đáng suy nghĩ! Hằng năm, các đảng bộ xã, thị trấn đều dựa trên chỉ tiêu phát triển đảng viên của huyện để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cho địa phương mình. Thế nhưng, ít có đảng bộ xã nào trước khi xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phản hồi lại rằng việc giao chỉ tiêu của huyện là bất khả thi. Do vậy, đảng ủy cơ sở lại “giao khoán” về các chi bộ. Và bí thư chi bộ thôn phải “vác tù và” để kiếm người vào Đảng. Và nhiều khi “kiếm” được người vào Đảng như “gặp may”. Từ trước đến nay, nguồn phát triển đảng viên mới tại vùng nông thôn vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, dân quân tự vệ. Nhưng, trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển đảng rất hiếm hoi! Bởi phần đông trong số họ thường đi làm ăn xa, ít khi ở địa phương. Số khác còn lại tại địa phương lại có trình độ chưa hết THCS, làm các nghề phụ hồ, phục vụ đám cưới, sửa xe,… Số thanh niên này nếu có sinh hoạt đoàn thể ở xã, thôn cũng chỉ “chiếu lệ”, “qua loa” nên không thể phấn đấu trở thành quần chúng ưu tú để giới thiệu tạo nguồn, bồi dưỡng đứng vào hàng ngũ của Đảng được.

Đã có nhiều cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng đảng, nhiều cán bộ cơ sở đã phân tích đến khó khăn, thuận lợi trong phát triển đảng viên ở nông thôn. Nhiều ý kiến mạnh dạn cho biết việc phát triển đảng viên hiện nay tại vùng nông thôn yếu và kém chất lượng. Một phần, do năng lực tuyên truyền, giải thích của cán bộ được phân công phụ trách, giúp đỡ đảng viên rất hạn chế. Đảng viên ở thôn thường bận việc đồng áng nên ít khi nghĩ đến việc giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng ưu tú mà chi bộ đã phân công. Mặt khác, việc “bỏ lửng” đảng viên sau khi kết nạp đã dẫn đến tình trạng đảng viên trẻ, dự bị không còn mặn mà, thiết tha với tổ chức. Một số chủ trương, chính sách lại không được phổ biến, quán triệt kịp thời đến các đối tượng trên, nên tại một số vùng nông thôn, đảng viên vi phạm pháp luật, bạo hành gia đình không phải là chuyện hiếm.

Cuối năm 2010, một số đảng bộ xã ở Hoài Nhơn, Bình Định đã không hoàn thành chỉ tiêu trên giao về công tác phát triển đảng viên. Có đảng bộ trong năm chỉ phát triển vẻn vẹn 3 đảng viên (tỷ lệ đạt 1,39%)… Thực tế cho thấy, trong công tác này, để tìm ra một quần chúng thực sự ưu tú ở cơ sở nông thôn là rất khó khăn,.

Có ý kiến cho rằng, huyện Hoài Nhơn là “cái nôi của truyền thống cách mạng” nên có lẽ không khó gì khi tìm người trẻ tuổi để kết nạp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân... Vẫn có nhiều khó khăn xung quanh công tác này. Bởi lực lượng đoàn viên, thanh niên và công tác giải quyết việc làm cho thanh niên ở cơ sở vẫn còn những khó khăn…

Từ thực tiễn Hoài Nhơn, Bình Định có thể thấy: Các tổ chức đảng cần đánh giá đầy đủ thực chất tình hình trong công tác phát trển đảng viên, để từ đó định kế hoạch và tiến hành công tác phát trển đảng viên thật sự đảm bảo chất lượng, không để chạy theo số lượng. Khó khăn tuy có nhưg trực diện với khó khăn ở cơ sở, đưa ra giải pháp thích hợp và tích cực thực thi sẽ xây dựng được đội ngũ đảng viên ở nông thôn đông về số lượng, mạnh về chất lượng.   
  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất