Đến tháng 4-2006, toàn đảng bộ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum còn 6 thôn, làng chưa có đảng viên và 11 thôn, làng chưa có tổ chức đảng. Hiện nay tất cả 76 thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều đã có đảng viên; 73 thôn, làng có tổ chức đảng, tăng 16 thôn, làng so với trước...
Là huyện miền núi vùng biên, Ngọc Hồi có 47 km đường biên giới giáp với hai nước bạn Lào và Cam-Pu-Chia, cách trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum 62 km theo Quốc lộ 14; có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 66%, theo tôn giáo chiếm 20% dân số toàn huyện; nhiều nơi mặt bằng dân trí còn thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống kinh tế khó khăn. Trong nhiều năm, Đảng bộ Ngọc Hồi luôn chú trọng công tác xây dựng đảng, đặc biệt là công tác xóa thôn, làng chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của các TCCSĐ trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào, nhất là ở các thôn, làng vùng biên, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng bền vững, góp phần giữ vững trật tự, an ninh quốc phòng. Từ năm 2006, công tác này càng được Đảng bộ triển khai quyết liệt khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành "Đề án xóa thôn, làng chưa có đảng viên đến năm 2010, tiến tới xóa thôn, làng chưa có tổ chức đảng” (Quyết định số 138-QĐ/TU ngày 12-4-2006).
Thực hiện Quyết định 138, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo sao lục và quán triệt Đề án đến cấp ủy các TCCSĐ, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp đó, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch (số 14-KH/HU ngày 1-6-2006) cụ thể hóa nội dung Đề án phù hợp với từng thôn, làng trên địa bàn. Nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp, thiết thực đã được thực hiện: Phân công cấp uỷ viên phụ trách thôn, làng, tổ dân phố, phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, đưa đảng viên về sinh hoạt tại các thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên, tổ chức đảng, chia tách, thành lập mới tổ chức đảng ở những thôn, làng đã đủ điều kiện thành lập nhưng còn sinh hoạt ghép.
Song song với đó, Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa với các xã, thị trấn theo Nghị quyết 04-NQ/TU (khoá XIII) của Tỉnh uỷ thường xuyên phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ cấp uỷ xã, thị trấn, các thôn, làng, tổ dân phố trong triển khai nhiệm vụ chính trị trên địa bàn gắn với thực hiện công tác phát triển đảng viên. Chỉ đạo lồng ghép triển khai có hiệu quả Chương trình 32-CTr/TU về nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; Kế hoạch 25-KH/TU và Chỉ thị 08-CT/TU về xây dựng thôn, làng vững mạnh; Quy định 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên; xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng ở thôn, làng, tổ dân phố. Sau mỗi đợt sơ kết đều rút kinh nghiệm, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, giúp cấp uỷ cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở các thôn, làng có bước phát triển vượt bậc:
Một là, các cấp uỷ cơ sở nghiêm túc xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và giao chỉ tiêu, trách nhiệm cho từng chi bộ; chi bộ giao cụ thể cho từng đảng viên triển khai thực hiện. Việc giám sát, kiểm tra, chỉ đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở kịp thời, thường xuyên, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên trong từng năm.
Hai là, các cấp ủy viên, đảng viên được phân công nhiệm vụ phụ trách thôn làng, hộ và nhóm hộ tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trong xây dựng các phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, xây dựng đời sống văn hóa thôn, làng, chấp hành chủ trương, chính sách nhà nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Qua đó lựa chọn, động viên, giáo dục, bồi dưỡng các đối tượng là nông dân gương mẫu, sản xuất giỏi, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lực lượng cốt cán ở các thôn, làng, con em các gia đình chính sách, có công cách mạng... để đưa vào diện cảm tình đảng.
Ba là, công tác mở lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đối tượng được tiến hành thường xuyên. Thủ tục hồ sơ kết nạp đảng chuẩn bị nghiêm túc, nhanh chóng, và đúng quy định. Đặc biệt, sau khi hồ sơ đối tượng được hoàn tất, trước khi ra quyết định kết nạp, Thường vụ Huyện ủy trực tiếp tổ chức kiểm tra đánh giá nhận thức về Đảng và động cơ vào Đảng của từng đối tượng. Đối tượng nào nhận thức còn mơ hồ, động cơ không rõ ràng sẽ được trả hồ sơ về cơ sở để kiểm định và bồi dưỡng tiếp.
Qua 4 năm triển khai Đề án, 1.485 quần chúng ưu tú đã được các cấp ủy đảng lựa chọn đưa vào nguồn kết nạp đảng; 1.018 quần chúng được bồi dưỡng nhận thức về Đảng ở 17 lớp cảm tình đảng, chiếm 68,55% tổng số quần chúng được xét công nhận là cảm tình đảng. Trong 4 năm (từ tháng 4-2006 đến 4-2010) các xã, thị trấn đã kết nạp được 204 đảng viên mới, chiếm 65% so với tổng số đảng viên được kết nạp trong toàn huyện; trong đó có 96 đồng chí (chiếm 47,05%) là nguồn phát triển ở thôn, làng, tổ dân phố. Chất lượng đảng viên mới qua các năm được đánh giá là đảm bảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên của Đảng bộ. Từ kết quả đó, 16 tổ chức đảng ở thôn, làng được thành lập, 7 chi bộ trực thuộc Huyện ủy được chia tách, lập mới, 1 chi bộ cơ sở xã nâng thành đảng bộ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức đảng, tiếp tục xóa 3 thôn, làng còn lại chưa có tổ chức đảng, đồng thời phát triển nhanh, mạnh, có chất lượng đội ngũ đảng viên, Đảng bộ Ngọc Hồi đang tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
- Trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Đề án 138, phổ biến trong toàn Đảng bộ những kinh nghiệm của các cấp ủy qua chỉ đạo gắn công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị; tăng cường hiệu quả công tác kết nghĩa của các đơn vị trên địa bàn với các thôn, làng…
- Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo để nâng cao dân trí trên địa bàn huyện, đặc biệt chú ý đến đối tượng thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, để có được trình độ học vấn và năng lực nhận thức đáp ứng tiêu chuẩn kết nạp đảng viên.
- Xây dựng những điển hình đảng viên tiên tiến, sản xuất giỏi, công tác tốt, biết giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, lấy đó làm tấm gương thực tiễn sinh động để thuyết phục quần chúng tin yêu Đảng, theo Đảng và có mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Bài: ThS. Trương Thị Bạch Yến, ThS. Trần Quốc Dương
Ảnh: Bạch Kim