Kiểm tra đảng viên không phải là “moi móc” khuyết điểm hay đặt nặng vấn đề kiểm điểm, xử lý vi phạm như nhận thức ở một số người. Kiểm tra không những có tác dụng với chính bản thân người đó mà còn có ý nhắc nhở những đảng viên khác trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, xác lập các mối quan hệ hài hòa với cấp ủy, đồng nghiệp, anh em, bà con nơi cư trú…
Thực hiện Điều 30 của Điều lệ Đảng và Nghị quyết số 07 ngày 6-1-2003 của Tỉnh ủy Bình Định, thời gian qua, các cấp ủy đảng tỉnh Bình Định nói chung, huyện Hoài Nhơn nói riêng đã thực hiện công tác kiểm tra đảng viên đạt được những kết quả nhất định.
Hầu hết các chi bộ, nhất là chi bộ cơ sở đã bám sát vào 6 nội dung quy định ở điểm 1, mục 2 của Hướng dẫn 09, ngày 11-5-2004 của UBKT Tỉnh ủy Bình Định để kiểm tra đảng viên, cụ thể như: Kiểm tra việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ được giao; quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; đoàn kết nội bộ; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Hằng năm, cuối quý IV năm trước hoặc đầu quý I năm sau, các chi bộ (cơ sở, trực thuộc đảng ủy cơ sở) ở Hoài Nhơn đều xây dựng kế hoạch kiểm tra đảng viên chấp hành từ 80% đảng viên trở lên trên tổng số đảng viên sinh hoạt tại chi bộ. Vì mới kiểm điểm, đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên vào cuối năm nên các chi bộ thường tổ chức thực hiện kế hoạch này bắt đầu từ quý II, kết thúc vào cuối quý III, đầu quý IV trong năm. Mỗi tháng thường tiến hành kiểm tra từ 1 đến 5 đồng chí (tùy thuộc vào số lượng đảng viên của từng chi bộ).
Các tổ chức đảng đã linh hoạt trong việc đưa các nội dung kiểm tra đến với từng cá nhân đảng viên thuộc các bộ phận, lĩnh vực công tác khác nhau, phù hợp với phong cách làm việc, lối sống, sinh hoạt cá nhân của mỗi đảng viên. Đối tượng kiểm tra là đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và cấp ủy viên là cán bộ thuộc cấp ủy cấp trên quản lý đang sinh hoạt, công tác tại chi bộ. Tuy nhiên, trong thực tế, các tổ chức đảng chỉ kiểm tra đối với đảng viên, còn đối tượng là cấp ủy viên cùng cấp thì thường được thực hiện ở cấp ủy.
Về cách thức tiến hành, cấp ủy chi bộ mà đứng đầu là đồng chí bí thư chuẩn bị chương trình, nội dung kiểm tra đối với từng đảng viên; xác định số lượng đảng viên kiểm tra trong mỗi kỳ sinh hoạt. Trên cơ sở đó, trước khi họp chi bộ, chi ủy chọn 1-2 hoặc 3 trên tổng số 6 nội dung theo Hướng dẫn 09, thông báo đến người được kiểm tra. Người được kiểm tra viết bản tự kiểm tra, trình bày trước chi bộ, sau đó chi bộ tham gia, đóng góp, lấy biểu quyết và chủ trì kết luận theo 3 mức: chấp hành tốt, chưa tốt, có vi phạm. Đối với những chi bộ có số lượng đảng viên đông (trên 16 đồng chí) thì việc kiểm tra tiến hành tại tổ đảng nhưng kết luận tại chi bộ.
Theo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hoài Nhơn, hầu hết các chi bộ đã thực hiện đúng quy trình, nội dung kiểm tra. Kết quả được phản ánh cụ thể trong biên bản họp chi bộ, sau báo cáo về ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp để quản lý, chỉ đạo. Đảng viên được kiểm tra đã kiểm điểm tự giác, nghiêm túc. Nhiều ý kiến tham gia, góp ý với thái độ chân thành, cởi mở, trên tinh thần xây dựng nhằm mong muốn đồng chí mình ngày càng tiến bộ, góp phần xây dựng khối đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chi bộ đã đề ra. Các chi bộ: Thanh tra huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, trường THCS Hoài Mỹ, Tiểu học số 1 xã Hoài Mỹ, THCS Tam Quan Nam, Tiểu học số 2 Tam Quan, Công an thị trấn Bồng Sơn… là những tổ chức đảng thực hiện tốt.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cũng cho thấy vẫn còn một số tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nói chung, kiểm tra đảng viên chấp hành nói riêng nên khi thực hiện bị động, lúng túng, tác dụng còn hạn chế. Có chi bộ không xây dựng kế hoạch và cũng không tiến hành kiểm tra, không chọn một số trong 6 nội dung của Hướng dẫn 09 nói trên để vận dụng cho từng đảng viên, hoặc có chi bộ không phân bổ đều các tháng mà tiến hành kiểm tra 100% đảng viên trong một kỳ họp chi bộ… Đây là những cách làm không đúng quy trình. Mặt khác, nhiều tổ chức đảng mà đứng đầu là đồng chí bí thư do chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc này nên khi tổ chức kiểm tra còn mang tính hình thức, đối phó, thực hiện qua loa, đại khái nên tác dụng không cao.
Có những trường hợp cuối bản tự kiểm tra, đảng viên được kiểm tra không tự nhận hình thức chấp hành; chi bộ tham gia nhưng không tập trung vào nội dung cần kiểm tra mà góp ý không có trọng tâm. Có nơi nhầm lẫn với nội dung, phương pháp đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên cuối năm. Đây là những thiếu sót, nhầm lẫn làm giảm mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm tra đảng viên.
Các chi bộ đều xác định kiểm tra là nhằm nhắc nhở, góp ý, chấn chỉnh kịp thời những hành vi sai trái có thể làm mất uy tín người đảng viên; không để đồng chí mình “trượt dài” dẫn đến phải xử lý kỷ luật; thúc đẩy đảng viên, tổ chức đảng phát huy ưu điểm, khắc phục kịp thời những khuyết điểm; phát huy tính chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả của công tác kiểm tra. Đây là một trong những căn cứ để kiểm điểm, phân tích chất lượng đảng viên cuối năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Đẹp, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Hoài Nhơn chia sẻ: Kiểm tra đảng viên chấp hành không phải là “moi móc” khuyết điểm hay đặt nặng vấn đề kiểm điểm, xử lý vi phạm như nhận thức ở một số người. Kiểm tra không những có tác dụng với chính bản thân người đó mà còn có ý nhắc nhở những đồng chí khác trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, xác lập các mối quan hệ hài hòa với cấp ủy, đồng nghiệp, anh em, bà con nơi cư trú…
Phạm Dân
UBKT Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định